Sau vụ việc xe tự chế chở bó thép dài cả chục mét đi ngược chiều và đâm thủng buồng lái xe buýt trên đường Nguyễn Trãi (Hà Nội), dư luận lại "nổi sóng" về hoạt động của xe ba bánh tự chế.
Nhiều người đặt ra câu hỏi, Hà Nội đã xây dựng lộ trình cấm sử dụng xe ba bánh từ nhiều năm với những kế hoạch đầy quyết tâm nhưng loại xe này vẫn hoạt động nhan nhản. Trong ảnh chiếc xe ba bánh chở hàng cồng kềnh trong sáng nay trên đường Tố Hữu (Hà Đông) đánh liều chở hàng hoá quá khổ chạm cả cầu bộ hành.
Hành trình di chuyển của lái xe này đa phần lưu thông trong làn đường dành riêng của xe buýt nhanh BRT
Trên đường Lê Trọng Tấn hướng đi Văn Phú, Quang Trung, người tham gia giao thông không khỏi giật mình khi nhìn thấy 3 xe tự chế qua bùng binh dàn hàng ngang, kéo theo "núi hàng" phế liệu giăng kín đường.
Xe tự chế chở hàng với những bì hàng vật liệu lớn gây khuất tầm nhìn của các phương tiện phía sau
Quá trình bám theo các xe, PV chứng kiến qua 2 nút đèn tín hiệu, các xe "hung thần" vô tư vượt đèn đỏ đoạn ngõ 32 Lê Trọng Tấn, ngã tư Văn Phú Quang Trung
TS. Nguyễn Hữu Đức cho rằng, thời gian qua, Hà Nội chưa kiểm soát được hoạt động của xe ba bánh, tự chế. Ngoài một số ít xe của thương binh đa phần xe tự chế là "núp bóng", trá hình.
Tại nhà chờ Thành Công trên đường Láng Hạ (Ba Đình) những chiếc xe ba bánh vô tư chở hàng cồng kềnh, vi phạm giao thông. Trong khi cách đoạn này không xa, có hai chốt trực xử lý vi phạm giao thông của Đội CSGT số 3, song, lái xe vẫn "thông chốt".
Kết quả thống kê, khảo sát của Sở GTVT Hà Nội và Liên ngành cho thấy, hơn 1.300 người có hộ khẩu thường trú ở Hà Nội sử dụng xe ba bánh, tự chế, trong đó có hơn 960 thương binh, 103 bệnh binh, 249 người khuyết tật.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Tuyển - Trưởng phòng Quản lý Vận tải (Sở GTVT Hà Nội) cho biết, Hà Nội đã nghiên cứu rất nhiều giải pháp hỗ trợ thương binh, bệnh binh, người khuyết tật đảm bảo cuộc sống để họ tự nguyện từ bỏ sử dụng xe ba bánh tự chế. Tuy nhiên, có tới hơn 70% thương binh, bệnh binh, người khuyết tật đang sử dụng xe ba bánh mong muốn giữ lại xe thay vì được hỗ trợ theo các ưu đãi thành phố đưa ra".
Ông Trương Văn Dũng - Thanh Trì - Hà Nội là thương binh 4/4, đang lái xe ba bánh khu vực đường Lê Trọng Tấn (Hà Đông) cho biết, gia đình ông rất khó khăn. "Tôi gần 70 tuổi vẫn là lao động chính trong gia đình. Mỗi ngày tôi đi chở hàng cũng được 300 - 500 nghìn đồng. Giờ bắt bỏ xe, cho đi học nghề, làm công ăn lương thu nhập chỉ 3 - 4 triệu đồng/ tháng chỉ đủ sinh hoạt cho bản thân, nên tôi cũng rất băn khoăn và không muốn chuyển đổi", ông Dũng nói.
Trên các tuyến đường hễ thấy cửa hàng kinh doanh vật liệu hay các đồ dùng tiện ích đều có sự hiện diện của xe ba bánh, tự chế
Nhiều xe thương binh chia sẻ, trong trường hợp bắt buộc phải "xoá sổ" loại xe này, họ mong muốn được thay bằng một loại xe khác an toàn hơn mà vẫn chở được hàng hoá.
Trước đề xuất trên, ông Nguyễn Tuyển - Trưởng phòng Quản lý vận tải khẳng định: Sở GTVT Hà Nội đang tham mưu cho UBND Thành phố có quy định về tiêu chuẩn, chất lượng xe để có thể cấp phép có thời hạn. Song song với đó, sẽ kiểm soát chặt số lượng phương tiện, đề xuất thêm cơ chế hỗ trợ, tạo điều kiện cho cựu chiến binh.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận