Nhan nhản vi phạm
Đội Tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc số 7, Phòng 6, Cục CSGT, Bộ Công an đang tiến hành xác minh phản ánh của người dân về việc xuất hiện hai xe máy lưu thông trên cao tốc TP.HCM - Trung Lương, đoạn qua địa bàn TP Tân An, tỉnh Long An vào sáng 3/3.
Tại Hà Nội, tình trạng người dân đi vào đường cao tốc Đại lộ Thăng Long diễn ra phổ biến mỗi ngày. Mới đây, PV Báo Giao thông có dịp đi cùng tổ công tác của Đội CSGT đường bộ số 11 (Công an TP Hà Nội) kiểm tra xử lý các phương tiện xe máy đi vào làn đường dành riêng cho ô tô.
Chỉ trong một ca làm việc tổ công tác đã phát hiện và xử lý gần chục trường hợp vi phạm, nhiều xe khác thấy lực lượng chức năng từ xa liền quay đầu đi ngược chiều để "tẩu thoát".
Lãnh đạo Đội CSGT đường bộ số 6, Phòng Cảnh sát giao thông – Công an TP Hà Nội cũng cho biết, tính riêng trong tháng cao điểm Tết vừa qua, Đội CSGT số 6 đã xử lý 25 trường hợp xe máy đi vào Vành đai 3 và Đại lộ Thăng Long.
Dường như, bài học từ vụ tai nạn giao thông mới đây khiến 4 người đi trên 2 xe máy lưu thông ngược chiều trên cao tốc Nội Bài – Lào Cai đoạn qua phường Duyên Hải, TP Lào Cai, tỉnh Lào Cai va chạm với xe bồn dẫn đến tử vong vẫn chưa khiến nhiều người cảnh tỉnh.
Thực tế, đã có rất nhiều vụ tai nạn xảy ra do người dân bất chấp quy định cấm, đi xe máy vào cao tốc.
Cuối năm 2023, ngày 23/11, trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ cũng xảy ra vụ TNGT liên hoàn giữa xe khách, ô tô tuần tra giao thông của công ty BOT và một xe máy không gắn biển kiểm soát tự ý đi vào đường cao tốc.
Hậu quả, cô gái ngồi sau xe máy tử vong, còn thiếu niên 14 tuổi điều khiển xe máy bị thương nặng. Trước khi xảy ra vụ TNGT, xe máy liên tục đánh võng, tạt đầu xe tuần tra giao thông khi bị truy đuổi.
Hay ngày 5/5/2023, ô tô khách chạy tuyến Hải Phòng - Hà Nội đi trong làn cao tốc thì va chạm với xe máy do chị N.T.V.A (SN 2000) điều khiển đi cùng chiều. Cú va chạm mạnh khiến chị V.A ngã ra đường tử vong tại chỗ.
Ứng dụng công nghệ xử nghiêm vi phạm
Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng VP luật sư Tinh thông luật cho biết, Nghị định 100/2019/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP quy định: Người điều khiển xe máy đi vào đường cao tốc, trừ xe phục vụ việc quản lý, bảo trì đường cao tốc sẽ bị phạt tiền từ 2 - 3 triệu đồng. Đặc biệt, xe máy đi vào đường cao tốc gây TNGT, mức phạt cao hơn, từ 4 - 5 triệu đồng.
Ngoài ra, người điều khiển xe máy đi vào đường cao tốc còn bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 3-5 tháng và có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp gây tai nạn.
Luật sư Bình cũng nhấn mạnh cần bổ sung thêm hình thức xử phạt tạm giữ phương tiện để tăng tính răn đe. Cùng với đó, có cách thức lưu giữ thông tin vi phạm, làm căn cứ tăng nặng mức phạt nếu tái phạm.
Ngoài ra, để ngăn chặn tình trạng này và hình thành văn hóa giao thông trong mỗi người dân, mỗi gia đình cần phải thượng tôn pháp luật.
"Trước hết, cần tuyên truyền thường xuyên, liên tục để người dân nắm được quy định pháp luật và các mức phạt nếu vi phạm, sự nguy hiểm của hành vi đi xe máy vào đường cao tốc. Mỗi bộ phận người dân cần được tuyên truyền bằng hình thức khác nhau sao cho việc tuyên truyền được đi vào thực chất, sâu rộng, chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, phương tiện thông tin đại chúng, lồng ghép trong sinh hoạt cộng đồng", luật sư Bình nói và cho biết: Song song với đó, cần xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, bên cạnh tuần tra kiểm soát, lực lượng chức năng nên áp dụng phạt nguội thông qua hệ thống camera giám sát.
Trong khi đó, TS Nguyễn Phước Quý Duy, Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng cho rằng, mặc dù pháp luật đã quy định các mức xử phạt vi phạm, tuy nhiên tình hình xử phạt hành vi đi xe máy trên cao tốc chưa được nghiêm khắc. Vì thế người lái xe cảm thấy rằng mức độ rủi ro bị phạt khi thực hiện những hành vi này là không cao. Do đó, cần tăng cường xử phạt các hành vi bằng cách bố trí lực lượng chức năng, xử phạt nguội qua camera, ngoài ra, việc trừ điểm hay bấm lỗ bằng lái cũng nên được xem xét áp dụng để tăng tính răng đe.
"Cơ quan chức năng nên đầu tư trang bị hệ thống camera giám sát trên đường cao tốc để phục vụ công tác quản lý, giám sát và xử lý vi phạm. Chỉ có việc xử phạt nghiêm khắc mới răn đe được các hành vi vi phạm giao thông, từ đó xây dựng văn hóa giao thông trong mỗi người dân", TS Duy nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, chuyên gia giao thông, TS Nguyễn Minh Hiếu cho biết, hành vi đi xe máy vào đường cao tốc cần đặc biệt xử lý nghiêm vì mức độ nguy hiểm lớn, có thể gây ra các tai nạn liên hoàn và vô cùng thảm khốc.
Ngoài việc nâng mức phạt về hành chính, cũng cần phải bổ sung thêm hình phạt tạm giữ phương tiện.
"Giám sát và xử lý nghiêm là hết sức cần thiết", TS Hiếu nhấn mạnh và cho rằng, nên ứng dụng công nghệ, có thể là nhận diện tự động sự xuất hiện của hành vi vi phạm tại khu vực cụ thể để lực lượng chức năng tiếp cận kịp thời và xử lý vi phạm. Bởi quân số mỏng, CSGT không thể dàn quân ở tất cả các nút giao cắt hay lối vào các đường cao tốc.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận