Xóa cảnh đi cầu gỗ
Sông Ba, đoạn từ thị trấn Phú Túc (huyện Krông Pa, Gia Lai) đi bốn xã phía nam (Krông Năng, Ia Hdreh, Ia Rmok, Chư Drăng) rộng cả cây số vào mùa mưa lũ.
Còn mùa khô, quãng sông ấy ngắn lại chừng 300m. Trước khi cây cầu Ia Rmok được nối nhịp, quãng sông trên là đoạn ngắn nhất để người dân từ các xã phía nam đến được trung tâm của phố huyện Phú Túc.
Và cũng tại đây, mỗi mùa khô sông cạn nhìn thấy đáy, người dân lại hò nhau làm một chiếc cầu gỗ để xe máy vượt sông.
Dù hai bờ cách nhau chỉ vài trăm mét, nhưng nếu đi vòng theo đường Trường Sơn Đông thì ngót nghét hơn 10km.
Vì thế, người dân sẵn sàng móc hầu bao trả 5.000-10.000 đồng để có thể chạy xe mô tô rút ngắn khoảng cách, tiết kiệm thời gian.
Ngặt nỗi, cầu gỗ chỉ giải quyết được chuyện người dân đi xe máy qua lại. Còn đối với nông sản, vận chuyển hàng hóa thì không thể.
Mong mỏi cây cầu vững chắc giúp rút ngắn khoảng cách, thuận lợi cho phát triển kinh tế cũng là yêu cầu đặt ra đối với chính quyền tỉnh Gia Lai.
Ông Nguyễn Thanh Vân, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Krông Pa cho biết, lâu nay, người dân các xã phía nam sông Ba mỗi khi có việc phải vượt sông thường đi đò vào mùa mưa lũ hoặc đi trên cầu tạm vào mùa nước cạn, dù trên địa bàn đã có cầu Phú Cần.
Việc đi lại qua cầu tạm hay đi đò đều ít nhiều bất tiện, chưa kể nguy cơ tai nạn luôn thường trực. Không những thế, việc vận chuyển hàng hóa với trọng tải lớn qua sông không thể dùng đò hay cầu tạm.
Trước tình trạng trên, Dự án Đầu tư xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản đường địa phương (Dự án LRAM), do Tổng cục Đường bộ Việt Nam làm chủ đầu tư; Ban Quản lý dự án 4 (Bộ GTVT) và Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Gia Lai đã chọn quãng sông trên để xây dựng chiếc cầu.
Ông Phạm Văn Điệp, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Gia Lai cho biết: "Công trình được chính thức khởi công ngày 19/8/2018 và đã hoàn tất sau hơn một năm thi công xây dựng.
Chiếc cầu Ia Rmok dài hơn 330m với 10 nhịp, tổng vốn hơn 36 tỷ đồng. Đây là cầu dân sinh quy mô lớn nhất được xây dựng tại địa bàn các xã đặc biệt khó khăn trong cả nước".
Cây cầu làm "đổi phận" bốn xã
Sau bốn năm hoàn thành đi vào sử dụng, hàng ngàn người dân sống tại các xã phía nam sông Ba là vui mừng nhất.
Chiếc cầu xóa đi cảnh thấp thỏm lo âu khi chạy trên cây cầu gỗ mất an toàn, góp phần tạo sức bật trong vận chuyển hàng hóa của bốn xã vùng đặc biệt khó khăn nói trên.
Ông Kpah Wik (60 tuổi, buôn Gum Gốp, xã Ia Rmok) phấn khởi nói: "Tôi sống ở Ia Rmok từ năm 1975 đến nay. Trước đây, người dân các xã phía nam sông Ba đều phải đi đò qua sông, sau đó mới có cầu tạm.
Thương nhất là các cháu học sinh, rồi thầy cô giáo ở thị trấn mỗi buổi đến trường phải qua đò, vượt cầu tạm nguy hiểm. Bây giờ làm cầu, tôi mừng vì mọi người sẽ không còn khó khăn hay đối mặt nguy hiểm trong mỗi chuyến vượt sông".
Nhắc nhớ lại những ngày chưa có cây cầu vững chắc, ông Rơ Lan Ninh (buôn Tang, xã Phú Cần) không giấu những niềm vui.
"Trước đây, người dân bên kia sông muốn sang thị trấn Phú Túc phải đi đò hay đi đường vòng cả chục cây số rất vất vả. Ai có hàng hóa thì mỗi ngày cũng chỉ chở được 2-3 chuyến. Giờ thì chở lúc nào cũng được, rất thuận tiện. Bà con ở đây vui lắm".
Trao đổi với Báo Giao thông, ông ông Hồ Văn Thảo, Chủ tịch UBND huyện Krông Pa cho hay: "Cầu Ia Rmok đưa vào sử dụng đã thực sự góp phần làm thay đổi diện mạo 4 xã đặc biệt khó khăn phía nam của huyện. Nhờ lưu thông thuận lợi, tỷ lệ hộ nghèo của các xã này đã giảm nhanh qua từng năm".
"Khi cầu Ia Rmok được đầu tư xây dựng, người dân rất mừng bởi đã giải quyết được nhu cầu cấp bách trong vấn đề đi lại, trao đổi hàng hóa. Đặc biệt, cây cầu góp phần tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các địa phương trong vùng, hạn chế việc thương lái ép giá nông sản vì lý do chi phí vận chuyển.
Điều này càng có ý nghĩa khi hơn 70% dân số tại các xã này là người Jrai. Đây cũng là những địa phương có diện tích mì, lúa, bắp khá lớn của huyện", ông Thảo nói đồng thời nhấn mạnh, người dân ở khu vực thị trấn cũng mạnh dạn đầu tư, kinh doanh tại khu vực phía bờ nam sông Ba.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận