Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 48/2022 về tăng cường đảm bảo trật tự ATGT và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2021 - 2015 thay thế Nghị quyết số 12/2019 của Chính phủ về đảm bảo ATGT và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2019 - 2021.
Nghị quyết do Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh ký nêu rõ, sau 3 năm thực hiện Nghị quyết 12, TNGT hàng năm tiếp tục giảm sâu ở cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương.
Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương nâng cao năng lực, hiệu quả thực thi pháp luật về bảo đảm trật tự ATGT - Ảnh minh họa
Nếu như năm 2019, số người chết do TNGT là hơn 7.600 người thì đến năm 2020 đã giảm xuống còn 6.700 người. Năm 2021 số người chết do TNGT tiếp tục giảm xuống còn gần 5.800 người. Ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn từng bước được kiềm chế.
Tuy nhiên, Chính phủ đánh giá TNGT tuy có giảm nhưng vẫn diễn biến phức tạp. Số người thương vong do TNGT vẫn còn ở mức cao; ùn tắc giao thông trên các trục giao thông chính, đầu mối giao thông trọng điểm, các đô thị tuy đã được kiềm chế nhưng chưa bền vững.
Để tiếp tục giảm TNGT mỗi năm từ 5% - 10%, hướng tới năm 2030 giảm ít nhất 50% số người bị chết và bị thương do TNGT so với năm 2020, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định pháp luật, đẩy mạnh triển khai các đề án, dự án về bảo đảm trật tự ATGT, chống ùn tắc giao thông.
Trong đó, Chính phủ yêu cầu tập trung nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo, trước hết là tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện kết luận số 45/2014 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 18 của Ban Bí thư khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự ATGT đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông. Bên cạnh đó, kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của Ủy ban ATGT Quốc gia và Ban An toàn giao thông các tỉnh, thành phố đáp ứng yêu cầu tình hình mới.
Đối với Y tế, Chính phủ yêu cầu nâng cao năng lực cứu hộ, cứu nạn, cứu chữa nạn nhân và khắc phục hậu quả TNGT; tập huấn kỹ năng sơ cứu TNGT cho nhân viên y tế cơ sở, lực lượng thực thi pháp luật và người tham gia giao thông.
Về quy định pháp luật, Chính phủ yêu cầu xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách pháp luật nhằm áp dụng kịp thời, hiệu quả các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào đảm bải ATGT. Lồng ghép mục tiêu bảo đảm bảo ATGT vào các quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, tỉnh, quy hoạch sử dụng đất, xây dựng đô thị, nông thôn và các quy hoạch chuyên ngành về GTVT. Quản lý chặt chẽ quá trình thực hiện quy hoạch, bảo đảm việc xây dựng mới hoặc chỉnh trang các khu công nghiệp, đô thị, các trung tâm thương mại, trường học, bệnh viện...phù hợp với năng lực kết cấu hạ tầng giao thông và vận tải công cộng.
Đối với hạ tầng, Chính phủ yêu cầu bảo đảm tiến độ, chất lượng các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông trọng điểm; tổ chức giao thông khoa học, hợp lý, bảo trì, sửa chữa kết cấu hạ tầng giao thông gắn với rà soát, xử lý dứt điểm các điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT; xoá bỏ lối đi tự mở trái phép qua đường sắt; ngăn ngừa, xử lý hoạt động lấn chiêm tuyến luống hàng hải, đường thủy nội địa; bảo vệ an toàn tĩnh không đường tiếp cận và khu bay các cảng hàng không.
Liên quan đến phương tiện, Chính phủ chỉ đạo phải nâng cao chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện GTVT; hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cho phương tiện, linh kiện, vật liệu và hạ tầng để tạo thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh và lưu hành đối với phương tiện thân thiện với môi trường.
Đối với lĩnh vực vận tải, Chính phủ yêu cầu đẩy mạnh tái cơ cấu vận tải, nâng cao thị phần vận tải đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không, giảm dần phụ thuộc vào đường bộ; đẩy nhanh tiến độ đầu tư, phát triển hệ thống vận tải công cộng trong đô thị và liên tỉnh gắn với hạn chế sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân trong các đô thị lớn.
Các Bộ, ngành, địa phương nâng cao năng lực, hiệu quả thực thi pháp luật về bảo đảm trật tự ATGT; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; xây dựng và đảm bảo khả năng kết nối, sử dụng chung các cơ sở dữ liệu giữa ngành GTVT, công an, y tế, bảo hiểm và các cơ quan chức năng có liên quan trong thực thi pháp luật, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và nghiên cứu khoa học về bảo đảm trật tự ATGT.
Chính phủ cũng nhấn mạnh: Phải kiên trì xây dựng văn hoá giao thông an toàn đối với tổ chức, cá nhân xây dựng, thực thi pháp luật, cung ứng hạ tầng, phương tiện, dịch vụ vận tải và tham gia giao thông. Đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo đảm trật tự ATGT theo hướng lấy thay đổi hành vi làm tiêu chí đánh giá kết quả; đẩy mạnh tuyên truyền trên mạng xã hội và hạ tầng số; vận động, hướng dẫn việc lồng ghép mục tiêu bảo đảm trật tự ATGT vào chương trình, kế hoạch và hoạt động của cơ quan, đơn vị, nhà trường, doanh nghiệp.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận