Cầu vượt Thái Hà - Chùa Bộc là cây cầu vượt lắp ghép nhẹ, thông xe từ cuối tháng 4/2012. Sau khi đưa vào khai thác, cơ quan chức năng đã thiết lập hệ thống biển báo: đi chậm, cấm xe tải, xe khách, cấm người đi bộ và đặt khung giới hạn, biển báo cấm các xe có chiều cao quá 2,2m lưu thông trên cầu vượt.
Tuy nhiên, thời gian qua, nhiều tài xế vẫn “phớt lờ” biển cảnh báo, ngang nhiên điều khiển phương tiện có chiều cao vượt mức cho phép di chuyển lên cầu, gây hư hỏng kết cấu hạ tầng, đánh sập khung hạn chế, gây mất ATGT tại khu vực.
Điển hình, trưa 11/6 vừa qua, chiếc ô tô tải BKS 29C-123.80 di chuyển từ hướng Ngã Tư Sở đi Tây Sơn. Khi đến cầu vượt Thái Hà, dù có biển báo hạn chế chiều cao, lái xe vẫn cố tình điều khiển xe lên cầu. Hậu quả, xe tải này bị vướng thùng, kéo sập barie, mắc kẹt luôn tại đầu cầu phía cổng trường Đại học Công đoàn.
Sau đó không lâu, vào các ngày 13/6 và 19/6, mạng xã hội tiếp tục lan truyền hình ảnh các xe ô tô Limousine BKS 29B-207.43, xe ô tô tải khoảng 1,5 tấn BKS 29H-358.29 và một chiếc xe 30 chỗ liên tục mắc kẹt tại đầu cầu vượt Thái Hà, phía trường Đại học Thủy lợi.
Trước đó, tháng 4/2018, nhiều người lưu thông trên cầu vượt Tây Sơn - Thái Hà cũng bị một phen “hú vía” khi chứng kiến xe buýt BKS 29B-193.27 lưu thông theo hướng Tây Sơn - Nguyễn Lương Bằng đi vào làn đường lên cầu vượt rồi bất ngờ húc đổ khung hạn chế chiều cao cầu vượt Thái Hà.
“Thật sự buồn với mấy tài xế kiểu này. Lái xe mà không biết tải trọng, chiều cao xe của mình, để xảy ra sự cố gây nguy hiểm cho bao nhiêu người khác, trong khi trước đó đã có bao nhiêu vụ để làm gương”, một cư dân mạng bức xúc nói.
“Năm nào cũng ít nhất 1 - 2 vụ. Cầu vượt Thái Hà - Chùa Bộc nên được gọi là “cây cầu đau khổ” nhất Hà Nội”, một cư dân mạng khác bình luận.
Ông Nguyễn Văn Thạch, Vụ trưởng Vụ ATGT (Bộ GTVT) cho rằng, những vụ tai nạn xảy ra tại cầu vượt Thái Hà - Chùa Bộc thể hiện sự ích kỷ, chủ quan của các tài xế, vì mục đích rút ngắn thời gian mà bỏ qua sự nguy hiểm, đe dọa đến tính mạng của người tham gia giao thông.
“Ngoài việc xử nghiêm tài xế với các lỗi như: Đi vào đường cấm, khắc phục sửa chữa phần hỏng, gẫy, thời gian tới, cơ quan chức năng của Hà Nội cũng cần tăng cường hệ thống cảnh báo như thiết lập loa phát thanh tuyên truyền, cảnh báo tại khu vực cầu để lái xe nâng cao cảnh giác từ xa, đảm bảo TTATGT để các phương tiện lưu thông qua cầu an toàn”, ông Thạch nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận