Tại Hội nghị tuyên truyền, đối thoại với doanh nghiệp về công tác đảm bảo TTATGT và kiểm soát tải trọng xe diễn ra vào ngày 22/6 vừa qua, ông Phạm Văn Hoành - Phó giám đốc Sở TN&MT tỉnh Thanh Hoá cho biết, vấn đề quá tải có nhiều nguyên nhân, trong đó nhu cầu phục vụ các dự án trên địa bàn lớn, phương tiện gia tăng, việc TTKS xử lý chưa triệt để...
Ông Mai Xuân Liêm - Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá yêu cầu lãnh đạo Sở TN&MT tỉnh Thanh Hoá làm rõ một số vấn đề liên quan đến việc lắp đặt trạm cân ở các mỏ khoáng sản
Theo ông Hoành, riêng đối với dự án cao tốc Bắc - Nam, nguồn vật liệu cần là 21 triệu m3 đất, đá và 3 triệu m3 cát nên lượng phương tiện tham gia vận chuyển cho dự án này tăng đột biến. Bên cạnh đó, còn có các dự án lớn khác cũng cần nguồn vật liệu lớn.
Việc các doanh nghiệp kinh doanh vận tải cho rằng do giá xăng dầu tăng, kéo theo chi phí vận chuyển cao nên nhiều đơn vị phải cơi nới thành thùng, chở quá tải bù khối lượng, chi phí vì theo hợp đồng đã ký trước đó chỉ là ý kiến chống chế.
Ông Mai Xuân Liêm - Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá cho rằng cái gốc quá tải là từ nguồn hàng nên phải làm rõ
"Trong hợp đồng vẫn có mục điều chỉnh giữa 2 bên khi phát sinh ra những tình huống bất khả kháng, nên không thể đổ lỗi cho việc đã chốt hợp đồng để chở quá tải.
Ở đây cũng phải nói thêm đến ý thức của chủ xe, lái xe, người tiêu dùng, kể cả người dân nếu không tiếp nhận chở quá tải thì ai còn chở nữa? Xăng dầu tăng ảnh hưởng thì ta có thể "nhịn ăn chơi" đi, rồi sẽ cân đối được", ông Hoành cho hay.
Cũng theo ông Hoành, hiện nay trên địa bàn có 353 mỏ được cấp phép (15 mỏ do Bộ TN&MT cấp và 338 mỏ do tỉnh Thanh Hoá cấp) thì thống kê đã có 47 mỏ đã lắp đặt trạm cân, camera; 15 mỏ đang tiến hành lắp đặt (đang thi công phần móng) còn lại 239 mỏ chưa lắp theo quy định tại Khoản 2, Điều 42, Nghị định 158/2016/NĐ-CP. Ngoài ra, trong số 239 mỏ chưa lắp, có tới 52 mỏ không đủ điều kiện lắp đặt trạm cân tải trọng.
Những ngày qua, do các lực lượng chức năng Thanh Hoá siết chặt tải trọng xe nên nhiều chủ xe đã tạm dừng hoạt động
Cụ thể, tại Khoản 2, Điều 42, Nghị định 158/2016/NĐ-CP hướng dẫn Luật Khoáng sản có nêu rõ: Tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản, trừ hộ kinh doanh phải lắp đặt trạm cân tại các vị trí đưa khoáng sản nguyên khai ra khỏi khu vực khai thác; lắp camera giám sát tại các kho để lưu trữ thông tin, số liệu liên quan.
Đối với việc lắp đặt trạm cân, hiện nay Sở TN&MT tỉnh cũng đã khảo sát phát hiện nhiều bất cập như mỏ đá ở trên núi cao hay mỏ cát dưới lòng sông thì không thể lắp đặt trạm cân.
Về việc này, ông Mai Xuân Liêm, Phó chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Phó giám đốc Sở TN&MT tỉnh Thanh Hoá cần làm rõ: Việc lắp đặt trạm cân tại các mỏ khoáng sản để làm gì, cân gì? Khoáng sản khai nguyên là gì? Đất, cát từ mỏ đưa lên xe chở đi có phải khoáng sản khai nguyên và cân như thế nào?
"Trong quy định có bắt buộc phải lắp loại cân nào hay không, vì hiện nay doanh nghiệp phản ánh chi phí lắp đặt trạm cân đủ tiêu chuẩn từ 300- 500 triệu đồng. Giải pháp nào để giúp doanh nghiệp và kiểm soát tải trọng xe?", ông Liêm đặt vấn đề.
Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá có 353 mỏ khoáng sản được cấp phép trong đó mới chỉ có gần 50 mỏ lắp trạm cân và camera giám sát
Trước những câu hỏi đặt ra, ông Phạm Văn Hoành cho rằng: Ở vị trí khai thác đá sẽ lắp trạm cân để cân đá khối tảng trước khi ra ngoài khu vực chế biến thành phẩm. Việc lắp đặt trạm cân là một trong những hạng mục bắt buộc theo quy định, trạm cân không phải để kiểm soát tải trọng xe mà để kiểm tra trữ lượng khai thác trong khu vực mỏ được cấp.
Tuy nhiên, về khoáng sản khai nguyên như đất và cát, ông Hoành cũng chưa đưa ra được việc đặt cân như thế nào là hợp lý vì có nhiều bất cập.
"Tại sao không đưa ra giải pháp sử dụng cân xách tay đã được kiểm định như lực lượng CSGT hay TTGT thường dùng để kiểm tra tải trọng phương tiện?
Chỉ cần kiếm một vị trí bằng phẳng là có thể đặt được cân, giá thành rất thấp, giúp cho doanh nghiệp tại sao mình không làm?
Mặt khác cũng phải có ý kiến với các ngành chức năng thống nhất lấy một mẫu phiếu cân cho các phương tiện từ đó mới truy xuất được nguồn hàng.
Tôi khẳng định quá tải là từ gốc của nguồn hàng nên phải cần cả hệ thống chính trị vào cuộc. Xử lý tại nguồn hàng, TTKS trên đường là sẽ giải quyết được", ông Liêm nhấn mạnh.
Ông Mai Xuân Liêm cũng yêu cầu Ban ATGT tỉnh Thanh Hoá tập trung chỉ đạo cụ thể cho các ngành chức năng thực hiện các biện pháp kiểm soát ngay tại các cơ sở bốc xếp, nhà máy, xí nghiệp, các mỏ khoáng sản, cảng, nhưng trên tinh thần tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh.
Ngoài ra, Sở TN&MT khẩn trương rà soát những bất cập, có ý kiến gửi lên UBND tỉnh nếu những vấn đề vượt quá thẩm quyền thì trình các Bộ, ngành xem xét giải quyết để sớm lắp đặt trạm cân tại các mỏ khoáng sản theo đúng quy định.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận