Camera giúp người dân lựa chọn hướng đi phù hợp
Theo ghi nhận của PV Báo Giao thông, nhiều năm trở lại đây, trên một số tuyến đường qua thành phố Biên Hòa, Đồng Nai như: Nguyễn Ái Quốc, QL51, Võ Thị Sáu… đều được lắp đặt hệ thống camera giám sát giao thông.
Đây chính là những tuyến đường có nhiều phương tiện qua lại, do đó việc lắp đặt camera giám sát cũng giúp lực lượng chức năng giám sát, quản lý tình hình an ninh trật tự, an toàn giao thông thuận lợi hơn.
Ngoài ra, tỉnh có ứng dụng Biên Hòa smartcity tích hợp nhiều thông tin liên quan đến tình hình giao thông.
Thông qua hệ thống camera được tích hợp trên app, người dân có thể chủ động nắm bắt, theo dõi tình hình giao thông tại một số khu vực như ngã tư Vũng Tàu, ngã tư Vincom, ngã ba Phát Triển - QL1A, QL51 - đường vào sân golf Long Thành, QL51 - Vòng xoay cổng 11. Từ đó lựa chọn cho mình tuyến đường phù hợp để tránh kẹt xe, ngập…
Anh Đào Ánh Phi, vừa là tài xế vừa là chủ một doanh nghiệp vận tải tại thành phố Biên Hòa nói rằng, khi các tuyến đường và mỏ đá trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có camera giám sát, ý thức của tài xế được nâng cao.
Anh Phi cho biết, để kiểm soát phương tiện, lộ trình, tốc độ, các xe của doanh nghiệp đều được gắn định vị. Vì vậy, khi tài xế lưu thông trên đường, nếu đi quá tốc độ sẽ tự động báo về máy chủ, nhân viên tại văn phòng sẽ lập tức nhắc nhở tài xế để đảm bảo hành trình được thuận lợi.
"Gần 15 năm gắn bó với những cung đường, tôi thấy lắp đặt hệ thống camera giám sát giao thông ở nhiều khu vực là hợp lý. Bởi ngoài giám sát giao thông, camera còn giúp ghi lại tình hình an ninh trật tự tại khu vực, khi xảy ra bất kỳ sự cố nào đều có thể lấy đó làm căn cứ, xác định nguyên nhân để xử lý", anh Phi nói.
Mới đây, tại buổi làm việc với UBND tỉnh Đồng Nai sau vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra trên QL20, Phó chủ tịch Chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Khuất Việt Hùng cho biết, việc lắp đặt camera trên chính các phương tiện là đúng đắn. Nếu không có camera hành trình sẽ rất khó trong công tác điều tra, xử lý các vụ tai nạn giao thông. Sắp tới, sẽ mở rộng quy định này ra tất cả các phương tiện giao thông vận tải.
Còn tại buổi làm việc với Đồng Nai vào tháng 11 vừa qua, ông Hùng cho rằng, nhiều nút giao tại Đồng Nai như QL51 - cổng 11, QL56 - cao tốc… có tình hình giao thông khá phức tạp. Do đó ông Hùng đề nghị cơ quan chức năng địa phương và Bộ Giao thông vận tải có phương án tổ chức giao thông tại các vị trí nút giao đang là "điểm đen" về tai nạn giao thông hoặc các cụm nút giao thông phức tạp.
Cũng tại buổi làm việc này, một số thành viên trong đoàn công tác nhận định Đồng Nai có địa bàn rộng, nhiều tuyến đường giao thông huyết mạch. Đặc biệt, lưu lượng phương tiện qua Đồng Nai rất nhiều nên lực lượng ra quân kiểm tra, xử phạt sẽ khó bao quát hết.
Đối với các tuyến đường khó bố trí lực lượng chức năng kiểm tra giám sát thường xuyên, người điều khiển phương tiện giao thông lại có hành vi vi phạm giao thông nhiều. Vì vậy nhiều thành viên đề nghị Đồng Nai có kế hoạch lắp thêm các camera giao thông tại những giao lộ, đoạn đường vắng để có cơ sở phạt nguội, có như vậy mới nâng cao ý thức người tham gia giao thông.
Camera giúp kiểm soát xe quá tải
Theo ông Não Thiên Anh Minh, Phó trưởng ban Chuyên trách Ban ATGT Đồng Nai, thời gian qua để giám sát giao thông, kiểm soát các phương tiện vận tải hàng hóa, vật liệu xây dựng, Ban đã bố trí hệ thống 58 camera thường xuyên theo dõi tại 28 mỏ đá, một bãi tập kết nguyên vật liệu, 39 trạm cân, 43 cảng, bến thủy nội địa.
Khi phát hiện các phương tiện vận chuyển vật liệu tại các cảng, bến thủy nội địa có dấu hiệu vi phạm về tải trọng, sẽ đề nghị lực lượng Thanh tra giao thông kiểm tra, xử lý theo quy định.
Ông Minh cho biết thêm, hiện trên địa bàn tỉnh còn có hệ thống camera giám sát giao thông đường bộ được lắp đặt tại 17 vị trí nút giao thông trọng yếu trên các tuyến quốc lộ. Trong quá trình theo dõi trên hệ thống, khi phát hiện tình hình giao thông phức tạp, xảy ra tai nạn hay có dấu hiệu ùn tắc trên các tuyến đường bộ thì Ban sẽ nhanh chóng liên hệ và đề nghị lực lượng cảnh sát giao thông hỗ trợ, điều tiết nhằm hạn chế ùn tắc giao thông.
Cùng với đó, một số ứng dụng gồm: Đồng Nai chuyển động số, Biên Hòa SmartCity, Long Khánh Smart… cho phép người dân quan sát tình hình giao thông tại một số tuyến đường, nút giao trọng điểm để lựa chọn hướng đi phù hợp.
Đặc biệt các camera khu vực mỏ đá giúp theo dõi các hoạt động bốc xếp hàng hóa lên phương tiện vận tải tại các mỏ đá, bãi tập kết nguyên vật liệu trên địa bàn tỉnh, chia sẻ thông tin dữ liệu với các cơ quan đơn vị liên quan để cùng phối hợp như Thanh tra Sở Giao thông vận tải và công an các địa phương.
Căn cứ dữ liệu cân tại các mỏ đá, bãi tập kết nguyên vật liệu truyền về trên máy chủ đặt tại văn phòng của Ban, để xác định việc vi phạm tải trọng của các phương tiện vận tải cảnh báo trên hệ thống.
"Từ khi hệ thống camera giám sát đi vào hoạt động không còn tình trạng phương tiện vận tải chở hàng hóa vượt quá tải trọng đi từ các mỏ đá, bãi tập kết nguyên vật liệu lưu thông trên đường. Tuy nhiên, những thời điểm không có lực lượng tuần tra kiểm soát trên đường vẫn có tồn tại một số ít phương tiện hoạt động lén lút", ông Minh cho biết.
6 tháng đầu năm 2023, các camera giám sát trên tuyến quốc lộ giúp Ban An toàn giao thông Đồng Nai phát hiện và đề nghị lực lượng CSGT hỗ trợ, điều tiết giao thông 42 trường hợp ùn tắc, có dấu hiệu ùn tắc và va chạm giao thông. Bao gồm: nút giao ngã tư Vũng Tàu 21 trường hợp; nút giao Vòng xoay cổng 11 có 13 trường hợp; nút giao QL51 và đường dẫn lên cao tốc 6 trường hợp, nút giao QL51 với đường Nam Cao hai trường hợp.
Tại mỏ đá Tân Cang, Ban đã phối hợp với các lực lượng chức năng trong quá trình theo dõi trên hệ thống, khi phát hiện các trường hợp có dấu hiệu vi phạm về tải trọng, sẽ phối hợp lực lượng chức năng địa phương kiểm tra và xử lý. Nhờ hệ thống camera, lực lượng chức năng đã phát hiện năm trường hợp có dấu hiệu vi phạm về tải trọng, kiểm tra, xử lý và lập biên bản hai trường hợp.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận