Nhan nhản học sinh đi xe máy khi chưa đủ tuổi, không có bằng lái
Ngày 22/11, trên đường tỉnh 755B (đoạn qua xã Thống Nhất, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước) xảy ra vụ TNGT nghiêm trọng giữa xe máy và xe đầu kéo khiến 2 học sinh lớp 9 tử vong tại chỗ, đến nay vẫn khiến nhiều người xót xa.
Hiện trường vụ TNGT hai học sinh 14 tuổi đi xe máy va chạm xe đầu kéo bị tử vong tại chỗ ngày 22/11 tại Bình Phước
Theo đó, khoảng 4h30 cùng ngày, 2 nam học sinh N.Q.D. và S.N.L. (cùng 14 tuổi, học lớp 9, Trường THCS Bình Minh, huyện Bù Đăng) điều khiển xe máy BKS 47FF - 6601 chở nhau đi trên đường tỉnh 755B, đến đoạn đường cua, thuộc xã Thống Nhất, 2 học sinh chạy xe máy ôm cua trong điều kiện bị hạn chế tầm nhìn do trời tối, đã xảy ra va chạm với xe đầu kéo BKS 93H - 013.71 kéo theo rơ mooc BKS 93R - 010.07 đang lưu thông theo chiều ngược lại.
Cú va chạm mạnh khiến cả 2 em L. và D. văng ra đường, tử vong tại chỗ, xe máy bị hư hỏng nặng.
Trước đó chỉ 1 ngày, tại Thanh Hoá cũng xảy ra vụ TNGT giữa xe máy do em Quách Trung H (SN 2008) là học sinh lớp 8B, trường Trung học cơ sở Thành Vân, huyện Thạch Thành điều khiển và xe ô tô BKS 36 A - 774.77 khiến em H tử vong tại chỗ.
Tại tỉnh Kiên Giang, tối 14/11 cũng xảy ra vụ TNGT khi em L.D.M.Q (15 tuổi, học sinh lớp 10, trường THPT An Thới, TP Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang) điều khiển xe máy va chạm với ô tô BKS 68C-0862 khiến em Q. tử vong. Được biết, em Q vừa thi học sinh giỏi môn Tiếng Anh để chọn đi thi cấp tỉnh. Vụ tai nạn xảy ra khiến gia đình, nhà trường, thầy cô vô cùng đau xót.
Tháng 11/2022 còn xảy ra vụ TNGT khác tại tỉnh Cà Mau cũng khiến 1 học sinh 16 tuổi rơi xuống sông tử vong khi chiếc xe máy do em T.V.A. (14 tuổi) chở theo bạn là L.T.H.V (16 tuổi) cùng đến trường nhưng lưu thông đến ấp Tân Phong B (xã Hoà Thành), xe máy loạng choạng rồi rơi xuống sông. Người dân phát hiện đã đưa được V.A lên bờ nhưng em V. bị mất tích sau đó được tìm thấy đã tử vong.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, TS. Nguyễn Minh Hiếu (Trường Đại học GTVT) cho biết, vi phạm giao thông liên quan đến thanh, thiếu niên chủ yếu ở những em học sinh không đủ điều kiện lái xe (đi xe máy khi chưa đủ 16 tuổi hay đi xe từ 50 phân khối trở lên khi chưa có GPLX vì chưa đủ tuổi thi bằng lái). Các hành vi phổ biến thường là chạy quá tốc độ, lạng lách đánh võng, đi ngược chiều, không đội MBH, vượt đèn đỏ…
Nguyên nhân là do phụ huynh cho phép con sử dụng các phương tiện gắn máy, đặc biệt là xe máy dù chưa đủ tuổi vì cảm thấy hữu ích, dễ sử dụng hoặc đơn giản chỉ để chiều theo ý muốn của con. Đồng thời, họ còn nhận thấy rằng việc đi xe máy khi chưa đủ tuổi ngày càng phổ biến trong xã hội và không có sự giám sát, kiểm soát đầy đủ từ lực lượng chức năng.
Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng VP Luật sư Tinh thông luật cũng cho biết, với sự phát triển của kinh tế, văn hóa, xã hội như hiện nay, không khó để tận mắt chứng kiến các em học sinh cấp 2-3 "phi xe ầm ầm" trên đường, thậm chí đèo 3 đèo 4, không lắp gương chiếu hậu, không đội mũ bảo hiểm, điều khiển xe mô tô lạng lách, đánh võng…
Hình ảnh học sinh đi xe máy khi chưa đủ tuổi vi phạm giao thông diễn ra phổ biến
Cân nhắc cho phép thi lấy bằng lái xe máy từ năm 16 tuổi
Theo luật sư Bình, tại Điều 60 Luật GTĐB năm 2008 quy định “Người đủ 16 tuổi trở lên được lái xe gắn máy có dung tích xi-lanh dưới 50 cm3”; “Người đủ 18 tuổi trở lên được lái xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh có dung tích xi-lanh từ 50 cm3 trở lên” với điều kiện sức khỏe phải đảm bảo và phải có giấy phép lái xe theo quy định.
Nghị định số 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi bổ sung một số điều tại Nghị định số 123/2021/NĐ-CP, ngày 28/12/2021 có hiệu lực ngày 01/01/2022 cũng quy định: Hành vi “Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy”, hình thức xử lý là phạt Cảnh cáo (tạm giữ xe tối đa đến 07 ngày làm việc), ngoài ra còn phạt chủ phương tiện từ 800 nghìn đến 2 triệu đồng với hành vi “Giao xe cho người không đủ điều kiện”.
Hành vi “Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi điều khiển xe mô tô có dung tích xi lanh từ 50 cm3 trở lên”, sẽ bị phạt tiền từ 400 - 600 nghìn đồng, (tạm giữ xe tối đa đến 07 ngày làm việc), đồng thời phạt chủ phương tiện từ 800 nghìn đồng đến 2 triệu đồng với hành vi “Giao xe cho người không đủ điều kiện”.
Tuy nhiên, chế tài này hiện nay vẫn còn quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Do đó, ngoài việc triển khai mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục cho thanh thiếu niên, học sinh về pháp luật nói chung, pháp luật liên quan đến ATGT, việc tăng cường tuần tra, phát hiện và xử lý, xử phạt nghiêm với hành vi nói trên của lực lượng chức năng là rất cần thiết. Thậm chí cần tăng chế tài xử phạt để tăng tính răn đe cho phụ huynh và học sinh.
TS Nguyễn Minh Hiếu, Trường Đại học GTVT cho biết, hầu hết lứa tuổi học sinh đều không trải qua một khóa học chuyên nghiệp và đầy đủ về cách sử dụng phương tiện gắn máy và lưu thông như thế nào để an toàn trên đường.
“Thanh, thiếu niên ở các nước phát triển được thi lấy bằng và điều khiển ô tô từ năm 16 tuổi. Do đó, các nhà làm luật tại Việt Nam cũng nên xem xét cho phép thi lấy bằng lái xe máy từ năm 16 tuổi và sau đó sử dụng xe máy một cách hợp pháp.
Theo cách này, thanh, thiếu niên phải trải qua một khóa học chuyên nghiệp, đồng thời họ cũng phải có trách nhiệm hơn (vì đã có bằng) đối với hành vi đi xe của mình. Đây cũng là cơ sở để lực lượng chức năng làm mạnh hơn, thậm chí tước GPLX và thu giữ phương tiện khi vi phạm giao thông”, TS. Hiếu nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, TS. Khương Kim Tạo, nguyên Phó chánh VP Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng, cơ quan quản lý nên nghiên cứu việc cấp chứng chỉ lái xe dành cho học sinh từ 16-18 tuổi. “Có thể xây dựng bộ câu hỏi và bài thi thực hành riêng, tập trung vào những kiến thức cơ bản, đơn giản phù hợp với lứa tuổi thanh, thiếu niên”, TS. Tạo nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận