Ghi nhận của PV Báo Giao thông trưa và chiều 10/9, đèo Sa Mù đoạn từ Km 205 đến đoạn Km 201 có hàng loạt điểm sạt lở, trong đó 3 điểm sạt lở với khối lượng lớn.
Vị trí sạt lở với khối lượng lớn đầu tiên là đoạn đường cong dốc tại cọc tiêu H6/205 lên phía đỉnh đèo tại cọc tiêu H3/205. Đất đá từ mép núi sạt lở xuống đoạn này rất lớn đã gây chia cắt giao thông, hiện mới được dọn qua phía 2 bên đường. Cách vị trí này một đoạn, đường Hồ Chí Minh vào xã Hướng Việt và Hướng Lập cũng đã xuất hiện nhiều vị trí sạt lở.
Tại đoạn Km 202, một số vị trí cơ bản được hốt dọn, nhưng một số vị trí đất đá sụt trượt xuống vẫn nằm bên đường. Tiếp đó, một vị trí đất đá sụt trượt xuống mặt đường với khối lượng rất lớn ngổn ngang trên mặt đường đoạn cọc tiêu H4/201, cũng mới chỉ được máy múc múc dọn đất đá sang 2 bên.
Đây là vị trí sạt lở “khủng” thứ 2 đã gây chia cắt giao thông trên tuyến đường Hồ Chí Minh vào 2 xã Hướng Lập và Hướng Việt. Đoạn cuối Km 200 cũng đã xuất hiện một vị trí sạt lở lớn, cũng chỉ mới được thông tuyến cho phương tiện qua lại làn giữa đường.
Đến đầu giờ chiều 10/9, khu vực đèo Sa Mù trời mưa, một số máy múc vẫn đang tiếp tục hốt dọn tại 2 vị trí sạt lở lớn nhất qua đèo Sa Mù.
Liên quan đến công tác khắc phục đảm bảo giao thông trên đường Hồ Chí Minh qua đèo Sa Mù (huyện Hướng Hóa, Quảng Trị), chiều 10/9, lãnh đạo Chi cục QLĐB II.05 (Cục QLĐB II) ở Quảng Trị cho biết, mặc dù khu vực sạt lở trên nằm trên địa phận tỉnh Quảng Trị, nhưng khu vực này do Chi cục QLĐB II.04 ở Quảng Bình quản lý.
Một số hình ảnh PV Báo Giao thông ghi nhận trên "điểm nóng" sạt lở đèo Sa Mù:
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận