Vừa xử lý vi phạm vừa chống ùn tắc
Những ngày giáp tết Nguyên đán 2024, thời tiết tại miền Bắc, miền Trung diễn biến phức tạp với những cơn mưa kèm cái rét cắt da cắt thịt. Tuy nhiên, trên các tuyến đường từ thành thị tới nông thôn, các tổ CSGT vẫn miệt mài tuần tra, chốt điểm bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông.
Quốc lộ 5 là tuyến giao thông huyết mạch nối Thủ đô Hà Nội với các tỉnh, thành khu vực Đông Bắc Bộ như Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng. Trong những ngày giáp Tết, lưu lượng phương tiện tham gia giao thông tăng đột biến.
Thông thường vào dịp cuối năm, tình trạng sử dụng rượu bia tham gia giao thông diễn ra phổ biến, nguy cơ gây TNGT hiện hữu. Cùng đó, nhu cầu đi lại của người dân tăng rất cao. Ngoài việc kiểm soát, xử lý nghiêm các lỗi là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới TNGT như tốc độ, nồng độ cồn, vượt đèn đỏ… cần chú trọng tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân bằng đa dạng hình thức từ pano, khẩu hiệu đến những hình ảnh thực tế của các vụ TNGT, những số liệu xử lý vi phạm nồng độ cồn...
Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia
Thực hiện kế hoạch đợt cao điểm tuần tra, kiểm soát bảo vệ tết Nguyên đán, lực lượng CSGT Hải Phòng, Hải Dương đã lên kế hoạch phối hợp xử lý vi phạm giao thông trên tuyến quốc lộ này. Chỉ trong ít ngày, đã có hàng trăm trường hợp vi phạm bị xử lý, trong đó phần lớn vi phạm tốc độ và và nồng độ cồn.
Tại Hà Nội, PV Báo Giao thông theo chân các tổ công tác của Công an thành phố làm nhiệm vụ và ghi nhận, ngoài xử lý vi phạm, lực lượng chức năng còn khá vất vả khi liên tục phải điều tiết giao thông, hướng dẫn phân luồng do hàng loạt tuyến đường xảy ra ùn ứ dù không phải giờ cao điểm.
"Cuối năm, nhu cầu đi lại tăng đột biến nên CSGT luôn phải căng mình làm nhiệm vụ. Tại các bến xe, tình trạng xe dù, bến cóc có dấu hiệu hoạt động phức tạp nên lực lượng chức năng cũng rất vất vả", đại diện Phòng CSGT Công an TP Hà Nội cho biết.
Trung tá Phạm Văn Chiến, Đội trưởng Đội CSGT số 6, Phòng CSGT Công an TP Hà Nội cho biết, lỗi dừng đỗ, đón trả khách không đúng nơi quy định là một trong những vi phạm phổ biến mà đơn vị đã và đang tập trung xử lý tại khu vực bến xe Mỹ Đình.
Còn theo lãnh đạo tổ công tác Đội CSGT - trật tự, Công an quận Ba Đình, các trường hợp vi phạm nồng độ cồn mà tổ xử lý đa phần là người điều khiển xe máy.
"Đến nay ý thức của tài xế ô tô đã được nâng lên rất nhiều, song người đi xe máy uống rượu bia vẫn khá phổ biến, nhất là dịp cuối năm diễn ra nhiều cuộc liên hoan, tất niên. Tổ công tác được chỉ đạo làm nhiệm vụ xuyên đêm, không có giờ nghỉ", vị này cho hay.
Tại TP.HCM, đại diện Phòng CSGT Công an TP thông tin, kế hoạch kiểm tra nồng độ cồn được duy trì xuyên Tết, không chỉ ở khu trung tâm mà cả những huyện xa.
Ngoài việc lập chốt cố định, tại các nút giao, mỗi khi có đèn đỏ, các chiến sĩ CSGT sẽ triển khai đo nồng độ cồn với các tài xế, cả ô tô và xe máy, kịp thời xử lý vi phạm.
Làm mạnh cả cao tốc, quốc lộ và đường nông thôn
Theo Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Tuyên truyền, Cục CSGT, Bộ Công an đã có kế hoạch cụ thể thực hiện công điện của Thủ tướng Chính phủ và điện của Bộ trưởng Bộ Công an về mở đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự, ATGT dịp tết Giáp Thìn và lễ hội đầu Xuân 2024.
Trong đó, CSGT toàn quốc sẽ phối hợp cùng các lực lượng khác tập trung phương tiện, thiết bị kỹ thuật để làm nhiệm vụ. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm là tăng cường các tổ tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm về nồng độ cồn, ma túy.
Việc kiểm tra này diễn ra trên các tuyến cao tốc, quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện, đường đô thị và cả đường giao thông nông thôn liên huyện, liên xã nhằm ngăn chặn tối đa tài xế sử dụng rượu bia trực tiếp điều khiển phương tiện tham gia giao thông.
Đại tá Nhật cho biết thêm, CSGT sẽ tổ chức ứng trực, nắm tình hình, kịp thời huy động lực lượng phối hợp tổ chức phân luồng, điều tiết giao thông thông suốt, hạn chế ùn tắc trên các trục chính ra vào Hà Nội và TP.HCM.
Việc này cũng được thực hiện trên các tuyến cao tốc, quốc lộ trọng điểm, nơi tổ chức chợ hoa, chợ Tết, khu vui chơi, bắn pháo hoa, các lễ hội, bến xe, nơi có mật độ phương tiện tham gia giao thông cao.
"Bộ Công an đã chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương tập trung lực lượng, phương tiện, tuần tra kiểm soát với tinh thần "xuyên đêm, xuyên Tết". Mục tiêu là kéo giảm TNGT, quyết tâm không để xảy ra các vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng", đại tá Nhật nói và cho biết, dịp Tết, CSGT toàn quốc cũng được yêu cầu hỗ trợ người dân, những gia đình có hoàn cảnh khó khăn để họ có thể di chuyển về quê đón Tết an toàn.
Kiểm tra chéo các địa bàn
Đại tá Trần Đình Nghĩa, Trưởng phòng CSGT Công an TP Hà Nội cũng cho biết, hiện đơn vị đang triển khai hai tổ công tác làm nhiệm vụ 24/24h trên quốc lộ 1A, mỗi tổ có 10 người.
Tại các cửa ngõ ra vào Thủ đô, CSGT đã thành lập các tổ kiểm soát trên quốc lộ 6, quốc lộ 2, quốc lộ 3. Trong nội thành, CSGT hiện vẫn duy trì các tổ công tác tại 299 ngã ba, ngã tư, ngã năm thường xuyên có lưu lượng tham gia giao thông đông để tổ chức hướng dẫn, phân luồng, tránh ùn tắc. "Bên cạnh đó, 14 tổ công tác 141 và 22 đội công tác khác sẽ cùng với công an các quận/huyện xử lý vi phạm nồng độ cồn không có ngày nghỉ", đại tá Nghĩa nói.
Theo trung tá Nguyễn Thành Hưng, Trưởng Phòng CSGT Công an tỉnh Quảng Ninh, dịp Tết năm nay, lực lượng CSGT tỉnh sẽ phối hợp cùng các đơn vị chức năng tập trung trực quân số 100% nhằm hỗ trợ tối đa nhu cầu đi lại của người dân, tăng cường xử lý các vi phạm, nhất là lỗi nồng độ cồn và ma túy.
Tương tự, Thượng tá Đỗ Văn Bình, Phó phòng CSGT Công an tỉnh Ninh Bình cho biết, năm 2024 khác hơn so với những năm trước là 100% cán bộ, chiến sỹ làm xuyên Tết, tập trung vào các hành vi vi phạm nổi cộm như nồng độ cồn, dừng, đỗ xe không đúng quy định, chạy quá tốc độ…
Ngoài các tổ công tác chốt trực, tuần lưu trên dọc các tuyến quốc lộ, Công an tỉnh Ninh Bình thành lập thêm 1 tổ công tác đặc biệt gồm cảnh sát cơ động, CSGT và công an huyện duy trì kiểm soát đến hết ngày 24/2.
Trao đổi với Báo Giao thông, đại tá Lê Văn Chiến, Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh Thanh Hóa thông tin, Công an tỉnh đã xây dựng kế hoạch kiểm tra chéo địa bàn và hoạt động xuyên Tết.
Tại các nơi khác như Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu… lãnh đạo Công an tỉnh cho biết đã chuẩn bị kế hoạch chi tiết, nhằm đảm bảo trật tự ATGT dịp Tết một cách hiệu quả nhất, giúp người dân đón Tết an toàn, vui tươi.
Túc trực 24/24h tại các điểm nóng giao thông
Tại TP.HCM nơi có nhiều điểm nóng về giao thông như các bến xe, ga Sài Gòn, sân bay Tân Sơn Nhất và các điểm thường ùn tắc như cảng Cát Lái, phà Cát Lái, cao tốc TP.HCM – Long Thành - Dầu Giây, Sở GTVT TP.HCM đã huy động tối đa các lực lượng túc trực 24/24h tại các đầu mối để kịp thời xử lý các tình huống phát sinh.
Tại phà Cát Lái, dự kiến có khoảng 197 chuyến phà/ngày, với khoảng 54.000 lượt hành khách/ngày. Tại Tân Sơn Nhất cũng dự kiến có khoảng 130.000 – 140.000 hành khách/ngày, tăng 8% so với cùng kỳ. Vì vậy, việc đảm bảo giao thông, hạn chế ùn tắc tại 2 điểm này được ngành chức năng rất quan tâm.
Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết, đang duy trì tổ thường trực để nhận tin, hình ảnh qua Zalo, kịp thời đưa ra các chỉ đạo, xử lý các vấn đề trước mắt.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận