Báo Giao thông trao đổi với chuyên gia giao thông, PGS. TS Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu GTVT Việt Đức, Trường Đại học Việt Đức xung quanh vấn đề này.
PGS. TS Vũ Anh Tuấn.
Nhiều người lạm dụng
Hiện nay, việc đếm giây trên đèn tín hiệu giao thông được áp dụng phổ biến ở nhiều quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, cũng có một số quốc gia không sử dụng hệ thống này. Quan điểm của ông thế nào về việc TP.HCM đang thí điểm bỏ bộ đếm lùi ở một số chốt đèn giao thông?
Đèn tín hiệu có bộ đếm lùi là một giải pháp giao thông được các kỹ sư người Mỹ đề xuất triển khai để giúp người tham gia giao thông đưa ra quyết định chính xác hơn và an toàn hơn. Đấy là mục tiêu nguyên thủy của giải pháp này.
Bốn giao lộ đang thí điểm bỏ hệ thống đồng hồ đếm ngược tại TP.HCM gồm: Mai Chí Thọ - Tố Hữu, Nguyễn Đình Chiểu - Cách Mạng Tháng Tám, Nguyễn Đình Chiểu - Trương Định, Nguyễn Đình Chiểu - Bà Huyện Thanh Quan.
Theo Sở GTVT TP.HCM, đây chỉ mới là thí điểm để đánh giá được và mất khi có và không có hệ thống đếm lùi thời gian đèn giao thông, không phải bỏ đại trà. Mục tiêu việc thí điểm này của TP.HCM là đưa hệ thống đèn tín hiệu ở một số giao lộ có kết nối với hệ thống trung tâm điều khiển tự động tại Trung tâm quản lý điều hành giao thông đô thị, nhằm điều chỉnh các pha đèn phù hợp với tình hình giao thông thực tế ở từng thời điểm.
Nhưng khi triển khai thực tiễn tại Mỹ, châu Âu và tại nhiều quốc gia châu Á, trong đó có Việt Nam thì có những sự biến đổi khác nhau, tạo "thích ứng hành vi" của người tham gia giao thông.
Đó là khi nhận các thông tin thì người lưu thông sẽ đưa ra quyết định. Một số tuân thủ tín hiệu đèn. Số khác thì lạm dụng.
Ông có thể nói cụ thể hơn về việc này, qua thực tế áp dụng tại Việt Nam sự biến đổi này ra sao?
Thực tế cho thấy, khi nhận biết còn một vài giây sẽ hết đèn xanh, nhiều người cố gắng tăng ga để rướn qua nút giao. Việc tăng ga này là sai và gây nguy cơ va chạm giao thông với các phương tiện khác.
Khi hết thời gian đèn xanh, đèn chuyển sang 3 giây đèn vàng. Đèn vàng là cảnh báo giảm tốc độ, dừng lại, trừ khi đã qua vạch thì có thể đi luôn. Tuy nhiên, khi gặp đèn vàng thì nhiều người lại rướn, tăng tốc lên để vượt qua. Như vậy, vô hình khiến người tham gia giao thông không những đi chậm lại mà còn tăng tốc.
Tương tự với đèn đỏ. Nhiều người khi thấy đèn đỏ sắp hết là rướn ga để tiến lên, kéo theo những người có tâm lý "ăn theo", dẫn đến là xung đột với dòng lưu thông đang di chuyển phía trước.
Như vậy, trên thực tế, mục tiêu nguyên thủy của bộ đếm lùi đã kích ứng tình trạng "thích ứng hành vi", dẫn đến một bộ phận người tham gia giao thông thực hiện những hành vi không an toàn như vượt đèn đỏ, rướn đèn vàng.
Những hành vi này cần phải triệt tiêu và điều chỉnh. Mục tiêu khác quan trọng hơn là bỏ bộ đếm lùi để tiến tới điều hành giao thông ở từng thời điểm tức thời.
Bỏ đếm ngược giúp điều hành linh hoạt
TP.HCM đã đầu tư rất lớn để nâng cấp hệ thống tín hiệu giao thông, việc bỏ bộ đếm lùi có gây lãng phí, thưa ông?
Cách đây nhiều năm, TP.HCM đã đầu tư một khoản rất lớn vào việc nâng cấp điều khiển tín hiệu ở khoảng 200 nút giao trong khu vực trung tâm, theo xu hướng ứng dụng công nghệ thông tin. Có nghĩa là tại các nút giao sẽ có các camera cảm biến để đo đếm phương tiện, lưu lượng và từ đó tính toán để xác định chu kỳ đèn phù hợp nhất, đảm bảo số lượng xe thoát qua nút giao nhanh nhất.
Theo chuyên gia, việc bỏ đếm ngược giúp trung tâm điều hành điều chỉnh pha đèn thích hợp từng điểm (Trong ảnh: Giao lộ Mai Chí Thọ - Tố Hữu, nơi đang thí điểm bỏ đếm ngược). Ảnh: Châu Tuấn.
Việc bỏ bộ đếm lùi sẽ giúp trung tâm điều hành có thể điều chỉnh pha đèn thích hợp theo từng từng điểm. Còn nếu có bộ đếm lùi thì không thể, vì không thể đang đếm lùi lại tăng giảm thêm số giây. Điều này khiến người lưu thông hoang mang, dễ gây ra xung đột.
Việc điều hành giao thông linh hoạt theo thời điểm rất thích hợp cho các đô thị lớn, khi mà xe cá nhân, đặc biệt là xe máy quá nhiều. Xe buýt và phương tiện giao thông công cộng nói chung phải được ưu tiên trong lưu thông.
Ví dụ, khi đến giao lộ, trung tâm nhận thấy cần ưu tiên cho xe buýt, họ sẽ điều chỉnh pha đèn phù hợp để ưu tiên cho xe buýt qua. Đó cũng là cách khuyến khích người dân đi xe công cộng nhờ sự ưu tiên mà nhanh hơn, đúng giờ hơn.
Hầu hết các quốc gia có giao thông công cộng phát triển, họ đều phải cung cấp đèn tín hiệu ưu tiên cho giao thông công cộng tại nút giao. Đó cũng là một lý do họ củng cố cho luận điểm là phải bỏ bộ đếm lùi.
Nhưng ở các nút giao thông không có bộ đếm lùi người ta vẫn vượt đèn vàng, đèn đỏ. Ông lý giải thế nào về tình trạng này?
Một giải pháp không thể tức thời giải quyết hết tất cả bất cập. Giải pháp bộ đếm lùi là áp dụng khoa học trong quản trị đô thị về giao thông. Còn điều chỉnh hành vi giao thông phải có pháp luật về giao thông. Ở đây là CSGT và các thiết chế hỗ trợ như mức phạt, hệ thống giám sát phải được thực thi nghiêm khắc.
Trên thực tế, ở quốc gia nào cũng có người vi phạm giao thông. Đó là hành vi của một bộ phận người tham gia giao thông, họ luôn sẵn sàng "trục lợi" khi có cơ hội và chế tài là cách điều chỉnh hành vi ấy.
Cũng vậy, có ý kiến cho rằng khi bỏ bộ đếm lùi sẽ làm nỗ lực vận động "tắt máy xe khi đèn đỏ" không có kết quả gì. Tôi cho rằng, công nghệ hiện nay cho phép xe tự tắt máy khi dừng. Mặt khác, mục tiêu của việc điều chỉnh bộ đếm lùi là điều chỉnh giao thông, nó có thể xung đột với mục tiêu khác, nhưng trước hết nó có ích hơn thì được ưu tiên hơn. Với giao thông, mục tiêu an toàn và dòng lưu thoát là ưu tiên số một.
Ý thức vẫn là quan trọng nhất
Ông có nghiên cứu việc bỏ bộ đếm lùi tại các nước khác trên thế giới không?
Gần với Việt Nam có Đài Loan (Trung Quốc) và một số nước Đông Nam Á đã bỏ hoặc đang bỏ. Cái mà họ nhận được là tỷ lệ vi phạm giao thông (vượt đèn đỏ) giảm đi, dẫn đến các vụ va chạm giao thông cũng bớt đi.
Thí điểm bỏ bộ đếm lùi ở chốt đèn giao thông Nguyễn Đình Chiểu – Bà Huyện Thanh Quan, TP.HCM.
Đồng thời, nó tạo điều kiện cho việc điều khiển chu kỳ đèn linh động, phù hợp tức thì với lưu lượng xe ở các giao lộ. Ban đầu nó cũng gây ra khó chịu cho một số người đã quen với bộ đếm giây, nhưng sau đó người ta vẫn thích ứng được.
Sau thời gian ngắn thí điểm, TP.HCM đang điều chỉnh từ "bỏ bộ đếm lùi" sang "chỉ bỏ đếm lùi ở pha đèn đỏ". Là chuyên gia nghiên cứu về lĩnh vực này, ông đánh giá thế nào?
Quan điểm của tôi là nên bỏ hoàn toàn bộ đếm lùi. Không giữ bộ đếm lùi ở đèn xanh vì nó rất nguy hiểm, nó kích thích hành vi tăng tốc độ khi còn vài giây đèn xanh.
Nếu vẫn giữ bộ đếm lùi trong trong pha đèn xanh hoặc đỏ, thì không thể điều khiển đèn tín hiệu linh hoạt theo tình huống, đặc biệt là không thể ưu tiên cho xe buýt như đã nói ở trên.
Tôi cho rằng giải pháp "bỏ đếm lùi đèn đỏ, vẫn giữ trên đèn xanh" là điều cần được phân tích. Dĩ nhiên TP.HCM chỉ đang thí điểm, mọi kết quả hoặc bài học rút ra còn ở phía trước.
Ông có cho rằng ý thức tham gia giao thông của người điều khiển phương tiện, cũng như việc xử phạt nghiêm các lỗi vi phạm mới là quan trọng nhất, dù có bỏ hay không bỏ bộ đếm ngược đèn giao thông?
Quản trị, điều hành, tổ chức giao thông ở TP.HCM và các đô thị ở Việt Nam nói chung rất khó. Vì điều kiện giao thông, ý thức tham gia giao thông, phương tiện giao thông và cơ sở hạ tầng của chúng ta có nhiều khác biệt với thế giới. Đương nhiên, ý thức chấp hành của người tham gia giao thông và việc xử lý vi phạm vẫn là điều cốt lõi.
Cảm ơn ông!
20 nước áp dụng đèn giao thông đếm ngược
Theo nghiên cứu của Đại học bang Oregon tại Mỹ, hệ thống tín hiệu đèn giao thông có đếm ngược đang được sử dụng ở khoảng 20 quốc gia trên thế giới, trong đó có Campuchia, Indonesia và Việt Nam… Tuy nhiên, hiện còn nhiều tranh cãi về việc có nên lắp đặt đồng hồ đếm ngược trên hệ thống đèn tín hiệu giao thông hay không.
Đơn cử, ở Philippines, hệ thống tín hiệu hiện chưa đồng bộ, có nơi có đếm ngược, có nơi không và chính quyền địa phương cũng còn bối rối về việc nên áp dụng đèn tín hiệu đếm ngược hay bỏ.
Năm 2022, ở thủ đô Manila (Philippines), chính quyền địa phương có kế hoạch loại bỏ toàn bộ đèn giao thông đếm ngược. Theo Trung tâm kỹ thuật giao thông thuộc Cơ quan Phát triển Vùng đô thị Manila, hệ thống đèn giao thông hiệu chỉnh theo lưu lượng phương tiện. Ví dụ như trên một hướng lưu thông, chỉ cần không có phương tiện di chuyển trong vòng 3 - 5 giây, đèn tín hiệu sẽ thay đổi đáp ứng theo tình hình.
Song năm 2023, Thượng nghị sĩ Mark Villar của Philippines lại đệ trình một dự luật thúc đẩy việc lắp đặt đồng hồ đếm ngược trên đèn giao thông. Trong dự luật, thượng nghị sĩ này cho rằng việc áp dụng đồng hồ đếm ngược trên đèn tín hiệu có thể giúp người đi đường bớt nhầm lẫn, dễ dự đoán khi nào đèn sẽ chuyển màu.
Ông đề xuất lắp đặt đồng bộ đồng hồ đếm ngược trên đèn giao thông và đèn dành cho người đi bộ ở khu vực thành thị và nông thôn. Đồng hồ tính giờ sẽ hiển thị thời gian còn lại cho đến khi đèn giao thông thay đổi.
Tại Singapore, nước này từ lâu đã bỏ hệ thống đếm ngược thời gian đèn tín hiệu. Năm 2023, trước thắc mắc của người dân, cựu Bộ trưởng Giao thông nước này cho biết, Cơ quan Giao thông Vận tải Đường bộ (LTA) đã thử nghiệm, phân tích đánh giá và nghiên cứu kinh nghiệm từ nhiều nước, rút ra rằng bộ đếm thời gian tín hiệu giao thông không có tác dụng cải thiện an toàn giao thông.
Tại thủ đô Auckland (New Zealand), đèn giao thông được điều khiển qua hệ thống giao thông thích ứng thông minh tên SCATS. Hệ thống sử dụng cảm biến thông minh theo dõi lưu lượng phương tiện trên từng làn đường và cả số lượng người đi bộ trên vỉa hè, từ đó tự động đưa ra các pha đèn xanh, đèn đỏ hiệu quả nhất cho từng hướng tại giao lộ.
Lưu Gia Huy
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận