Mức xử phạt đã tham chiếu kinh nghiệm của nhiều quốc gia
Tổng cục Đường bộ VN (đơn vị chủ trì soạn thảo dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 46/2016 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ - đường sắt) vừa đề xuất tăng mức xử phạt lái xe vi phạm nồng độ cồn lên cao nhất 40 triệu đồng và tước GPLX 2 năm. Đề xuất này ngay sau đó nhận được nhiều ý kiến trái chiều của dư luận. Một số người cho rằng, mức xử phạt tiền như vậy là quá nặng và quá cao so với mức thu nhập của đại bộ phận người dân tại Việt Nam.
Tuy nhiên, đề cập đến tính khả thi khi tăng mức phạt trên, TS Trần Hữu Minh, Phó Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia - thành viên tổ soạn thảo Nghị định 46/2016 cho rằng, có căn cứ quan trọng để các nhà làm luật phải liên tục tham chiếu để mức phạt đưa ra phải đủ sức răn đe, đồng thời để người vi phạm nghĩ đến phải “chùn bước”, để họ không muốn, không dám và không thể vi phạm.
Mức đề xuất xử phạt đó phụ thuộc vào điều kiện kinh tế xã hội, bối cảnh cụ thể của mỗi quốc gia. Một yếu tố quan trọng tham chiếu để đưa ra mức xử phạt là mối quan hệ giữa mức phạt với mức thu nhập của người dân. Khi tham chiếu mức phạt so với thu nhập người dân của các quốc gia khác, tổ soạn thảo nhận thấy, nhiều nước có mức phạt rất cao so với thu nhập. Đối với hành vi vi phạm nồng độ cồn ở mức cao, Nhật Bản phạt từ 8.000 - 10.000 USD, trong khi thu nhập bình quân của họ trong một tháng cũng chỉ khoảng 5.000 USD.
"Mức thu nhập trung bình của Việt Nam từ 15 - 20 triệu đồng/tháng chỉ là ở mức trung bình. Tăng mức xử phạt lên 40 triệu so với mức thu nhập trung bình này không phải là quá cao. Việc đề xuất tăng mức xử phạt vi phạm nồng độ cồn đã được tham chiếu kinh nghiệm của nhiều quốc gia đã rất thành công trong việc họ áp dụng những giải pháp mạnh để có thể vừa tuyên truyền, vừa giáo dục vừa xử lý vi phạm để kéo giảm thành công tai nạn giao thông", TS Minh nói.
Cũng theo TS Trần Hữu Minh, Hàn Quốc và Nhật Bản là những quốc gia có nhiều điều kiện tương đồng với Việt Nam, cách đây 40-50 năm, vấn nạn rượu bia cũng giống như Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, sau nhiều thập kỷ sửa đổi quy định pháp luật xử lý vi phạm nồng độ cồn ngày càng khắt khe, mạnh mẽ hơn và thực thi tốt hơn, đến nay người dân nước họ chấp hành rất tốt. Hai nước trên hiện mức tiêu thụ rượu bia của họ cũng rất lớn, nhưng người dân không vi phạm nhiều như Việt Nam, đây là kinh nghiệm tốt chúng ta cần tham khảo.
Nghĩ đến hình phạt mà không dám vi phạm
Cũng đồng tình với đề xuất tăng mức xử phạt của Tổng cục Đường bộ VN, ông Nguyễn Mạnh Thắng, Quản trị Diễn đàn Oto+ cho rằng, việc xử phạt nặng hành vi vi phạm nồng độ cồn sẽ có tác dụng răn đe, hạn chế tai nạn giao thông có nguyên nhân từ hành vi này. Tuy nhiên, ông Thắng cũng lo ngại việc tăng nặng mức xử phạt sẽ phát sinh thêm tiêu cực trong xử lý vi phạm như tình trạng thỏa thuận “cưa đôi” giữa người vi phạm và lực lượng chức năng.
Ông Thắng cũng cho rằng, nhiều người “có tiền, có quan hệ” mức phạt cao hay thấp đối với họ không là gì. Vì vậy, phải làm sao để người tham gia giao thông chỉ nghĩ đến hình phạt là đã không dám vi phạm. Việc tăng nặng mức xử phạt cũng chỉ là một hình thức xử lý, để hạn chế tối đa người đã uống rượu bia vẫn lái xe vẫn cần bổ sung thêm nhiều chế tài xử phạt khác để lái xe không dám vi phạm như: phạt tù, lao động công ích, ghi vào lý lịch tư pháp của người vi phạm.
"Ví dụ, khi người vi phạm nồng độ cồn, sau khi người đó tỉnh rượu, bia, chúng ta có thể xử phạt người đó phải điều hành giao thông đến khi phát hiện được người vi phạm nồng độ cồn khác. Hay khi người vi phạm đã có “vết” trong lý lịch tư pháp, các giao dịch hành chính của họ phải có mức cao hơn, như đóng bảo hiểm cao hơn", ông Thắng đề xuất.
Ngoài ra, ông Thắng cho rằng, để việc tăng mức phạt có hiệu quả, lực lượng tuần tra kiểm soát cũng phải thực hiện thật nghiêm. Kinh nghiệm từ Trung Quốc cho thấy, khi phát hiện CSGT vi phạm, họ đưa ra khỏi ngành ngay. Việt Nam cũng nên học hỏi kinh nghiệm này, cần có cơ chế giám sát lực lượng tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận