Chuyên gia giao thông, TS. Nguyễn Hữu Đức cho rằng, cơ quan chức năng cần áp dụng khung kiểm tra đã được chuẩn hóa trên thế giới để tạo bước đột phá ngăn chặn “ma men” lái xe, sau thành công của quy định đội MBH.
Lỗi ở hệ thống
Không chỉ gần đây, mà từ khoảng 10 năm trước, hành vi vi phạm lái xe ô tô sử dụng rượu, bia; Người điều khiển mô tô, xe gắn máy có nồng độ cồn vượt quá quy định đã xảy ra thường xuyên và được xác định là một trong các nguyên nhân chính gây TNGT, làm gia tăng TNGT.
Vì vậy, Nghị quyết số 88 ngày 24/8/2011 của Chính phủ về tăng cường thực hiện các giải pháp trọng tâm bảo đảm trật tự ATGT đã đặt “Tăng cường phòng chống và kiểm soát người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ sử dụng rượu, bia” là giải pháp đồng bộ trọng tâm đầu tiên.
Tuy nhiên, suốt gần 10 năm qua, TNGT do nồng độ cồn vẫn chưa giảm mà còn tăng. Tuy Nghị quyết 88 đã chỉ ra đúng vấn đề, nhưng hệ thống bảo đảm trật tự ATGT của chúng ta chưa thực hiện được như yêu cầu đặt ra.
Nhiều ý kiến cho rằng, mức phạt hiện tại còn quá nhẹ, không đủ sự răn đe, cần tăng hơn nữa. Theo tôi, ý kiến này đúng nhưng chưa đủ. Tăng mức phạt thật cao, vậy cao tới bao nhiêu? Với người này 1 triệu đồng là cao, với người khác 10 triệu đồng vẫn là thấp. Mức xử phạt không thể cao quá mức quy định trong các văn bản pháp luật khác. Mức phạt chỉ là một trong các biện pháp xử lý mang tính răn đe, dù cao nhưng nếu thi hành không nghiêm, tính răn đe không còn nữa lại đâu vẫn hoàn đấy.
Chúng ta cần mức phạt cao, nhưng cần hơn là kịp thời phát hiện người lái đang chịu ảnh hưởng của nồng độ cồn và sự nghiêm minh. Tuy nhiên, việc xử lý đã đủ nghiêm hay chưa thì có lẽ không ai dám khẳng định? Chỉ thấy rằng, trong vụ “ma men” gây tai nạn liên hoàn trên đường Láng đêm 23/4 vừa qua, nếu công tác kiểm soát chặt chẽ, ắt tài xế đó sẽ không thể bước ra từ quán nhậu và ung dung điều khiển xe trên đường, nữ công nhân môi trường xấu số cũng không phải chịu hậu quả quá tang thương.
Theo thống kê, chỉ riêng năm 2018, một cơ quan T.Ư đã ban hành 45 kế hoạch, hơn 450 văn bản chỉ đạo trong lĩnh vực bảo đảm trật tự ATGT. Điều đó cho thấy, cơ quan chức năng chuyên trách đã có rất nhiều nỗ lực, nhưng cũng không ai dám xác nhận các kế hoạch, văn bản ấy được thực hiện nghiêm chỉnh, đầy đủ khi mà vẫn còn những gia đình mất đi người thân, xã hội vẫn còn không ít thương vong do TNGT. Cái chết vẫn đến bất thình lình với bất cứ một người dân vô tội nào trên đường.
TNGT là một vấn đề xã hội. Thực trạng đáng buồn là 10 năm qua, vấn đề TNGT liên quan đến rượu, bia không những chưa được giải quyết dứt điểm, lại còn tiếp tục diễn biến phức tạp hơn, rõ ràng cần thừa nhận đây là “lỗi ở hệ thống bảo đảm ATGT”.
Chuẩn hóa khung kiểm tra, tạo bước đột phá thứ hai
Hiện chúng ta vẫn thiếu sự đồng bộ từ cấp trên đến cấp dưới, giữa các cơ quan có trách nhiệm và trong cả quy định luật pháp. Chừng nào chưa đảm bảo yêu cầu này, TNGT do ảnh hưởng rượu bia vẫn diễn biến, tính mạng của người tham gia giao thông vẫn “ngàn cân treo sợi tóc”.
TS. Nguyễn Hữu Đức
Nhắc đến khó khăn trong công tác quản lý, kiểm tra, ngăn chặn “ma men” và TNGT liên quan đến rượu bia, tôi lại nhớ tới sự kiện ngày 15/12/2007, chỉ sau một đêm, quy định về việc đội MBH đối với người đi xe máy đã thực hiện thành công.
Để có bước đột phá ấy, chúng ta cần 12 năm với sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống. Nó không chỉ làm giảm TNGT một cách bền vững sau hơn 10 năm thực hiện mà còn hình thành trong tâm thức người dân một thói quen tốt để bảo vệ tính mạng. Vì vậy, việc ngăn chặn “ma men”, giải pháp “tỉnh táo khi điều khiển phương tiện” có lẽ nên là bước đột phá thứ hai cả xã hội cần chung tay thực hiện.
Tuy nhiên, phải thừa nhận, phòng chống TNGT do rượu bia còn khó hơn nhiều so với việc thực hiện quy định đội MBH. Vi phạm về MBH chỉ nhìn cũng thấy, nhưng vi phạm về nồng độ cồn cần nhiều thứ hơn, từ con người đến thiết bị.
Thực tế, trong phòng chống vi phạm giao thông, có khái niệm rất phổ biến trên thế giới đó là DUI (Driving Under the Influence) chỉ trường hợp lái xe dưới ảnh hưởng (có hại) có thể là do rượu, bia, ma túy hoặc chất kích thích nào đó, hoặc do thiếu ngủ. Luật pháp các nước coi đây là hành vi trái pháp luật của lái xe.
Điều rất hay là để phát hiện DUI, trước khi phải dùng đến thiết bị đo nồng độ cồn, kiểm tra y tế về ma túy, trên thế giới áp dụng ba bài kiểm tra đã chuẩn hóa: Kiểm tra rung giật nhãn cầu (HGN), Kiểm tra đi và xoay người (WAT) và Kiểm tra đứng một chân (OLS).
Các bài kiểm tra cho phép kiểm tra một cách rộng rãi, gần như không tốn kém, chỉ cần vài dụng cụ đơn giản, độ chính xác được chứng minh đúng đến 98%. CSGT có thể áp dụng ba bài kiểm tra độ tỉnh táo này vào công tác tuần tra, kiểm soát ngay tại hiện trường. Các doanh nghiệp cũng có thể áp dụng để kiểm tra xem lái xe của mình có đủ tỉnh táo để giao tính mạng, hàng hóa của mình cho họ hay không.
Công nhận và áp dụng biện pháp kiểm tra kể trên giúp chúng ta phòng chống hiệu quả vi phạm nồng độ cồn, kiềm chế tới mức thấp nhất TNGT do tài xế say xỉn gây ra.
TS. Nguyễn Hữu Đức, Chuyên gia giao thông
“Lạm dụng rượu bia đang trở thành quốc nạn!” giành giải Nhất
tuần thứ hai
Trong tuần thứ hai, Diễn đàn khẩn cấp chặn “ma men” lái xe do Báo Giao thông phát động đã nhận được khoảng chục bài viết và được đăng tải trên báo giấy và báo điện tử baogiaothong.vn. Báo Giao thông đã lựa chọn, trao giải cho 3 tác phẩm xuất sắc nhất.
Cụ thể, giải Nhất tuần được trao cho tác phẩm: “Lạm dụng rượu bia đang trở thành quốc nạn!” của nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ. Giải Nhì thuộc về tác phẩm: “Bia rượu đã làm gia đình tôi tan nát” của tác giả Hà Tiên (TP HCM). Giải Khuyến khích được trao cho tác phẩm: “Buộc “ma men” lao động công ích để chuộc lỗi với cộng đồng” của luật sư Trương Anh Tú, Đoàn Luật sư TP Hà Nội.
Đáng chú ý, tại tuần thứ 2, Diễn đàn khẩn cấp ngăn chặn “ma men” gây TNGT không chỉ mang đến cho độc giả những câu chuyện đơn thuần về các vụ TNGT thương tâm do rượu bia gây ra mà còn có những phân tích chuyên sâu, những giải pháp rất thiết thực được đề xuất từ các tác giả là những chuyên gia, luật sư, cơ quan quản lý nhằm hoàn thiện chế tài quản lý, xây dựng “bản án” thích đáng cho những tài xế điều khiển phương tiện trong tình trạng say xỉn gây nguy hiểm cho cộng đồng.
Trong đó, nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ cho rằng, muốn ngăn chặn “ma men”, cả xã hội cần chung tay thực hiện theo thứ tự 5 giải pháp: Tu thân - Truyền thông - Biện pháp nghệ thuật - Hương ước sinh hoạt cộng đồng - Thực thi pháp luật.
Còn theo luật sư Trương Anh Tú, trước diễn biến phức tạp của TNGT liên quan đến rượu, bia, cơ quan chức năng cần nghiên cứu, áp dụng hình phạt lao động công ích với “ma men”, buộc người phạm tội phải chuộc lỗi với cộng đồng. Ngoài ra, cần phải đưa việc xử lý hình sự đối tài xế uống rượu, bia say điều khiển phương tiện kể cả chưa gây tai nạn vào luật để sớm ngăn chặn nguy cơ gây tai nạn nghiêm trọng.
Ngoài ra, câu chuyện của tác giả Hà Tiên cũng phải khiến nhiều người phải giật mình, cảnh tỉnh. Chuyện kể về tình cảnh éo le trong chính gia đình tác giả khi có một người anh trai bị tai nạn trong cơn say, phải sống cuộc đời thực vật rồi ra đi trong sự đau đớn. Đắng cay hơn, sau sự ra đi ấy, những người còn sống cũng trở nên suy sụp.
Nam Khánh
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận