Không còn lực lượng công an trên tàu, các nhân viên đường sắt rất khó dẹp đội ngũ bán hàng rong - Ảnh: Thùy Sinh |
Nhiều vụ gây rối trên tàu
Tại cuộc hội thảo mới đây về đảm bảo an ninh, ATGT trên đường sắt, ông Hoàng Đình Ban, Trưởng khoa CSGT, Học viện Cảnh sát Nhân dân cho rằng, cần tăng cường quan hệ phối hợp giữa ngành Đường sắt với Công an và chính quyền địa phương để đảm bảo ATGT cũng như giải quyết những vụ TNGT đường sắt.
“Luật Đường sắt quy định rất cụ thể, nhưng việc phối hợp hiện chưa chặt chẽ. Nhất là từ khi Bộ Công an rút hết lực lượng CSGT khỏi đường sắt nên xảy ra nhiều vấn đề”, ông Ban nói và cho biết, cả chục năm nay, mỗi chuyến tàu chỉ có hai nhân viên của ngành Đường sắt, mỗi lần xảy ra sự cố thường khó khăn trong giải quyết.
"Các đối tượng trộm cắp, chống đối... sẽ bị áp giải và bàn giao tại ga gần nhất. Đối với các trường hợp tàu đâm va gây chết người, nhà tàu cũng phải cắt cử nhân viên và bảo vệ hiện trường. Như vậy số lượng nhân viên đã ít lại càng ít, gây khó khăn cho bảo vệ an ninh trên tàu”. Ông Đào Việt Thắng |
Còn theo ông Đào Việt Thắng, Trạm trưởng Trạm Thống Nhất và liên vận quốc tế thuộc Đoàn Tiếp viên đường sắt Hà Nội, hiện nay theo quy định mỗi đoàn tàu Thống Nhất được biên chế hai bảo vệ. Hoạt động tổ tàu cơ bản đảm bảo được an ninh trật tự. Nhưng khó khăn nhất vẫn là kiểm soát và xử lý khi phát hiện hàng lậu, hàng cấm vận chuyển trên tàu hỏa...
Hơn nữa, rất nhiều vụ việc chống đối nhân viên nhà tàu thường xuyên diễn ra, thậm chí gây thương tích cho nhân viên nhà tàu. Đơn cử năm 2013, tại ga Mậu A, một số đối tượng trộm cắp đã trèo lên cửa sổ của toa tàu để ăn trộm đồ của hành khách trong khoang. Trưởng tàu Hoàng Văn Hiển và một số nhân viên phát hiện, truy đuổi, bị đối tượng dùng gạch đá chống đối lại khiến anh Hiển bị thương nặng.Hay như lúc 15h25 ngày 18/8/2015, tàu R158 vừa dừng đỗ tại ga Mạo Khê, Trưởng tàu Nguyễn Trung Ngân xuống ga làm nhiệm vụ thì có khoảng 5 - 7 đối tượng cầm gạch đá xông vào đập vào đầu, vào mặt, hành hung trưởng tàu. Nguyên nhân vẫn đang tiếp tục được các cơ quan chức năng điều tra làm rõ.
Cũng trong ngày 18/8 vào lúc 23h36, tàu SE3 đến ga Nam Định, tại toa xe số 12 có một hành khách gây rối trật tự công cộng. Tổ tàu phải rất khó khăn để giải thích cũng như trấn áp và cách ly hành khách này để đảm bảo an toàn cho các hành khách khác. Phải chờ tàu đến ga Nam Định, tổ tàu liên hệ với trực ban ga và Công an phường Trần Đăng Ninh phối hợp giải quyết, áp giải đối tượng xuống ga thì đoàn tàu mới có thể tiếp tục chuyển bánh.
Trước đó, khoảng 17h25 ngày 15/5/2015, khi tàu SE8 đến ga Diêu Trì, có một đối tượng bán hàng rong tên Lê Thị Cúc (SN 1978 tại xóm 7, thôn Vân Hội, thị trấn Diêu Trì, Tuy Phước, Bình Định) gây mất trật tự trên tàu và hành hung hành khách Đào Đức Hùng (quận Tân Bình, TP HCM), bảo vệ và tổ tàu rất khó khăn mới bảo vệ được an toàn cho hành khách.
Khôi phục lực lượng công an theo tàu?
Theo ông Trần Thanh Cường, Phó trưởng ban Bảo vệ TCT Đường sắt VN, khi không còn lực lượng công an bảo vệ theo tàu, ngành Đường sắt đã phải bố trí lực lượng bảo vệ riêng. Tuy nhiên, uy lực của lực lượng bảo vệ có hạn, không thể như lực lượng công an được. Nhiệm vụ bảo vệ an toàn rất lớn, nhưng quyền hạn bị hạn chế.
“Ngay từ khi Bộ Công an có văn bản rút lực lượng bảo vệ trên tàu, TCT Đường sắt VN đã có công văn gửi đề nghị giữ lại lực lượng này, nhưng không được”, ông Cường cho biết.
Còn ông Đào Việt Thắng cho biết, trên mỗi đoàn tàu, chỉ cần nhìn thấy sắc phục công an cũng sẽ rất khác. Hành khách yên tâm hơn rất nhiều. Các đối tượng vì thế cũng sẽ bớt manh động hơn. Tổ tàu cũng sẽ yên tâm để tập trung quy trình, quy phạm và tác nghiệp phục vụ hành khách.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận