Những năm qua, dù hệ thống camera giám sát đã được Hà Nội thí điểm để xử lý tình trạng xe dù bắt khách dọc đường tại khu vực bến xe và một số tuyến đường cửa ngõ thành phố song hiệu quả mang lại vẫn rất mờ nhạt…
Có như không
Chiều 16/9, có mặt tại trục đường Giải Phóng (Hà Nội), PV Báo Giao thông ghi nhận cảnh hoạt động nhộn nhịp của những chiếc xe khách tuyến cố định vô tư dừng bắt khách dọc đường sau khi xuất bến.
Đáng nói, thời điểm hiện tại, khu vực BX Giáp Bát và các tuyến đường xung quanh bến xe đang hiện hữu một mạng lưới camera quan sát và camera giám sát dày đặc, được lắp đặt tại các vị trí như: Trước khu vực BX Giáp Bát (2 cụm), trước số nhà 871 Giải Phóng (1 cụm), đối diện số nhà 871 (1 cụm), trước số nhà 827 Giải Phóng, đối diện cổng ra BX Giáp Bát (1 cụm), ngã tư Kim Đồng - Giải Phóng (2 cụm), trước số 6 Kim Đồng (1 cụm), trước số nhà 17 -19 Kim Đồng (1 cụm) và ngã tư Trương Định - Giải Phóng (1 cụm).
Tuy nhiên, thời điểm 16h55, PV chứng kiến xe ô tô khách BKS 17B-022.42 (nhà xe Mạnh Hùng) tuyến Thái Bình - Hà Nội ung dung dừng xe ngay dưới cụm camera giám sát và khu vực có biển báo cấm phương tiện dừng, đỗ đối diện cổng ra BX Giáp Bát để mở cửa xe “vợt khách”.
Trước đó, các xe BKS: 18B-013.80 chạy tuyến Hải Hậu - Hà Nội, 17B-001.43, 17B-009.26 tuyến Thái Bình - Hà Nội, 35H.0677, 35B-008.78 tuyến Ninh Bình - Hà Nội cũng liên tục nối đuôi nhau dừng xe trước điểm xe buýt đối diện cổng vào BX Giáp Bát hàng chục phút để đón lõng hành khách đi xe dù vị trí này được bố trị dày đặc camera quan sát và giám sát.
Tại khu vực đường Giải Phóng (từ nút giao Nguyễn Hữu Thọ đến nút giao Pháp Vân) hướng về các tỉnh phía Nam, chỉ trong vòng nửa tiếng, PV ghi nhận cả chục xe khách chạy tuyến Thanh Hóa - Hà Nội BKS: 36B-025.39 (nhà xe Giang Thắng), 36B-020.82 (nhà xe Đông Lý), 36B-029.22 (nhà xe Tùng Lâm), 36B-016.68 (nhà xe Hiền Lan), 36B-017.38 (nhà xe Trường Hằng), 35B-011.29 (nhà xe Minh Thư) tuyến Ninh Bình - Hà Nội... táp vào lề đường để đón khách đứng đợi sẵn trên vỉa hè, gây cản trở lớn đến quá trình di chuyển của các phương tiện khác.
Theo ông Vũ Hà, Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội, hệ thống camera giám sát tại khu vực BX Giáp Bát được Hà Nội thí điểm từ ngày 1/6/2018 để theo dõi, xử phạt xe khách dừng đỗ, đón trả khách sai quy định. Hệ thống này được thực hiện theo kế hoạch thí điểm của một đơn vị cung cấp cho thành phố.
Trong quá trình thực hiện, Sở GTVT Hà Nội đã phối hợp với Công an thành phố hoàn thiện quy trình thủ tục, đưa vào thí điểm xử phạt. Tuy nhiên, do còn bất cập liên quan đến tính bảo mật, tính năng nhận diện biển kiểm soát phương tiện vi phạm chưa chính xác tuyệt đối trong điều kiện ánh sáng yếu nên tháng 9/2018, hệ thống camera này phải tạm dừng để các cơ quan đánh giá và khắc phục tồn tại.
“Sau một năm, UBND thành phố tiếp tục cho các đơn vị thí điểm thêm 6 tháng, bắt đầu từ tháng 9/2019. Đến tháng 2/2020, việc thí điểm lần hai kết thúc. Từ đó đến nay, Sở GTVT Hà Nội vẫn đang yêu cầu đơn vị cung cấp camera phối hợp cơ quan chức năng xử lý các tồn tại trước khi quyết định có đề xuất thành phố cho tiếp tục triển khai hay không”, ông Hà cho hay.
Tiếp tục nhân rộng hệ thống camera giám sát
Cũng theo ông Vũ Hà, trước tình trạng các phương tiện dừng, đỗ trên các tuyến ra - vào bến xe trên địa bàn thành phố còn diễn biến phức tạp, Sở GTVT Hà Nội đã chỉ đạo lực lượng thanh tra GTVT rà soát toàn bộ địa bàn, đề xuất các vị trí lắp đặt camera, tạo công cụ hỗ trợ trong công tác xử lý và đảm bảo TTATGT. Trong đó, mục tiêu trước mắt là tập trung rà soát các tuyến đường ra - vào BX Mỹ Đình, lộ trình của BX Yên Nghĩa, các khu vực thuộc tuyến đường Vành đai 3 dưới thấp.
“Hiện, lực lượng thanh tra đã có báo cáo đề xuất 12 vị trí lắp đặt camera gồm: 4 vị trí trên đường Phạm Hùng; 5 vị trí tại các nút giao Phạm Hùng - Nguyễn Hoàng (trước Cục Đăng kiểm VN), Nguyễn Hoàng - Trần Bình, Phạm Hùng - Dương Đình Nghệ, Phạm Hùng - Tôn Thất Thuyết và Phạm Hùng - Duy Tân; 3 vị trí còn lại tại cổng ra BX Mỹ Đình, quảng trường bến xe và đường gom Đại lộ Thăng Long (trước tòa nhà Viglacera).
Sở GTVT Hà Nội đang tập hợp, phối hợp liên ngành báo cáo UBND thành phố, bổ sung vào lộ trình chung trong việc xây dựng thành phố thông minh theo đề án của thành phố”, ông Hà thông tin.
Cũng theo lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội, hiện nay, việc triển khai hệ thống camera giám sát trên địa bàn còn có bất cập là camera ở các vị trí hoạt động theo nhiều hệ điều hành khác nhau nên việc liên thông, kết nối dữ liệu chưa đồng bộ để giám sát được đồng bộ, đảm bảo hiệu quả.
Đại diện Thanh tra Sở GTVT cho biết, trong điều kiện lực lượng chức năng không thể chốt trực 24/24h tại các “điểm nóng” giao thông như hiện nay, việc lắp đặt bổ sung camera giám sát tại khu vực các bến xe và nút giao thông trọng điểm là cần thiết.
“Tuy nhiên, việc xử lý dựa trên hình ảnh đang thuộc thẩm quyền của lực lượng CSGT. Thanh tra GTVT chỉ lấy hình ảnh để phục vụ công tác quản lý Nhà nước. Ví dụ, đối với các xe vi phạm nhiều lần, lực lượng thanh tra sẽ có văn bản nhắc nhở doanh nghiệp hoặc đề xuất cơ quan có thẩm quyền hình thức xử lý tạo tính răn đe.
Trong tương lai, nếu hệ thống camera được lắp đặt đồng bộ, cơ quan chức năng có thể nghiên cứu cho phép lực lượng thanh tra sử dụng hình ảnh trích xuất từ camera tại các nút giao thông để đối chứng với nhà xe, xử lý vi phạm nhằm nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật, tạo tính răn đe đối với lái xe, kịp thời lập lại trật tự giao thông tại các trục đường trọng điểm”, đại diện này nói.
Nghiên cứu thành lập một trung tâm quản lý giao thông qua hình ảnh
TS. Khương Kim Tạo, nguyên Phó Chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng, thời gian tới, khi hệ thống công nghệ giám sát giao thông cơ bản hoàn chỉnh, việc xử lý vi phạm TTATGT cần tập trung vào một mối, không nên để riêng một lực lượng nào thực hiện. Cơ quan chức năng cần nghiên cứu thành lập một trung tâm riêng quản lý các vấn đề giao thông qua hình ảnh. Trong đó, lực lượng CSGT hay Thanh tra GTVT sẽ đóng vai trò thu thập dữ liệu, việc chuyến phiếu phạt, thông báo lỗi phạt hay hình thức phạt sẽ do Trung tâm này đảm trách.
“Về pháp lý, Trung tâm này có thể trực thuộc ngành tòa án, công an hoặc sẽ là cơ quan liên hợp giữa các ngành để cùng tập hợp dữ liệu và phân tích hành vi, đưa ra quyết định xử lý theo quy định của pháp luật”, TS. Tạo nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận