Tàu qua hàng loạt lối đi tự mở ở Ngọc Hồi, Hà Nội |
Đau đầu với đường ngang, lối đi tự mở
Ghi nhận của PV Báo Giao thông tại khu vực đường sắt song song đường bộ gần ga Văn Điển (Hà Nội), hàng loạt cửa hàng kinh doanh san sát, cửa hàng nào cũng tự mở một lối băng qua đường sắt bằng đủ các loại vật liệu mặc dù đã có đường gom khá rộng dẫn ra đường ngang cách đó không xa, chỉ khoảng 200m.
Chủ một cửa hàng nội thất vô tư nói: “Làm thế để tiện đi lại, tiện cho khách vào cửa hàng. Với lại, toàn người ở đâu đến bị tai nạn, chứ dân ở đây quen rồi”.
Để minh chứng cho lời ông chủ này nói, chỉ sau vài phút, trong khi đang ghi hình, PV hoảng hốt trước cảnh phía xa đoàn tàu đang lao tới từ hướng ga Văn Điển về ga Hà Nội, phía trước bỗng xuất hiện người điều khiển xe máy đang leo qua đường sắt tại lối đi tự mở thì bị chết máy. Một thanh niên từ phía trong cửa hàng phải lao ra đẩy giúp, chiếc xe vọt qua đường sắt vừa lúc tàu lao qua, tránh được vụ tai nạn thương tâm.
Đáng buồn, đây lại là thực trạng phổ biến trên toàn hệ thống đường sắt Việt Nam. Thiếu tướng Nguyễn Hải Hưng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cho biết, có địa phương chỉ có 40km đường sắt đi qua nhưng có đến 320 lối mở. Trung bình khoảng 100m lại có một lối đi tự mở. Việc đảm bảo an toàn hay hạn chế những lối đi này rất khó khăn nếu địa phương không có trách nhiệm.
“Đơn cử khu vực Thanh Trì (Hà Nội), chỉ khoảng 200m đường sắt nhưng có hơn 10 hộ dân mở lối. Ngay Thủ đô chúng ta còn chưa làm được, chưa nói các địa phương khác. Nguy cơ tiềm ẩn tai nạn luôn hiện hữu”, Thiếu tướng Hưng nói.
Cục trưởng Cục Đường sắt VN Vũ Quang Khôi cho biết, tình trạng vi phạm hành lang ATGT đường sắt, phạm vi bảo vệ công trình đường sắt cũng đáng báo động. Theo thống kê đến tháng 2/2018, trên toàn mạng lưới đường sắt còn tồn tại 14.170 vị trí vi phạm; Nhức nhối nhất là Đà Nẵng với 1.556 vị trí, tiếp đến là Khánh Hòa 1.236 vị trí, Hà Nội 11.199 vị trí… Nguyên nhân, theo ông Khôi, trong quá trình đô thị hóa, nhiều địa phương khi giao đất cho các doanh nghiệp xây dựng các khu công nghiệp, khu dân cư thiếu sự phối hợp với đường sắt trong thực hiện khi quy hoạch hệ thống đường giao thông qua đường sắt.
Phải Quy trách nhiệm xóa đường ngang dân sinh cho địa phương
Ông Nguyễn Văn Thạch, Vụ trưởng Vụ ATGT (Bộ GTVT) cho biết: “Trong quá trình quản lý, chúng tôi đã khuyến cáo, khi quy hoạch phát triển các khu đô thị, phải tính đến việc đường bộ cắt qua đường sắt. Thế nhưng rất nhiều địa phương vẫn cấp đất cho dân, thậm chí cả vào trong hành lang an toàn đường sắt”.
Cho rằng các địa phương phải có trách nhiệm, chia sẻ với ngành Đường sắt trong công tác đảm bảo ATGT đường sắt, ông Thạch thẳng thắn nói: “Chỉ mình đường sắt không lo được. Chính vì vậy, trong Luật Đường sắt 2017 và các văn bản dưới luật quy định rất rõ các chủ thể, trong đó các cấp chính quyền địa phương phải có trách nhiệm quản lý hành lang đường sắt, lối đi tự mở. Các giao cắt quốc lộ với đường sắt, Tổng cục Đường bộ phải lo kết nối tín hiệu, làm gờ giảm tốc, giao cắt với đường địa phương (tỉnh lộ, đường huyện, xã). Lối đi tự mở, các địa phương phải có trách nhiệm.
Liên quan đến vấn đề kinh phí, theo ông Thạch, từ năm 2018, tiền xử phạt hành chính lĩnh vực ATGT đã để lại cho địa phương 70%. “Vì vậy, các địa phương cần quyết liệt thực hiện công tác đảm bảo ATGT đường sắt, không thể đổ lỗi do không có kinh phí”, ông Thạch nói.
Ông Nguyễn Văn Hà, Trưởng phòng Vận tải - ATGT (Cục Đường sắt VN) cho biết, trong năm 2018, Chính phủ ban hành nhiều nghị định, Bộ GTVT cũng cụ thể hóa bằng các thông tư quan trọng để đảm bảo ATGT đường sắt, nhất là trong việc quản đường ngang. Trong đó, Nghị định số 65/2018 ngày 12/5/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đường sắt 2017 vừa ban hành đã đưa ra các bước giải quyết cũng như trách nhiệm cụ thể của từng chủ thể khi chưa xây dựng nút giao khác mức đường sắt - đường bộ và trách nhiệm xây dựng nút giao khác mức.
Nghị định 56/2018 của Chính phủ quy định về quản lý, kết cấu hạ tầng đường sắt còn quy định trách nhiệm cụ thể của các bộ, ngành như: GTVT, Tài chính, Công an, TN&MT, NN&PTNT và đặc biệt là của UBND cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã trong quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia. Tại Nghị định này cũng phân định rõ nguồn kinh phí thực hiện đối với từng nội dung, bao gồm cả ngân sách T.Ư và địa phương.
Thông tư 25/2018 quy định về đường ngang còn quy định cụ thể trách nhiệm của các chủ thể cụ thể trong việc quản lý, sử dụng đường ngang và đất dành cho đường sắt. Trong đó, Tổng cục Đường bộ VN quản lý, duy trì trạng thái hoạt động của công trình đường bộ ngoài phạm vi đường ngang, tầm nhìn của người điều khiển phương tiện GTĐB (Khoản 1, Điều 56). UBND các cấp tổ chức tuyên truyền, giáo dục nhân dân; tổ chức phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý kịp thời hành vi vi phạm hành lang ATGT đường sắt; Đề xuất hình thức tổ chức phòng vệ đường ngang.
Bộ GTVT cũng vừa ban hành Thông tư 28/2018 quy định chi tiết về kết nối tín hiệu đèn giao thông đường bộ với tín hiệu đèn báo hiệu trên đường bộ tại đường ngang, cung cấp thông tin hỗ trợ cảnh giới tại các điểm giao cắt giữa đường bộ - đường sắt. Trong đó, quy định cụ thể trách nhiệm và kinh phí thực hiện của chính quyền địa phương, doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt, chủ sở hữu, quản lý, sử dụng hệ thống đèn giao thông đường bộ. |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận