Nhiều bạn đọc gửi câu hỏi về Báo Giao thông thắc mắc việc CSGT không lập chốt mà đột xuất kiểm tra nồng nồng độ cồn với người đang lưu thông trên đường có đúng quy định?
Liên quan đến điều này, trao đổi với Báo Giao thông, Luật sư Giang Hồng Thanh, Văn phòng Luật sư Giang Thanh cho biết, Điều 12 Thông tư 01/2016 quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ của CSGT quy định, cán bộ thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát được dừng phương tiện để kiểm soát trong các trường hợp như: trực tiếp phát hiện hoặc thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, ghi nhận được các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ. Thực hiện mệnh lệnh, kế hoạch tuần tra, kiểm soát của Cục trưởng Cục CSGT hoặc Giám đốc Công an cấp tỉnh trở lên.
CSGT cũng được dừng xe thực hiện kế hoạch tổ chức tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm, bảo đảm trật tự ATGT của Trưởng phòng Tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc thuộc Cục CSGT, Trưởng phòng CSGT hoặc Trưởng Công an cấp huyện trở lên; Có văn bản đề nghị của Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan điều tra; văn bản đề nghị của cơ quan chức năng liên quan về dừng phương tiện để kiểm soát phục vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự, phòng, đấu tranh chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Văn bản đề nghị phải ghi cụ thể thời gian, tuyến đường, phương tiện dừng để kiểm soát, xử lý, lực lượng tham gia phối hợp. Tin báo, tố giác về hành vi vi phạm pháp luật của người và phương tiện tham gia giao thông.
Như vậy, theo quy định trên thì trực tiếp phát hiện được những dấu hiệu của hành vi vi phạm hoặc theo tin báo, tố giác, CSGT có thể yêu cầu người điều khiển phương tiện dừng xe để kiểm tra. Khi CSGT đang đi trên đường mà trực tiếp phát hiện hành vi vi phạm thì có thể yêu cầu người đi xe máy dừng xe lại để kiểm tra nồng độ cồn mà không cần lập chốt.
Bên cạnh đó, Điều 3 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 có quy định về nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính quy định: Mọi vi phạm hành chính phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và phải bị xử lý nghiêm minh, mọi hậu quả do vi phạm hành chính gây ra phải được khắc phục theo đúng quy định của pháp luật. Việc xử phạt vi phạm hành chính được tiến hành nhanh chóng, công khai, khách quan, đúng thẩm quyền, bảo đảm công bằng, đúng quy định của pháp luật. Người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm chứng minh vi phạm hành chính. Cá nhân, tổ chức bị xử phạt có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp chứng minh mình không vi phạm hành chính.
Như vậy, khi có hành vi vi phạm thì phải được ngăn chặn và xử lý theo quy định của pháp luật; người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm chứng minh vi phạm hành chính. Vì vậy, CSGT có quyền yêu cầu dừng xe để kiểm tra nồng độ cồn ngay cả khi không lập chốt.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận