Sau quận 1, sáng 9/3, quận 12 (TP.HCM) đồng loạt ra quân xử lý lấn chiếm vỉa hè - Ảnh: Đỗ Loan |
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng, nhiều tổ chức, cá nhân đang trục lợi từ tài nguyên công, coi phần vỉa hè trước nhà, cơ quan là sở hữu riêng của mình để kinh doanh và làm nơi đỗ xe. Điều này là vi phạm pháp luật.
Coi vỉa hè là của riêng
Ông đánh giá thế nào về thực trạng vỉa hè bị chiếm dụng tràn lan. Điều này ảnh hưởng thế nào đến công tác đảm bảo ATGT, nhất là đối với người đi bộ?
Trong thời gian dài, các địa phương đã nhiều lần ra quân lập lại trật tự vỉa hè. Tuy nhiên, việc chiếm dụng trái phép vẫn diễn ra nghiêm trọng. Vỉa hè được sử dụng vào mục đích kinh doanh, đỗ xe được coi như việc làm hiển nhiên. Hay nói cách khác, hành vi vi phạm pháp luật, chiếm giữ vỉa hè được thừa nhận như hành vi bình thường. Bên cạnh đó, khi vỉa hè bị chiếm giữ, cũng đồng nghĩa với mất luôn phần ngăn cách giữa hoạt động sinh sống, kinh doanh dọc theo các tuyến phố với hoạt động giao thông, dẫn đến mất trật tự ATGT, gây ùn tắc giao thông do người dân không có môi trường đi bộ để tiếp cận được với dịch vụ giao thông công cộng.
Nhiều ý kiến cho rằng, lấn chiếm vỉa hè chủ yếu là người bán hàng rong, buôn thúng bán bưng, tức là người nghèo. Lập lại trật tự lấn chiếm vỉa hè, trong khi chưa có các điểm đỗ xe cũng ảnh hưởng đến công ăn việc làm của dân. Quan điểm của ông về vấn đề này?
"Pháp luật đã quy định rõ, vỉa hè là dành cho người đi bộ và cho phép sử dụng một phần vỉa hè, lòng đường vào hoạt động phi giao thông sau khi đã dành riêng vị trí cho người đi bộ. Vỉa hè có vai trò quan trọng trong tạo môi trường an toàn, thuận tiện cho người dân tiếp cận với dịch vụ giao thông công cộng cũng như những dịch vụ kinh doanh, văn phòng dọc các tuyến phố." Ông Khuất Việt Hùng |
Hiện, có nhiều ý kiến nhấn mạnh quá mức về có một bộ phận cư dân nghèo trong đô thị bán hàng rong, quán nước vỉa hè để mưu sinh. Họ cho rằng, đời sống của đối tượng này sẽ khó khăn, sẽ không tồn tại được nếu không bám vào vỉa hè. Rồi nào là chúng ta không quan tâm đến người nghèo nếu lập lại trật tự vỉa hè. Tôi cho rằng, người bán hàng rong và người nghèo thực sự có thể bám vỉa hè để sống chiếm tỷ lệ rất thấp. Hiện nay, những người đang chiếm dụng vỉa hè đa số là người có điều kiện, có nhà mặt phố, thậm chí kể cả những cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp lớn sử dụng trái phép vỉa hè để kinh doanh, làm nơi đỗ xe.
Cần khẳng định vỉa hè không thuộc quyền sở hữu của bất kỳ tổ chức, cá nhân nào, mà là sở hữu toàn dân. Chúng ta đang nhầm lẫn việc lo cho một bộ phận người nghèo trong đô thị mà vô tình bảo vệ cho hành vi sai trái của các tổ chức, cá nhân không phải là người nghèo đang trục lợi từ tài nguyên công dành cho cộng đồng. Những cá nhân, tổ chức có nhà liền kề với vỉa hè đang coi quyền sử dụng vỉa hè trước nhà, cơ quan đương nhiên là của họ, họ có quyền cao nhất. Đây là cách hiểu không đúng, họ được sử dụng vỉa hè trước tiên là để tiếp cận vào nhà, cơ quan họ, chứ không phải là có quyền sử dụng vào mục đích khác.
Ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia |
Người đứng đầu địa phương phải chịu trách nhiệm
Có ý kiến cho rằng, chính quyền trước khi giải tỏa phải thông báo cho người vi phạm hay nói cách khác là phải theo quy trình. Quan điểm của ông về việc này thế nào?
TP.HCM đã tiến hành lập lại trật tự vỉa hè được gần 2 tháng, nhưng trước khi việc cưỡng chế tiến hành chính quyền đã có thông báo cho người dân. Liệu rằng bản thân những cá nhân, cơ quan bị cưỡng chế họ có biết đâu là phần diện tích, không gian thuộc quyền sử dụng hợp pháp của họ hay không và ngược lại. Tôi cho rằng là họ biết, chỉ có điều họ không nghĩ rằng chính quyền sẽ làm kiên quyết đối với vi phạm của họ. Lộ trình lập lại trật tự vỉa hè Hà Nội vừa đưa ra và của TP.HCM đang thực hiện cũng đã được các cơ quan cấp dưới như các quận, huyện thực hiện trước đó rất lâu.
Vậy, ông đánh giá thế nào về việc các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM đang và sắp triển khai những chiến dịch lấy lại vỉa hè rất mạnh mẽ?
Thời gian qua, chính quyền hai thành phố đã quyết liệt thực hiện chỉ đạo này với cách làm riêng phù hợp với đặc điểm của từng thành phố. Vấn đề lập lại trật tự vỉa hè, lòng đường, ưu tiên cho người đi bộ, khuyến khích vận tải công cộng là chỉ đạo xuyên suốt của các đồng chí lãnh đạo Ủy ban ATGT Quốc gia qua các nhiệm kỳ. Các thành phố triển khai rất đúng với tinh thần chỉ đạo này. Đối với các thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM phải tăng cường các giải pháp chống ùn tắc giao thông, trong đó ưu tiên số một là lập lại trật tự vỉa hè, lòng đường.
Việc lập lại trật tự vỉa hè của hai thành phố lần này được cam kết, quyết tâm từ những người lãnh đạo cao nhất của thành phố và được triển khai đến các cấp chính quyền cơ sở quận, huyện với cách làm bài bản, quyết tâm, phương án triển khai được xem xét một cách cẩn trọng, đảm bảo tính toàn diện, đúng quy định của pháp luật, đảm bảo lợi ích phù hợp nhất của những người có liên quan, đặc biệt là lợi ích của đại đa số người dân. Vỉa hè là tài sản công, phục vụ cho toàn thể người dân thành phố, khách du lịch, người dân các địa phương khác, không phải chỉ của một bộ phận những người có lợi thế có nhà mặt phố. Phải lấy lợi ích này làm trọng và phải bảo vệ đầu tiên. Đối với người nghèo mưu sinh vỉa hè cần bố trí phù hợp, thậm chí chuyển đổi nghề nghiệp cho họ. Đối với chủ cửa hàng cần tuyên truyền cho họ hiểu đâu là giới hạn quyền sử dụng của họ.
Vỉa hè phố Hàng Hòm (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) mặc nhiên trở thành nơi tập kết và bày bán hàng hóa của một số nhà mặt phố - Ảnh: Khánh Linh |
Để lập lại kỷ cương, lấy lại vỉa hè dành cho người đi bộ, tới đây cần tiếp tục triển khai các giải pháp gì, thưa ông?
Có những chỗ chúng ta làm ngay, xử lý dứt điểm, nhưng cũng có những nơi cần lộ trình, trình tự. Nhưng ở đâu có điều kiện phải cương quyết làm dứt điểm. Tôi cho rằng, cần phải rà soát lại, có phương án tổ chức rõ ràng, mạch lạc giống như tổ chức giao thông, phần nào giành cho người đi bộ phải có chỉ giới rõ ràng, phần nào có thể trông giữ xe và các hoạt động phi giao thông, có chỉ giới, diện tích rõ ràng. Đồng thời phải giao rõ trách nhiệm quản lý, có người đầu mối chịu trách nhiệm, về mặt quản lý nhà nước, cần giao cho cấp quận huyện, về an ninh trật tự giao cho công an. Cùng với đó phải có phương pháp giám sát bằng việc sử dụng camera và xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm, chắc chắn trật tự vỉa hè sẽ được duy trì bền vững.
Cảm ơn ông!
Điểm b, Khoản 4, Điều 12, Nghị định 46 quy định về xử phạt các hành vi vi phạm quy định về sử dụng, khai thác trong phạm vi đất dành cho đường bộ quy định: Phạt tiền từ 2 - 3 triệu đồng đối với cá nhân, từ 4 - 6 triệu đồng đối với tổ chức sử dụng trái phép lòng đường đô thị, hè phố để: Họp chợ; kinh doanh dịch vụ ăn uống; bày, bán hàng hóa; sửa chữa phương tiện, máy móc, thiết bị; rửa xe; đặt, treo biển hiệu, biển quảng cáo; xây, đặt bục bệ; làm mái che hoặc thực hiện các hoạt động khác gây cản trở giao thông. Khoản 7, Điều 12, Nghị định 46 quy định xử phạt ở mức cao nhất đối với hành vi chiếm dụng lòng đường, hè phố làm nơi trong giữ xe. Theo đó, sẽ phạt tiền từ 10 - 15 triệu đồng đối với cá nhân, từ 20 - 30 triệu đồng đối với tổ chức chiếm dụng lòng đường đô thị hoặc hè phố từ 20m2 trở lên làm nơi trông, giữ xe. Ngoài việc bị áp dụng hình thức xử phạt, cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả do vi phạm hành chính gây ra. |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận