Báo động ẩu đả sau va chạm giao thông
Ngày 14/2, Công an quận Tây Hồ (Hà Nội) đã khởi tố bị can, bắt tạm giam Tống Anh Tuấn (43 tuổi, trú tại phường Phương Liệt, quận Thanh Xuân, Hà Nội) về tội cố ý gây thương tích.

Tài xế xe Lexus hung hăng tấn công, gây thương tích cho nam thanh niên giao hàng tại Hà Nội ngày 10/2 vừa qua.
Trước đó, trưa 10/2, Tuấn điều khiển ô tô Lexus đến ngách 50 ngõ 310 Nghi Tàm, phường Yên Phụ, quận Tây Hồ thì va chạm với xe máy của một nhân viên giao hàng. Sau đó, Tuấn đã dùng tay, chân, mũ bảo hiểm để đánh tới tấp nạn nhân khiến người này bị chấn động não, tỷ lệ thương tích là 3%.
Trước đó, vào ngày 2/1, Công an TP Thủ Đức, TP.HCM ra lệnh bắt giữ Nguyễn Thùy Trang (37 tuổi, ngụ TP Thủ Đức) - người đã lao vào đánh chị Võ Thị Bình, nhân viên thực hiện nhiệm vụ chắn barie gác tàu hỏa đường Kha Vạn Cân ở phường Hiệp Bình Chánh.
Cùng ngày, vợ chồng ông Nguyễn Văn Dũng và bà Bùi Thị Ngọc Anh (cùng ngụ tại quận 1, TP.HCM) bị Công an quận 1 bắt khẩn cấp về hành vi đánh đập tài xế xe ôm công nghệ trên đường Lê Duẩn vào đêm ngày 31/12/2024…
Trên đây chỉ là ba trong số rất nhiều vụ ẩu đả nghiêm trọng sau va chạm giao thông xảy ra ngay trước và sau tết Nguyên đán. Thông tin về các vụ việc này khiến nhiều người lo ngại bởi tình trạng sử dụng bạo lực sau va chạm giao thông có xu hướng ngày càng gia tăng.
Thiếu hiểu biết pháp luật
Nhìn nhận về vấn đề này, ông Nguyễn Đình Sơn, Hội Tâm lý giáo dục học Hà Nội cho rằng, khi xảy ra va chạm, nhiều người tham gia giao thông thường thiếu kiềm chế, mất kiểm soát, phản ứng tức giận, thường đổ lỗi cho đối phương. Điều đó khiến họ không đủ bình tĩnh để giải quyết tình huống một cách hòa nhã.
Thượng tá Phạm Việt Công, Phó Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia chia sẻ, va chạm giao thông thường là vô ý và không ai mong muốn nhưng các vụ ẩu đả vẫn xảy ra do thiếu hiểu biết về pháp luật.
"Nhiều trường hợp không có hậu quả gì sau va chạm nhưng hành xử côn đồ lại gây thiệt hại về sức khỏe, tính mạng và tài sản. Những trường hợp này cho thấy, người trong cuộc đã thiếu kỹ năng xử lý tình huống, thiếu kỹ năng kiềm chế cảm xúc, không thực hiện nghiêm quy định của pháp luật", thượng tá Công nói.
Cần nhiều giải pháp đồng bộ
Sau những vụ ẩu đả trên đường do va chạm giao thông vừa qua, cơ quan chức năng đã nhanh chóng vào cuộc xử lý. Tuy vậy, để ngăn ngừa sớm những vụ tương tự, các chuyên gia cho rằng cần những giải pháp cụ thể, đồng bộ để đảm bảo tính răn đe và cảnh tỉnh.
Việc công khai thông tin các trường hợp vi phạm để làm gương, tạo sức ép dư luận sẽ giúp nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật. Khi người dân nhận thấy việc xử lý của lực lượng chức năng là kịp thời, công minh, sẽ góp phần giảm thiểu các hành vi bạo lực bộc phát, từ đó xây dựng một môi trường giao thông an toàn, văn minh.
Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN
Theo ông Nguyễn Đình Sơn, sau các vụ va chạm giao thông, thông thường tâm lý nhiều người không muốn mất thời gian để nhờ đến cơ quan chức năng nên đã tự xử lý. Chính vì vậy đã dẫn đến nhiều hệ lụy, xảy ra ẩu đả khi không đạt được thỏa thuận.
"Bên cạnh những hình phạt nặng để răn đe, cần đẩy mạnh truyền thông về văn hóa tham gia giao thông, văn hóa ứng xử, để có sự nhường nhịn, tôn trọng lẫn nhau. Khi không may xảy ra va chạm mọi người cần ứng xử văn minh, trên cơ sở các quy định của pháp luật", vị chuyên gia khuyến cáo.
Trong khi đó, PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn, Phó viện trưởng Viện An ninh phi truyền thống, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, nếu người tham gia giao thông thấy trước được hậu quả vi phạm pháp luật hoặc những hậu quả nặng nề về tính mạng, tài sản thì những vụ ẩu đả, đánh người trên đường sẽ giảm đi.
"Vấn đề vẫn là nhận thức, nhận thức không chỉ bằng tuyên truyền mà ngay trong mỗi gia đình, mỗi cộng đồng phải giáo dục bằng những hành động, những hình ảnh, những quy định cụ thể để khi ra ngoài đường, họ biết phải tôn trong luật pháp, tôn trọng tính mạng, sức khỏe của người khác và tôn trọng các quy tắc của cộng đồng", ông Thìn nói.
Theo GS.TS Từ Sỹ Sùa, giảng viên cao cấp trường Đại học GTVT, trước tiên khi tham gia giao thông mọi người cần chấp hành các quy định khi tham gia giao thông như đi đúng phần đường, làn đường, đúng tốc độ.
Theo ông Sùa, việc cơ quan chức năng xử lý quyết liệt và nhanh chóng đối với các vụ bạo lực giao thông thời gian qua đã truyền đi thông điệp mạnh mẽ rằng không ai có thể đứng ngoài vòng pháp luật. Điều này giúp ngăn chặn các hành vi bạo lực trong tương lai.
"Cần các chiến dịch tuyên truyền gắn liền với những biện pháp xử lý thực tế giúp người dân hiểu rõ hơn về hậu quả pháp lý, đạo đức và hậu quả về kinh tế khi giải quyết mâu thuẫn giao thông bằng hành vi bạo lực.
Cùng đó, lắp đặt thêm camera giám sát giao thông để ghi lại và làm bằng chứng trong các vụ việc, giúp xử lý khách quan hơn. Cùng với việc ghi nhận bằng chứng, cần áp dụng các hình phạt nặng đối với hành vi bạo lực, đặc biệt là những trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng", ông Sùa nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận