Ngày 3/10, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Ninh Bình đã tổ chức Lễ tôn vinh điển hình tiên tiến học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh (giai đoạn 2014-2024).
"Cầu ông Sản"
Tại lễ tôn vinh có 65 điển hình tiên tiến là 65 câu chuyện về những cống hiến, những việc làm có thực giữa đời thường.
Có mặt trong buổi lễ tôn vinh, ông Đỗ Quang Sản (SN 1945, ngụ ở thôn 21, xã Khánh Trung, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình) vẫn giữ nguyên nét giản dị với chiếc áo bay màu xanh bộ đội.
Theo lời ông kể, sau khi học hết cấp 3, năm 1976, ông Sản cùng nhiều thanh niên ở xã Khánh Trung lên đường nhập ngũ và được cử tham gia Sư đoàn 330, Quân khu 9 chiến đấu ở Biên giới Tây Nam. Sau nhiều trận đánh lớn, năm 1984, ông Sản trở về địa phương với thương tật 61%.
Trở về quê hương, ông Sản đảm nhiệm chức Phó trưởng Công an xã Khánh Trung. Khi đó, điều kiện kinh tế gia đình hết sức khó khăn, ông vừa làm ruộng, vừa phải đi làm thuê mà đời sống không mấy khấm khá. Năm 1986, ông Sản xin nghỉ công tác tại xã để tập trung phát triển kinh tế gia đình.
Năm 1997, sau khi tìm hiểu thị trường, ông Sản quyết định mở xưởng dịch vụ cốt pha xây dựng.
Trong quá trình ở quê nhà, ông chứng kiến cảnh người dân, đặc biệt là các cháu học sinh phải đi qua những cây cầu tạm tại địa phương rất khó khăn và nguy hiểm. Nhiều cây cầu có diện tích nhỏ lại được xây dựng lâu đời hoặc chỉ là những thanh tre, gỗ bắc qua sông vừa khó khăn cho việc đi lại tiềm ẩn nhiều nguy hiểm.
Từ năm 2015, ông Sản quyết định tự bỏ tiền để xây dựng, tu bổ, nâng cấp những cây cầu tạm tại xã.
Cây cầu đầu tiên được ông Sản xây dựng có tên Thiện Đức nằm ở khu vực chợ Cát, xã Khánh Trung. Đây là một trong những cây cầu nối liền giữa xã Khánh Trung và xã Khánh Mậu (huyện Yên Khánh) vừa giúp người dân đi lại vừa giúp thuận tiện giao thương. Tuy nhiên, chiều rộng cầu chỉ khoảng 50cm, người dân chỉ có thể đi bộ qua. Cây cầu được xây dựng đã lâu nên xuống cấp nghiêm trọng.
Trăn trở với suy nghĩ phải xây dựng được cây cầu, song nếu cứ chờ ngân sách của địa phương sẽ không biết đến bao giờ, ông quyết tâm xây dựng cây cầu để phục vụ việc đi lại, trao đổi buôn bán của người dân và việc đi học của con em địa phương.
Nghĩ là làm, ông Sản đề đạt nguyện vọng với chính quyền thôn, xóm, lãnh đạo UBND xã Khánh Trung và nhận được sự đồng tình, ủng hộ cao.
Việc xây dựng cây cầu chỉ mất vài ngày vì gia đình trực tiếp thi công, tự chủ về kinh phí, nguyên vật liệu, nhân lực. Cây cầu mới hoàn thành với chiều dài 13m, rộng 3,5m, chi phí khoảng 150 triệu đồng.
Tại buổi lễ, đại diện Ban tuyên giáo Tỉnh ủy Ninh Bình cho biết: "Ông Đỗ Quang Sản và gia đình đã nỗ lực phát triển kinh tế, duy trì ổn định cuộc sống gia đình và tạo việc làm cho 8-10 lao động địa phương có thu nhập ổn định".
Từ kinh phí của gia đình (300 triệu đồng), ông Sản đã xây dựng, sửa chữa nhiều cây cầu đã xuống cấp trong xã để phục vụ bà con nhân dân đi lại, góp phần xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế cho địa phương. Người dân địa phương thường gọi những cây đó là "cầu ông Sản".
Không những thế, ông Sản cùng gia đình đã ủng hộ để sửa chữa, nâng cấp Nghĩa trang liệt sỹ xã, ủng hộ thôn xây dựng thôn đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, ủng hộ quỹ phòng chống dịch COVID 19, ủng hộ đồng bào miền Trung bão lụt với số tiền gần 30 triệu đồng… những việc làm của ông đã góp phần lan tỏa trong cộng đồng xã hội tại địa phương.
Ông Sản đã nhận Bằng khen Thủ tướng giai đoạn 2016-2019 vì đã có thành tích tiêu biểu trong học tập làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Lan tỏa những yêu thương
Bà Bùi Mai Hoa, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Ninh Bình khẳng định: "65 điển hình tiên tiến tham dự lễ tôn vinh hôm nay là minh chứng rõ nét nhất cho kết quả triển khai việc học tập và làm theo Bác trong 10 năm qua từ tỉnh đến cơ sở, trên các ngành, các lĩnh vực, các tầng lớp nhân dân của tỉnh Ninh Bình".
Đó là những tấm gương thầm lặng cống hiến cho khoa học. Đó là những con người đầy khổ đau nhưng lại hy sinh, bao bọc hàng trăm mảnh đời nghèo khổ. Đó là những tấm gương đầy nhân ái bao dung "thương người như thể thương thân" với phương châm "cho đi là còn mãi", "sống cho đi không nhận riêng mình". Và nhiều người trong các điển hình được tôn vinh, việc học tập và làm theo Bác đã trở thành nhu cầu tự thân, nhu cầu văn hóa...
Ông Đoàn Minh Huấn, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình nhấn mạnh: "Mỗi người phải tự nhắc nhở bản thân, ra sức học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh bằng cả bổn phận và trách nhiệm, thực hành đạo đức công vụ trong lối sống, nếp sống đời thường, cả làm việc và làm người".
Trong điều kiện chuẩn bị Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu lần thứ XIV của Đảng và nỗ lực phấn đấu đến năm 2035, Ninh Bình trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo, đòi hỏi phải giải phóng mọi nguồn lực, sức mạnh nội sinh, dựa vào nền tảng giá trị tư tưởng, văn hóa và đạo đức con người theo tấm gương Chủ tịch Hồ Chí Minh...
Tại buổi lễ, 21 tập thể, 44 cá nhân điển hình tiên tiến học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh (giai đoạn 2014-2024) được tôn vinh và biểu dương.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận