Có "mắt thần", tài xế biết nhường nhịn nhau
Theo ghi nhận của PV Báo Giao thông, hiện nay trên QL51 và khu vực mỏ đá Tân Cang (thuộc phường Phước Tân, thành phố Biên Hòa, Đồng Nai) phương tiện lưu thông ra vào mỏ đá đã giảm tình trạng phóng nhanh vượt ẩu, giảm quá tải, rơi vãi đất đá ra đường...
Tài xế Nguyễn Văn Kính (ngụ huyện Long Thành, Đồng Nai) cho biết, trước đây khi các mỏ đá chưa có camera giám sát, anh và nhiều tài xế khác thường chủ quan, chạy đua để lấy chuyến, làm rơi đá ra đường, nguy hiểm cho người đi xe máy.
Từ khi "mắt thần" xuất hiện, các tài xế đều truyền tai nhau về việc chấp hành luật giao thông để hạn chế bị xử phạt.
"Tôi nhớ khi khu vực mỏ đá mới lắp camera, chính tôi đã lãnh giấy phạt và ấn tượng mãi về cú sốc đó. Do thấy camera mới, tôi chủ quan cột bạt che đá sơ sài dẫn đến làm rơi vãi đá ra đường. Hơn một tháng sau giấy phạt nguội gửi về công ty và với hành vi không che chắn làm rơi vãi vật liệu ra đường, tôi phải đóng phạt gần 4 triệu đồng. Vừa mất tiền, vừa bị vợ la mắng do mất tiền mua sữa bỉm cho con, gần 4 triệu tính ra gần 1/4 tháng lương nên sau đó tôi nghiêm chỉnh hẳn", anh Kính chia sẻ.
Tương tự, anh Đào Ánh Phi, vừa là tài xế vừa là chủ một doanh nghiệp vận tải tại thành phố Biên Hòa nói rằng, khi các tuyến đường và mỏ đá trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có camera giám sát, ý thức của tài xế được nâng cao.
Anh Phi cho biết, để kiểm soát phương tiện, lộ trình, tốc độ, các xe của doanh nghiệp đều được gắn định vị. Vì vậy, khi tài xế lưu thông trên đường, nếu đi quá tốc độ sẽ tự động báo về máy chủ, nhân viên tại văn phòng sẽ lập tức nhắc nhở tài xế để đảm bảo hành trình được thuận lợi.
"Gần 15 năm gắn bó với những cung đường, tôi thấy lắp đặt hệ thống camera giám sát giao thông ở nhiều khu vực là hợp lý. Bởi ngoài giám sát giao thông, camera còn giúp ghi lại tình hình an ninh trật tự tại khu vực, khi xảy ra bất kỳ sự cố nào đều có thể lấy đó làm căn cứ, xác định nguyên nhân để xử lý", anh Phi nói.
Cũng theo anh Phi, do tài xế chính là người phải đóng phạt nên thời điểm chưa có camera họ vẫn chủ quan, dễ phạm luật. Tuy nhiên, sau khi có camera, vì sợ đóng phạt nên các tài xế chủ động có ý thức trong quá trình vận chuyển hàng hóa, hành khách.
"Công ty tôi từng có tài xế G.M dính phạt nguội lỗi chở quá tải, bị phạt hơn chục triệu đồng. Khổ nỗi ông M lại nghỉ việc trước khi giấy phạt gửi về nên cuối cùng công ty phải đóng phạt. Vậy nên tôi mong ngành chức năng xử lý hồ sơ, gửi giấy phạt nguội về sớm để tài xế đóng phạt theo quy định, tránh để doanh nghiệp chịu thay", anh Phi đề xuất.
Camera phát hiện ùn tắc, sai phạm... dễ xử lý
Ông Não Thiên Anh Minh, Phó trưởng ban chuyên trách Ban An toàn giao thông tỉnh Đồng Nai cho biết, hiện nay nhiều tuyến đường, mỏ đá tại địa phương đã được lắp đặt hệ thống camera giám sát.
Trong đó trên quốc lộ, hệ thống camera giám sát giao thông đường bộ được lắp đặt tại 17 vị trí nút giao thông trọng yếu (bao gồm 21 camera).
Khi phát hiện tình hình giao thông phức tạp, xảy ra tai nạn giao thông hay có dấu hiệu ùn tắc trên các tuyến đường bộ, Ban An toàn giao thông tỉnh sẽ liên hệ lực lượng Cảnh sát giao thông phối hợp hỗ trợ, điều tiết.
Riêng tại thành phố Biên Hòa, hiện nay hình ảnh một số camera tại các giao lộ lớn đã được chia sẻ trên ứng dụng Biên Hòa SmartCity, góp phần giúp người tham gia giao thông, chính quyền các địa phương kịp thời nắm bắt tình hình giao thông.
Đặc biệt, trong cao điểm mùa mưa hiện nay, các camera này còn giúp phát hiện các điểm ngập tại ngã ba Long Bình Tân trên QL51, khu vực ngã tư - hầm chui Tân Phong… để cảnh báo người dân.
Bên cạnh giám sát trên tuyến quốc lộ, hệ thống camera còn có nhiệm vụ giám sát tải trọng phương tiện vận tải và phần mềm truyền nhận và quản lý tải trọng phương tiện vận tải được lắp đặt tại 28 mỏ đá, bãi tập kết nguyên vật liệu trên địa bàn tỉnh Đồng Nai (40 camera).
Camera khu vực mỏ đá sẽ theo dõi các hoạt động bốc xếp hàng hóa lên phương tiện vận tải tại các mỏ đá, bãi tập kết nguyên vật liệu trên địa bàn tỉnh, chia sẻ thông tin dữ liệu với các cơ quan đơn vị liên quan để cùng phối hợp như Thanh tra Sở Giao thông vận tải và công an các địa phương.
Căn cứ dữ liệu cân tại các mỏ đá, bãi tập kết nguyên vật liệu truyền về trên máy chủ đặt tại văn phòng của Ban, để xác định việc vi phạm tải trọng của các phương tiện vận tải cảnh báo trên hệ thống.
"Từ khi hệ thống camera giám sát đi vào hoạt động không còn tình trạng phương tiện vận tải chở hàng hóa vượt quá tải trọng đi từ các mỏ đá, bãi tập kết nguyên vật liệu lưu thông trên đường. Tuy nhiên, những thời điểm không có lực lượng tuần tra kiểm soát trên đường vẫn có tồn tại một số ít phương tiện hoạt động lén lút", ông Minh cho biết.
Theo ông Não Thiên Anh Minh, trong 6 tháng đầu năm 2023, các camera giám sát trên tuyến quốc lộ giúp Ban An toàn giao thông phát hiện và đề nghị lực lượng CSGT hỗ trợ, điều tiết giao thông 42 trường hợp ùn tắc, có dấu hiệu ùn tắc và va chạm giao thông. Bao gồm: nút giao ngã tư Vũng Tàu 21 trường hợp; nút giao Vòng xoay cổng 11 có 13 trường hợp; nút giao QL51 và đường dẫn lên cao tốc 6 trường hợp, nút giao QL51 với đường Nam Cao hai trường hợp.
Tại mỏ đá Tân Cang, Ban ATGT đã phối hợp với các lực lượng chức năng trong quá trình theo dõi trên hệ thống, khi phát hiện các trường hợp có dấu hiệu vi phạm về tải trọng, sẽ phối hợp lực lượng chức năng địa phương kiểm tra và xử lý. Nửa năm qua, nhờ hệ thống camera, lực lượng chức năng đã phát hiện năm trường hợp có dấu hiệu vi phạm về tải trọng, kiểm tra, xử lý và lập biên bản hai trường hợp.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận