Trao đổi với Báo Giao thông về các hoạt động tưởng niệm nạn nhân TNGT năm nay, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng cho rằng, đây là dịp để chúng ta tưởng niệm người đã mất và chia sẻ những đau thương mất mát đối gia đình nạn nhân TNGT.
Nỗi đau mang tên tai nạn giao thông
Cảm nhận của ông thế nào về những thiệt hại do TNGT gây ra những năm qua?
TNGT tại Việt Nam mỗi năm làm tổn thất 2,9% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), mỗi ngày thiệt hại tới 300 tỷ đồng. Mặc dù TNGT liên tục giảm qua các năm nhưng số người chết vẫn còn ở mức cao. Cứ mỗi ngày trôi qua, TNGT lại cướp đi sinh mạng hơn 20 người và làm cho gần 70 người lâm vào cảnh tàn phế.
Đó là những thiệt hại tính ngay được, ngoài ra còn những thiệt hại vô hình hoặc chỉ nhận thấy được trong tương lai. Tai họa ập đến bất ngờ này mang đến sự đớn đau tột cùng cho hàng trăm gia đình, thiệt hại về nhân mạng là không gì bù đắp được.
Có lẽ, chẳng có nỗi đau nào khiến chúng ta lặng người và ám ảnh như nỗi đau mang tên TNGT. Hàng vạn ước mơ vỡ vụn, hàng nghìn gia đình rơi vào cảnh chia ly, khốn cùng, nhiều người bị mất cơ hội học tập và thậm chí họ mất đi những ước mơ lớn, mất đi những cơ hội trở thành người có đóng góp lớn cho xã hội. Đấy là những thiệt hại rất vô hình, rất khó đong đếm nhưng hoàn toàn có thể nhận thấy được.
Xét trên bình diện rộng hơn, tỉ lệ TNGT cao của một đất nước cũng sẽ trở thành điểm trừ trong thu hút đầu tư kinh tế. Bởi một trong những điều kiện thu hút đầu tư kinh tế hàng đầu đó là Giao thông: Bao gồm cả hạ tầng, phương tiện và tình hình tai nạn.
Nếu các nhà đầu tư trên thế giới đến với một đất nước có quá nhiều tai nạn, đi ra ngoài đường bị đe dọa trực tiếp đến sinh mạng, rồi phải quá lo lắng đến vấn đề ATGT, kể cả vận tải hàng hóa thì đó là lực cản đáng kể tới sức thu hút FDI cũng như tới các hoạt động kinh tế bình thường. Cũng từ đó sẽ có những tác động xấu đến sản lượng, lưu chuyển và động lực tăng trưởng kinh tế.
Năm nay, những hoạt động tưởng niệm nạn nhân do TNGT được thực hiện thế nào, có điểm gì mới, thưa ông?
Hưởng ứng chương trình “Thập kỷ hành động vì an toàn đường bộ giai đoạn 2011 - 2020, Ủy ban ATGT Quốc gia đã xây dựng kế hoạch tổ chức nhiều hoạt động hưởng ứng “Ngày thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong do TNGT” tại Việt Nam năm 2020.
Đây là dịp để chúng ta chia sẻ với nỗi đau, sự mất mát của các gia đình bằng việc làm ý nghĩa, thiết thực nhằm động viên họ nỗ lực vươn lên trong cuộc sống và viết tiếp ước mơ còn dang dở.
Thông điệp của các hoạt động hưởng ứng được tổ chức năm nay nhằm cảnh báo đến xã hội về thảm họa và nguyên nhân của TNGT.
Bên cạnh đó kêu gọi sự giúp đỡ, chia sẻ từ cộng đồng về những tổn thất, mất mát, khó khăn của các nạn nhân, gia đình nạn nhân. Quan trọng hơn sẽ giúp nâng cao nhận thức, ý thức của người dân trong việc chấp hành pháp luật ATGT, nâng cao ý thức trách nhiệm của các lực lượng làm công tác đảm bảo ATGT góp phần hoàn thành mục tiêu giảm TNGT năm 2020.
Ông có thể chia sẻ thêm về ý tưởng và kịch bản của lễ tưởng niệm nạn nhân tử vong do TNGT năm nay?
Lễ tưởng niệm năm nay cũng được tổ chức với quy mô như các năm trước với các hoạt động thăm hỏi nạn nhân và gia đình nạn nhân TNGT, hoạt động tuyên truyền, tổ chức lễ cầu siêu, lễ tưởng niệm cho nạn nhân TNGT.
Điều đặc biệt là năm nay, do tác động của dịch Covid-19 nên lễ tưởng niệm chính không được tổ chức tập trung như mọi năm mà mà chỉ tổ chức một chương trình tưởng niệm trong chương trình Đối thoại ATGT vào tối 15/11, phát sóng trên kênh VTV6 Đài Truyền hình Việt Nam.
Việc tổ chức hướng đến thông điệp tương tác với các chuỗi hoạt động trong công tác đảm bảo trật tự ATGT gắn với chủ đề Năm ATGT 2020 là “Đã uống rượu, bia - Không lái xe”.
Mỗi người tự nhắc nhở để giảm tai nạn giao thông
Theo ông, bên cạnh hoạt động tưởng niệm, chúng ta cần làm gì để kéo giảm TNGT, giảm đau thương mất mát do TNGT gây ra?
Để kiềm chế TNGT, giảm bớt đau thương, trước hết cần sự tuân thủ pháp luật. Từ quá trình thực tế, phân tích nguyên nhân, các biện pháp phòng, chống cho thấy, để phòng, chống TNGT, bên cạnh việc thực hiện đồng bộ các giải pháp về đầu tư xây dựng, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông, siết chặt hoạt động kinh doanh vận tải, tăng cường tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm, công tác tuyên truyền nâng cao ý thức con người.
Muốn cải thiện vấn đề này, mỗi người dân phải tự ý thức chấp hành, cùng chung tay xây dựng giao thông an toàn, văn minh.
Các cơ quan, địa phương, các đơn vị, tổ chức và nhân dân hãy nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của pháp luật về ATGT, cùng tự giác thực hiện: Đã uống rượu, bia - Không lái xe, phải đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe máy, thắt dây an toàn khi ngồi ô tô.
Cùng nhau xây dựng ý thức và thực hành văn hóa giao thông, nhường nhịn giúp đỡ nhau khi tham gia giao thông để cùng chung tay xây dựng một môi trường giao thông an toàn, thân thiện.
Ông có nhắn nhủ gì đối với người tham gia giao thông để sau mỗi ngày được về nhà an toàn?
Phải coi việc biết và thực hiện, chấp hành pháp luật giao thông là văn hóa của mỗi người để xây dựng văn hóa giao thông, môi trường giao thông an toàn.
Đã đến lúc mỗi người cần phải nhận thức nghiêm túc về tác hại khủng khiếp của TNGT, hãy vì sự thương xót những người đã mất mà hành động vì sự an toàn của những người đang sống, vì tương lai của con cháu mình và vì mạng sống của chính bản thân mỗi cá nhân. Mỗi người hãy làm tất cả những gì có thể để giao thông ở đất nước ta ngày càng văn minh hơn, an toàn hơn.
Ông Khuất Việt Hùng
Chuyện này không mới như kiểu biết rồi, khổ lắm nói mãi. Nhưng vẫn phải nói, phải kêu gọi, bởi nếu không nói, không đấu tranh, không tiếp tục làm căng, tai nạn sẽ lại gia tăng.
Một ngày tưởng nhớ đến những người đã khuất vì TNGT, mỗi người dành một phút tưởng niệm những người đã mất. Và không chỉ là một ngày, mà mỗi khi ra đường, khi tham gia giao thông, mỗi người xin hãy dành một giây nhớ đến những người đã khuất vì TNGT, để rồi nhắc nhở mình cảnh giác, nhắc nhở ý thức trách nhiệm của mình với văn hóa giao thông, môi trường giao thông, vì hạnh phúc của chính mình, của người thân, gia đình và cả xã hội.
Đã đến lúc chúng ta cần phải dũng cảm và chân thành nhìn thẳng vào sự thật là trong mỗi vụ TNGT có trách nhiệm của từng cá nhân, của cả cộng đồng.
Mỗi người hãy cùng chung tay chia sẻ những tổn thất, mất mát của các nạn nhân, gia đình nạn nhân TNGT. Tất cả các cơ quan, các tổ chức, cá nhân và toàn thể nhân dân hãy sống có ý thức, có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội, để những tai nạn thương tâm không bao giờ xảy ra, để mỗi sớm mai, khi bước ra đường không còn phải lo sợ, phấp phỏng vì TNGT có thể xảy ra bất kỳ lúc nào.
Cảm ơn ông!
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận