Các cơ sở đóng, sửa chữa phương tiện thủy phải hoạt động theo mô hình doanh nghiệp hoặc hợp tác xã - Ảnh minh họa
Ngày 8/6, đại diện Ban soạn thảo dự thảo Nghị định xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa (thay thế Nghị định 132/2015) cho biết, tới đây sẽ bổ sung một số hành vi và mức phạt về đóng mới, hoán cải, sửa chữa phục hồi phương tiện thủy.
Đáng chú ý, dự thảo bổ sung các hành vi: không có đủ hồ sơ về bảo vệ môi trường được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, với mức phạt 30 - 40 triệu đồng. Trường hợp không có hoặc không thực hiện đầy đủ phương án đảm bảo ATGT khi hạ thủy phương tiện, không đủ điều kiện an toàn về phòng cháy, chữa cháy hoặc không có phương án chữa cháy theo quy định bị phạt 5-10 triệu đồng.
Dự thảo cũng quy định cụ thể và tăng mức phạt lên 10 - 20 triệu đồng (hiện quy định 5-10 triệu đồng) đối với các vi phạm: không có hồ sơ hoặc thực hiện không đúng hồ sơ thiết kế phương tiện thủy; không đảm bảo điều kiện giám sát, quản lý chất lượng phương tiện; thiếu từ 1 cán bộ kỹ thuật hoặc cán bộ kiểm tra chất lượng hoặc thợ đóng tàu.
Tương tự, cơ sở đóng tàu bị phạt 20 - 30 triệu đồng (tăng gấp đôi hiện nay) nếu đưa phương tiện thủy tự hoán cải, thay đổi tính năng, kết cấu, công dụng của phương tiện so với thiết kế ban đầu được phê duyệt vào hoạt động "chui". Đối với cơ sở đóng tàu không thành lập doanh nghiệp hoặc hợp tác xã khi hành nghề đóng mới, hoán cải, sửa chữa phục hồi phương tiện theo quy định cũng tăng gấp đôi mức phạt, lên tới 65 - 75 triệu đồng.
Theo đại diện Ban soạn thảo, việc bổ sung mức phạt vi phạm về môi trường, bảo đảm ATGT khi hạ thủy phương tiện nhằm thống nhất với nội dung liên quan được quy định tại Nghị định số 08/2021 của Chính phủ về quản lý hoạt động đường thủy nội địa.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận