Ông Võ Thành Thống, Chủ tịch UBND, Trưởng Ban ATGT TP Cần Thơ phát biểu chỉ đạo tại hội nghị trực tuyến sơ kết công tác ATGT 9 tháng đầu năm 2018 |
Tình hình TNGT diễn biến phức tạp
Ngày 23/10, Ban ATGT TP Cần Thơ đã tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết 9 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ trọng tâm 3 tháng còn lại của năm 2018.
Theo báo cáo của ban Ban ATGT TP Cần Thơ, 9 tháng đầu năm 2018 (từ 15/11/2017 đến 15./9/2018) toàn thành phố xảy ra 90 vụ TNGT, làm chết 96 người, bị thương 30 người. So với cùng kỳ năm 2017, số vụ tăng 12 vụ ( tăng 15,4%); tăng 13 người chết (tăng 15,7%0; và giảm 4 người bị thương (giảm 13,3%).
Theo ông Võ Thành Thống, Chủ tịch UBND, Trưởng ban ATGT TP Cần Thơ, tình hình TNGT trên địa bàn 9 tháng đầu năm 2018 hết sức nghiêm trọng. Với tình hình này, mục tiêu phấn đấu năm 2018 giảm 5 - 10% so với năm 2017 là rất khó hoàn thành. Do đó, các thành viên Ban chỉ đạo là những người có trách nghiệm phải ghi nhớ và hết sức quan tâm đến vấn đề đảm bảo ATGT.
“Thời gian qua, trên địa bàn xảy ra rất nhiều vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng nhưng nguyên cớ hết sức ngớ ngẩn như vụ TNGT làm 3 người chết ở dốc cầu Cần Thơ vào ngày 16/10. Một xe tải đang dừng bên lề đường do nổ võ thì xe taxi từ sau tông thẳng vào đuôi xe làm ba người trên taxi chết tại chỗ. Hay như vụ TNGT ở Thốt Nốt mới đây, xe tải cũng đang dừng bên lề đường thì hai vợ chồng điều khiển xe máy chạy cùng chiều tông thẳng vào làm cả hai tử vong...”, ông Thống nói.
Từ đó, ông Võ Thành Thống đặt vấn đề: Thời gian qua chúng ta đã thực hiện đồng bộ rất nhiều biện pháp; trong đó, có tăng cường công tác tuyên truyền; tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, xử lý; quan tâm đến hạ tầng giao thông... nhưng tại sao tai nạn vẫn tăng? Sử dụng nhiều biện pháp phong phú, đa dạng … nhưng chúng ta có bình chọn được biện pháp nào hiệu quả hay không? Chúng ta cần đánh giá để loại bỏ những biện pháp không hiệu quả, tập trung cho các biện pháp có hiệu quả, tránh tốn kém... Mặt khác, trong các thành viên của Ban ATGT, chúng ta có đánh giá được những thành viên nào làm không hiệu quả để có thể phân công nhiệm vụ khác hay chưa? Trong các tổ chức làm công tác tuyền truyền, tổ chức nào làm hiệu quả nhất; cách thức, phương pháp tuyên truyền nào là tối ưu nhất?
Đối với công tác đào tạo, sát hạch lái xe có đảm bảo hay không? Dạy chuyên môn, dạy đạo đức lái xe… có buông lỏng hay không? Cần phải kiểm soát chặt chẽ việc dạy và học lái xe... vì đây cũng là một trong những nguyên nhân dễ gây ra TNGT nếu đào tạo không tốt.
Nhiều giải pháp “nóng”
Sau hàng loạt câu hỏi nóng, ông Võ Thành Thống đề nghị các thành viên Ban ATGT, các quận, huyện, ngành.... đề xuất giải pháp, sáng kiến nhằm hạn chế TNGT trên địa bàn TP Cần Thơ.
Hiện trường vụ TNGT làm ba người chết ở dốc cầu Cần thơ vào đêm 16/10 |
Ông Trương Quang Hoài Nam, Phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho rằng, đã áp dụng nhiều biện pháp nhưng TNGT vẫn tăng. Vấn đề mấu chốt là phải có giải pháp căn cơ để giảm TNGT. Đó là phải hạn chế phương tiện cá nhân, tăng cường phương tiện công cộng. Theo thống kê, tốc độ tăng trưởng phương tiện cơ giới cá nhân hơn 10%/năm, trong khi đó hạ tầng giao thông chỉ tăng 2-3%.
“Do đó, Sở GTVT cần phải sớm triển khai xây dựng cơ chế theo quyết định của thành phố về đề án phát triển phương tiện công cộng. Mặt khác cần nghiên cứu đa dạng hoá các loại xe công cộng như xe buýt, xe điện và cả phương tiện thuỷ...”, ông Nam đề xuất.
Ông Lê Tiến Dũng, Phó giám đốc phụ trách Sở GTVT Cần Thơ đề xuất: Cần đưa chương trình ATGT và Văn hoá giao thông vào trường học cho các em học sinh từ tiểu học tới đại học. Đồng thời phải giảng dạy thường xuyên và liên tục để tạo ý thức tuân thủ pháp luật khi tham gia giao thông. Bên cạnh đó cần lập đề án đổi mới công tác tuyền truyền theo hướng tuỳ từng đối tượng mà có cách thức tuyên truyền khác nhau như đối với người lao động, cán bộ công chức, học sinh...
Sau khi nghe ý kiến của các thành viên, ông Võ Thành Thống kết luận: Để hạn chế TNGT từ đây đến cuối năm 2018 cần tăng cường công tác tuyên truyền về đảm bảo ATGT hiệu quả nhất. Mục đích, tạo sự chuyển biến, không dừng lại ở nhận thức mà phải chuyển thành ý thức của người tham gia giao thông. Mặt khác, công tác tuyên truyền cần nhắm tới các đối tượng chiếm tỷ lệ cao về TNGT như: đi không đúng phần đường, vượt tránh không đảm bảo an toàn, uống rượu bia, người đi bộ đi qua đường không an toàn...
Một giải pháp khác là khuyến khích, tăng cường giám sát cộng đồng đối với người tham gia giao thông thông qua các tổ chức chính trị xã hội, mạng xã hội... Đồng thời, tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm nhằm gây sức ép để người tham gia giao thông nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật.
Đặc biệt, cần dồn tài lực từ các nguồn kết dư ngân sách của 2017, thu vượt của 2018 và những năm tiếp theo ưu tiên tập trung sửa chữa, nâng cấp đường sá, cầu cống.... hạ tầng giao thông nhằm đảm bảo ATGT trên địa bàn theo phân cấp.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận