Tại buổi tọa đàm “Cách nào ngăn thảm họa xảy ra trên những chuyến xe đưa đón học sinh?” do Báo Giao thông tổ chức ngày 4/12, TS Trần Hữu Minh, Phó Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia và luật sư Đặng Văn Cường đều cho rằng, trẻ em, học sinh là đối tượng cần được pháp luật, xã hội ưu tiên bảo vệ, vì vậy cần thiết lập hành lang pháp lý riêng cho dịch vụ đưa đón học sinh để ngăn chặn các sự việc nghiêm trọng có thể xảy ra.
Giật mình với các sự cố ô tô "đánh rơi học sinh"
BTV Hoàng Việt: Thời gian qua chúng ta đã thấy nhiều hình ảnh mất an toàn đối với xe đưa đón học sinh, khiến cho những người làm cha mẹ thấy đau lòng như vụ việc ở trường Gateway, sự cố đánh rơi trẻ khi xe đang chạy ở Đồng Nai, Gia Lai. Các ông đánh giá thế nào về hoạt động của các xe đưa đón học sinh này?
Ông Trần Hữu Minh: Những sự việc này phần nào cho thấy mức độ nghiêm trọng về tình trạng mất an toàn của dịch vụ đưa đón học sinh. Khi xã hội phát triển, đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, quá trình phân công lao động rõ rệt khiến cho nhu cầu đưa đón học sinh ngày càng lớn.
Theo khảo sát, dịch vụ đưa đón học sinh hiện chiếm khoảng 10%, 70% do phụ huynh đưa đón, 20% là do các em tự đi đến trường.
Nếu dịch vụ này thực hiện tốt sẽ mang lại lợi ích lớn cho xã hội, khi phụ huyn không phải đưa con em đến trường sẽ giảm ùn tắc, có nhiều thời gian tập trung cho công việc, giúp kinh tế phát triển, tăng tính độc lập cho trẻ em khi tự đi đến trường.
Tuy nhiên, hiện nay phần lớn dịch vụ xe đưa đón học sinh đang là tự phát, do các trường tự đầu tư xe dưới dạng vận tải nội bộ hoặc do cha mẹ học sinh tự thỏa thuận với chủ xe dưới dạng hợp đồng.
Nguyên nhân là do các quy định pháp luật còn lỏng lẻo, ngoài ra do nhiều địa phương còn buông lỏng quản lý đối với lĩnh vực này.
Luật sư Đặng Văn Cường: Hiện lĩnh vực kinh doanh vận tải bằng ô tô đang được quy định tại Nghị định 86 của Chính phủ, trong đó có hình thức vận tải theo hợp đồng. Dịch vụ đưa đón học sinh bằng ô tô thuộc dạng này.
Theo quy định, đơn vị vận tải thực hiện hợp đồng vận chuyển học sinh phải có đăng ký kinh doanh, là doanh nghiệp, hợp tác xã hoặc hộ kinh doanh cá thể.
Phương tiện vận chuyển phải có đăng ký, đăng kiểm và lắp thiết bị giám sát hành trình, xe phải được bảo dưỡng định kỳ, lái xe phải có bằng lái.
Tuy vậy, thực tế hoạt động đưa đón học sinh bằng xe ô tô đang tồn tại nhiều vi phạm, còn nhiều trường hợp xe chở học sinh quá hạn đăng kiểm, người lái dùng giấy phép lái xe không hợp lệ… Rất tiếc là nhiều trường sai phạm chỉ khi xảy ra tai nạn giao thông mới phát hiện ra. Việc kiểm tra giám sát phải làm chặt hơn nữa mới có tác dụng ngăn ngừa tai nạn.
Đơn vị vận tải không đáp ứng các điều kiện được quy định sẽ bị xử phạt vi phạm.
Dịch vụ đưa đón học sinh đang bị thả nổi?
BTV Hoàng Việt: Xe đưa đón học sinh không được quản lý chặt chẽ, có sự thả nổi, phải chăng có sự nương tay của lực lượng chức năng trong công tác xử lý vi phạm?
Ông Trần Hữu Minh: Chức năng thực hiện kiểm tra giám sát điều kiện kinh doanh vận tải thuộc ngành GTVT, còn xử lý vi phạm trên đường thuộc lực lượng CSGT.
Chúng ta đã có những quy định pháp luật rất cụ thể đối với từng loại hình vận tải. Vấn đề quan trọng là các địa phương phải vào cuộc quyết liệt.
Tôi khẳng định rằng nếu thực hiện đúng và đủ các quy định tại Nghị định 86 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải tình hình sẽ tốt hơn rất nhiều.
Trong đó, nhà trường cần tăng cường công tác tuyên truyền, lực lượng TTGT tăng cường thanh, kiểm tra các điều kiện kinh doanh, lực lượng CSGT tăng cường xử phạt trên đường. Tất cả các khâu này nếu làm quyết liệt thì bức tranh ATGT tốt hơn rất nhiều.
Nhiều địa phương vừa qua đã làm mạnh tay. Gia Lai, Đồng Nai đã xử phạt hàng trăm trường hợp xe không đủ tiêu chuẩn đưa đón học sinh, tuy nhiên cũng có nhiều địa phương làm theo phong trào, buông lỏng.
Khi xảy ra sự cố ở địa phương nào đó, thì chắc chắn một khâu nào đó có vấn đề và cần phải được xử lý nghiêm.
Phân định trách nhiệm thế nào ?
BTV Hoàng Việt: Trách nhiệm trong quản lý xe học sinh hiện còn khá rộng, ông có cho rằng, cần phải chỉ ra được cơ quan nào là đơn vị chịu trách nhiệm chính thì khi đó mới có thể xử lý hiệu quả?
Ông Trần Hữu Minh: Tôi cho rằng cách tiếp cận như vậy là hợp lý, điều đó hoàn toàn rất đúng so với tinh thần chỉ đạo chung của Nghị quyết 18/2017 của Ban Bí thư: Một cơ quan có thể làm nhiều việc, nhưng một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì và chịu trách nhiệm.
Công tác bảo đảm ATGT nói chung luôn mang tính liên ngành vì liên quan tới rất nhiều lĩnh vực. Trong quá trình đưa đón học sinh, bắt đầu từ việc học sinh rời nhà cho tới khi học sinh bước vào lớp học, có nhiều khâu liên quan tới các cơ quan khác nhau, bởi vậy nên phân công trách nhiệm một cách thật rạch ròi.
Những vấn đề diễn ra trong phạm vi cơ sở giáo dục như tiếp nhận học sinh từ xe ô tô đưa đón, quá trình điểm danh học sinh, quy trình liên hệ và phản ánh với phụ huynh nếu học sinh vắng mặt, tiêu chuẩn trình độ và nghiệp vụ với những cá nhân trực tiếp làm việc với học sinh trong phạm vi nhà trường sẽ do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định.
Những vấn đề liên quan tới quá trình vận chuyển học sinh như kinh doanh và điều kiện kinh doanh, vận tải nội bộ bao gồm các quy chuẩn về xe buýt trường học, quy chuẩn về kết cấu hạ tầng giao thông và tổ chức vị trí đón trả học sinh, như tốc độ xe chở học sinh, quy tắc nhường đường cho xe buýt trường học và học sinh qua đường... phải do Bộ GTVT quy định.
Trẻ em là đối tượng yếu thế đặc biệt cần bảo vệ, vì vậy yêu cầu đối với điều kiện kinh doanh dịch vụ này càng phải cao.
Đây phải là lĩnh vực cần được quản lý chặt chẽ nhất trong số các hoạt động vận tải.
Tuy nhiên, cũng cần thấy rằng, trong quản lý dịch vụ này có những vấn đề giao thoa.
Đơn cử như tiêu chuẩn trình độ và nghiệp vụ với những cá nhân trực tiếp làm việc với học sinh trên xe. Nội dung này Bộ GTVT phải là đơn vị chủ trì phối hợp với Bộ GD&ĐT thống nhất trên cơ sở những ý kiến chuyên môn của Bộ GD&ĐT.
Luật sư Đặng Văn Cường: Từ góc độ phụ huynh, tôi cho rằng không phải trường nào cũng có dịch vụ đưa đón học sinh nên phụ huynh phải chủ động.
Trường hợp nhà trường có dịch vụ hoặc có đơn vị hợp đồng vận tải với nhà trường thì phụ huynh thì phải họp bàn các vấn đề liên quan, có trách nhiệm giám sát và yêu cầu dịch vụ được cung cấp này phải đáp ứng quy định pháp luật.
Trường hợp phụ huynh tự họp nhóm với nhau để thuê ô tô đưa đón con cái thì trách nhiệm đầu tiên là phụ huynh. Đưa con đi học bằng ô tô sẽ an toàn nhưng nếu thuê xe không đủ điều kiện an toàn kỹ thuật, lái xe không đủ điều kiện… thì lại nguy hại hơn.
Vì thế phụ huynh không thể vô cảm được, họ có thể quyết định chọn cái gì an toàn cho con mình.
Ông Trần Hữu Minh: Tất nhiên chỉ mình phía cơ quan quản lý cố gắng sẽ không đủ. Để bảo đảm hiệu quả toàn diện và lâu dài, nhà trường và gia đình cần nhanh chóng tăng cường dạy các kỹ năng tham gia giao thông an toàn cho trẻ, đặc biệt khi sử dụng xe buýt trường học, khi qua đường...để tự các em nâng cao ATGT cho bản thân mình.
Cơ quan quản lý về đưa đón học sinh tại địa phương cần tăng cường tuyên truyền cho các bậc phụ huynh các kiến thức và kỹ năng để dạy con em đi xe buýt và trong đào tạo sát hạch lái xe cũng cần tăng cường kiến thức và kỹ năng xử lý cho người lái khi gặp xe buýt trường học và học sinh trên đường.
Cần quy định tiêu chuẩn dịch vụ xe đưa đón học sinh?
BTV Hoàng Việt: Do chưa có quy định riêng, khiến dịch vụ đưa đón học sinh chỉ được xem là dịch vụ vận tải thông thường và tiềm ẩn nguy xảy ra các sự cố nghiêm trọng đối với học sinh. Vậy phải giải quyết bất cập này cách nào, sửa Luật hay sửa Nghị định?
Luật sư Đặng Văn Cường: Dịch vụ vận chuyển học sinh hiện đang được quản lý bằng Nghị định 86, chưa có quy định riêng.
Trong xu hướng hiện nay, nhiều cơ sở giáo dục có dịch vụ đưa đón học sinh bằng xe ô tô, nhưng chưa có cơ sở pháp lý riêng.
Tôi cho rằng cần bổ sung quy định về phương tiện đưa đón học sinh, chẳng hạn như rút ngắn niên hạn sử dụng so với xe chở người thông thường, quy định điều kiện người vận chuyển với các kỹ năng dịch vụ… để đảm bảo an toàn hơn so với quy định chung hiện nay
Ông Trần Hữu Minh: Nếu chúng ta không bảo vệ được trẻ em trong tham gia giao thông thì chúng ta rất khó bảo vệ ATGT cho bất kỳ ai.
Trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương nhất, yếu thế nhất nên phải có giải pháp ưu tiên, quản lý chặt chẽ nhất. Vì vậy, những quy định vận chuyển trẻ em là phải khắt khe nhất, được giám sát, quản lý chặt chẽ nhất, hình thức xử lý vi phạm cũng cần mạnh mẽ, đóng cửa ngay cơ sở khi có vi phạm, thậm chí những cá nhân có hành vi cố ý gây nguy hiểm cho học sinh có thể cấm hành nghề suốt đời. Khi chúng ta hình thành được cơ sở dữ liệu quốc gia về cá nhân và doanh nghiệp hoàn toàn có thể làm được.
Việc đầu tiên là phải tạo ra môi trường pháp lý, môi trường cơ sở hạ tầng, phương tiện thuận lợi cho học sinh tiếp cận trường học an toàn.
Ngoài ra cần tăng cường giáo dục kiến thức pháp luật tham gia giao thông an toàn cho các em học sinh, trong vấn đề này, phụ huynh có vai trò quan trọng, học sinh không chỉ phụ thuộc vào giảng dạy của nhà trường.
Trong điều kiện kinh tế phát triển, phụ huynh có thể dễ dàng mua một chiếc xe máy nhưng để làm sao cho các em đủ kiến thức, kỹ năng tham gia giao thông trên đường là vấn đề hoàn toàn khác. Phương tiện sẽ ngày càng tăng cao, phụ huynh cần giành thời gian nhiều hơn, theo dõi, giám sát, hướng dẫn con em mình tham gia giao thông an toàn.
Xe chở học sinh nên có dấu hiệu riêng và phải được ưu tiên
BTV Hoàng Việt: Vậy chúng ta có nên học tập mô hình quản lý xe đưa đón học sinh từ các quốc gia phát triển?
Ông Trần Hữu Minh: Về lâu dài chúng ta nên sớm ban hành quy định riêng về loại hình vận chuyển học sinh vì đây là loại hình đòi hỏi yêu cầu cao về hạ tầng, phương tiện, trình độ người tham gia vào quá trình vận chuyển.
Nhiều quốc gia phát triển có quy chuẩn riêng về phương tiện vận chuyển học sinh, đây là phương tiện đòi hỏi có độ an toàn cao và nhận diện về màu sắc, chuông báo, các tính năng an toàn vê kết cấu, vật liệu chế tạo, các loại gương loại bỏ các điểm mù.
Bên cạnh đó, tiêu chuẩn về ghế dây bảo hiểm được quy định cụ thể. Đây là bài học tốt để chúng ta nghiên cứu ban hành quy chuẩn đặc biệt về phương tiện vận chuyển học sinh để chuẩn hóa phương tiện.
Trong đào tạo, sát hạch lái xe cần hoàn thiện quy tắc tham gia giao thông, bổ sung thêm quy tắc của người lái xe về tốc độ, đừng đỗ hay quy tắc người tham gia giao thông ưu tiên, hành xử thế nào thế nào khi gặp xe chở học sinh.
Ngoài ra, cần tăng cường hướng dẫn tổ chức giao thông khu vực trẻ em lên xuống xe, có màu sắc nhận diện cảnh báo cho lái xe khác.
Thông lệ quốc tế quy định tiêu chuẩn người lái xe đưa đón học sinh rất chặt chẽ, ngoài kiến thức chung họ được tập huấn lái xe trong các điều kiện thời tiết khác nhau, ứng phó giúp đỡ trẻ em, quy tắc ứng xử trẻ em trên xe.
Để được lái xe đưa đón học sinh lái xe phải trải qua 5 khóa đào tạo sau đó cấp chứng chỉ mới được lái. Đây là những kinh nghiệm quý chúng ta cần học tập.
Siết chặt quản lý xe hợp đồng
BTV Hoàng Việt: Theo ông, khi nào chúng ta mới có thể khắc phục những bất cập hiện nay để xe chở học sinh phải là những chuyến xe an toàn nhất?
Ông Trần Hữu Minh: Xe đưa đón học sinh hiện cũng đang phát sinh nhiều vấn đề khó quản lý như đối với xe hợp đồng.
Các điều kiện về kinh doanh, an toàn của loại hình này hiện đang được quản lý rất lỏng lẻo nên đang có xu hướng nở rộ, cạnh tranh không lành mạnh với các loại hình khác.
Trong dự thảo Nghị định 86 sửa đổi, cơ quan quản lý đã nhận diện vấn đề và đưa ra các quy định siết chặt đối với xe hợp đồng. Tuy nhiên, song song với ban hành Nghị định 86 cần ban hành nghị định quản lý xe nội bộ để tránh xe hợp đồng lách sang loại hình này hoạt động.
Nếu chúng ta có tầm nhìn rõ ràng, có lộ trình hợp lý, các bước triển khai cụ thể, có phân công trách nhiệm, không sớm gì muộn chúng ta cũng đạt được trình độ quản lý như các nước phát triển. Và xe chở học sinh chắc chắn sẽ là dịch vụ ngày càng được phụ huynh lựa chọn.
BTV Hoàng Việt: Xin cảm ơn các vị khách mời đã trao đổi những thông tin và đề xuất những giải pháp để phát triển xe buýt học đường để gia đình, nhà trường cùng nâng cao nhận thức, trách nhiệm về sự an toàn của những chuyến xe chở học sinh.
Rất cần các cơ quan quản lý Nhà nước sớm có chủ trương khuyến khích phát triển loại hình vận tải này để vừa giảm TNGT vừa giảm áp lực với phụ huynh trong việc đảm bảo an toàn đưa đón con mỗi ngày.
Sau những vụ tai nạn như học sinh bị bỏ quên tử vong trên xe của trường Gateway, sau những tai nạn vừa xảy ra ở Đồng Nai, Gia Lai, chúng ta không thể chậm trễ hơn được nữa.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận