Hiện lực lượng CSGT vẫn đang tăng cường thêm hàng loạt giải pháp mạnh.
Nhiều ca công tác không phát hiện vi phạm
Những ngày đầu tháng 2/2023, PV Báo Giao thông theo chân các Tổ công tác của Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội và Công an các quận, huyện và đều ghi nhận, lực lượng CSGT rất khó khăn để phát hiện được tài xế ô tô vi phạm nồng độ cồn.
Việc CSGT tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm nồng độ cồn đã tạo ra chuyển biến tích cực, nhiều tài xế đã biết “sợ”
Trong 2 giờ ngày 16/2, Tổ công tác Đội CSGT - trật tự, Công an quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội dừng cả trăm xe ô tô trên đường Văn Tiến Dũng nhưng không phát hiện tài xế nào vi phạm.
Trước đó tối 15/2, Tổ công tác Đội CSGT số 15 dừng hơn 200 xe ô tô cũng không phát hiện trường hợp nào. Tối 18/2, sau khi kiểm tra 287 xe ô tô, Tổ công tác Đội CSGT số 1 mới phát hiện tài xế L.T.H. điều khiển chiếc xe ô tô BKS 30G - 847.XX vi phạm 0,031 miligam/lít khí thở.
Một cán bộ của Đội CSGT số 1 cho biết: “Chúng tôi vẫn dừng rất nhiều xe, xử lý rất quyết liệt nhưng những ngày gần đây, có ca công tác chỉ lác đác vài tài xế xe máy vi phạm, ô tô thì tuyệt nhiên không”.
Bị CSGT dừng xe tại ngã tư Đa Phúc, thị trấn Sóc Sơn (huyện Sóc Sơn), kết quả kiểm tra cho thấy lái xe Nguyễn Văn Tình không vi phạm. Anh Tình cho biết, các tài xế giờ rất “ám ảnh và sợ bị xử phạt”: “Cảm giác CSGT yêu cầu thổi máy đo nồng độ cồn bất cứ xe nào, bất cứ lúc nào. Mức phạt cao, thời gian tước GPLX dài nên tài xế đã uống thì không dám lái”.
Tương tự, anh Nguyễn Văn Khôi (ở Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: “Hễ vi phạm bị phạt tiền rất cao rồi tạm giữ xe, trong khi taxi, Grab rất dễ gọi, còn có cả dịch vụ lái xe hộ về nhà thì tội gì uống rồi còn cầm lái!”.
Thiếu tá Ngô Tuấn Nam, cán bộ Đội CSGT số 15 cho biết, hiện số tài xế vi phạm nồng độ cồn được phát hiện hàng ngày vẫn cao, vì tần suất và thời gian kiểm tra nhiều. Nhưng thực tế, tỷ lệ người tham gia giao thông sử dụng rượu, bia đã giảm sâu, bởi phải kiểm tra gấp đôi, thậm chí gấp 3 lần so với trước mới phát hiện.
Phòng CSGT (Công an TP Hà Nội) thống kê, từ ngày 15/11/2022 - 15/2/2023, đã xử lý gần 15.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, gồm 2.071 người điều khiển xe ô tô, phạt tiền hơn 82 tỷ đồng, tước giấy phép lái xe 8.584 trường hợp, tạm giữ gần 15.000 phương tiện.
Qua xử lý vi phạm nồng độ cồn từ đầu năm 2023 đến nay, trung bình khi dừng hơn 400 phương tiện mới phát hiện và xử lý vài trường hợp vi phạm. Đại tá Trần Đình Nghĩa, Trưởng phòng CSGT Công an TP Hà Nội cho biết, kết quả này cho thấy hiệu quả của việc xử lý «mạnh tay” đã góp phần từng bước thay đổi hành vi của người tham gia giao thông.
Tăng cường tuần tra lưu động, kiểm tra chéo
Tối 12/2, thay vì cắm chốt tại một vị trí, Tổ công tác thuộc Đội CSGT - trật tự, Công an quận Hoàn Kiếm đã sử dụng mô tô đặc chủng tuần tra trên đường, kiểm tra nồng độ cồn lưu động. Khi thấy các tài xế có biểu hiện nghi vấn, Tổ công tác bám theo, rồi tìm vị trí thích hợp để yêu cầu tài xế dừng xe kiểm tra. Tổ công tác đặc biệt chú ý đến các tài xế vừa rời khỏi các nhà hàng, quán ăn.
Đại úy Huỳnh Tấn Quảng, cán bộ Tổ công tác cho biết, việc thực hiện tuần tra, kiểm tra lưu động sẽ nâng cao hiệu quả trong công tác xử lý nồng độ cồn: “Người vi phạm, nhất là người đi xe máy khi nhìn thấy chốt sẽ tìm cách né chốt, quay đầu. Vì vậy, chúng tôi tuần tra lưu động để kể cả những người thông thạo đường sá cũng ít có cơ hội để né”.
Theo Thiếu tá Trần Quang Chinh, Phó Đội trưởng Đội CSGT số 6, việc thay đổi vị trí cắm chốt cũng là cách làm mang lại hiệu quả trong việc xử lý. Đồng thời, việc tăng thêm mật độ các chốt khiến người vi phạm lọt chốt này vẫn khó lọt chốt khác.
“Bên cạnh việc thực hiện nghiêm quy định không nghe điện thoại trong quá trình kiểm tra, xử lý nồng độ cồn, việc tăng cường thêm các chốt, tuần tra lưu động sẽ giúp người dân đã tự ý thức được đã uống mà lái xe thì rất khó tránh khỏi bị phát hiện và bị xử lý”, ông Chinh nói.
Từ ngày 15/2, Cục CSGT cũng thành lập 5 tổ công tác, mỗi tổ gồm 5 thành viên từ các phòng nghiệp vụ của Cục để trực tiếp làm nhiệm vụ xử lý vi phạm giao thông, trong đó tập trung vào nồng độ cồn tại 30 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Việc trực tiếp kiểm tra xử lý được thực hiện tại khu vực có nhiều quán bar, vũ trường, nhà hàng, quán ăn… Biên bản xử lý vi phạm được lập và thông báo, bàn giao cho CSGT địa phương xử lý theo quy định.
“Trong năm 2023, lực lượng CSGT trên cả nước sẽ tăng cường xử lý vi phạm nồng độ cồn, tập trung vào thành phố lớn, các khu công nghiệp, du lịch, nơi có nhiều khả năng người dân vi phạm”, Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra giải quyết tai nạn giao thông, Cục CSGT khẳng định.
Trình bày báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 12/2022 và tháng 1/2023, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết, cử tri đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của lực lượng CSGT trong việc ra quân kiên quyết xử lý vi phạm nồng độ cồn đối người điều khiển phương tiện giao thông. Đây là nguyên nhân chính làm giảm số vụ tai nạn giao thông so với các kỳ nghỉ Tết trước đó.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận