Khu vực vòng xoay Mỹ Thủy hướng ra vào cảng Cát Lái được triển khai xây dựng cầu vượt và hầm chui nhằm giảm ùn tắc giao thông |
Hà Nội: Tăng cường tổ chức lại giao thông
Thống kê của Sở GTVT Hà Nội, từ đầu năm đến nay, toàn thành phố đã giảm được 10/44 điểm ùn tắc giao thông. Trong số này, nhiều điểm đã ùn tắc từ lâu, trở thành nỗi ám ảnh của người dân mỗi khi đi qua, nhất là vào giờ cao điểm: Nút giao Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến, Trần Duy Hưng - Phạm Hùng, nút giao Nguyễn Văn Cừ - Nguyễn Văn Linh - Ngô Gia Tự, tuyến đường Kim Mã - Trần Phú…
Chia sẻ về vấn đề này, Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội Hà Huy Quang cho biết, có hai nguyên nhân dẫn đến ùn tắc là hạ tầng giao thông đường bộ quá tải và ý thức của người tham gia giao thông kém. Vì thế, các cơ quan chức năng của Hà Nội đã tập trung nhiều giải pháp để khắc phục tình trạng này.
“Hiện, chúng tôi đang nỗ lực mở thông các nút giao thông chính trên địa bàn thành phố. Giai đoạn 2016 - 2020, Hà Nội sẽ tập trung tổ chức lại giao thông, đặc biệt là phân luồng giao thông, điều chỉnh giao thông ở khu vực nội thành, xem xét lại tuyến xe khách liên tỉnh đảm bảo giảm thiểu các tuyến đi trên khu vực ùn tắc”.
>>>Xem thêm video:
Ngoài ra, ông Quang cũng đề cập đến việc quản lý phương tiện, cụ thể là hạn chế phương tiện cá nhân theo lộ trình, song song việc phát triển phương tiện công cộng.
“Trước mắt, xe buýt sẽ là phương tiện phù hợp nhất trong điều kiện hiện nay, khi chưa thể phát triển được buýt nhanh và đường sắt đô thị”, ông Quang nói và nhấn mạnh, tới đây sẽ tiếp tục đổi mới xe buýt theo hướng thuận tiện, an toàn, thân thiện nhưng thời gian đi lại phải hợp lý. Người dân sẵn sàng chấp nhận bỏ thêm tiền để đi lại đúng giờ. Đến năm 2020, phấn đấu phải tăng xe buýt, đáp ứng 20 - 25% nhu cầu đi lại để có cơ sở giải quyết quản lý phương tiện giao thông.
TP.HCM: Lắp camera trên nhiều tuyến đường
Tại TP.HCM, trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Ngô Hải Đường, Trưởng phòng Quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ Sở GTVT TP.HCM cho biết, hiện thành phố có 26 điểm thường xuyên xảy ra ùn tắc, nhiều nhất tại các khu vực như: Nút giao thông Lăng Cha Cả, vòng xoay Nguyễn Thái Sơn, ngã tư Hàng Xanh, ngã tư Thủ Đức, khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, cảng Cát Lái…
“Để kéo giảm ùn tắc, Sở GTVT đã tổ chức phân luồng trên nhiều tuyến đường, nghiên cứu triển khai giải pháp xử lý 15 điểm và đang nghiên cứu giải pháp 6 điểm. Hiện, Sở GTVT đang nghiên cứu, giải quyết các điểm nóng như: Đường Nguyễn Tất Thành (Q 4) và giao lộ Quang Trung - Lê Văn Thọ (Q Gò Vấp). Nghiên cứu bố trí dừng chờ rẽ trái cho xe hai bánh và kết hợp tổ chức pha đèn hợp lý tại một số giao lộ có lưu lượng xe hai bánh rẽ trái lớn”, ông Đường nói.
Tại cảng Cát Lái, Sở GTVT đã đề nghị cảng này đẩy nhanh thủ tục ra vào cảng qua hệ thống điện tử. Hiện nay, các tài xế phải xuống xe vào tận nơi làm thủ tục, mỗi xe mất 10-15 phút dẫn đến các xe xếp hàng chờ nhau. Trước mắt, Sở GTVT lắp đặt thêm camera trên các tuyến đường ra vào cảng, thường xuyên điều chỉnh thời lượng đèn tín hiệu để phù hợp với tình hình thực tế.
Cũng theo lãnh đạo Sở GTVT TP.HCM, về lâu dài thành phố đã duyệt các dự án như mở rộng đường Nguyễn Thị Định (đoạn từ vòng xoay Mỹ Thủy đến phà Cát Lái), mở rộng cầu Mỹ Thủy, cầu Giồng Ông Tố 3, với số vốn dự kiến 1.000 tỷ đồng từ ngân sách TP. Bên cạnh đó, hàng loạt các dự án nhằm giảm kẹt xe ở cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất như xây cầu vượt bằng thép tại nút giao Trường Chinh - Cộng Hòa, mở rộng đường Tân Kỳ Tân Quý, mở rộng đường Trường Chinh với vốn đầu tư khoảng 3.000 tỷ đồng…
Không để xảy ra ùn tắc kéo dài trên 30 phút Liên quan đến ùn tắc giao thông tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM, mới đây, thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa đã ký báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự ATGT 9 tháng đầu năm 2016 và phương hướng, nhiệm vụ đảm bảo TTATGT 2017 trình Quốc hội. Báo cáo nêu rõ, 9 tháng đầu năm, xảy ra 34 vụ ùn tắc giao thông kéo dài, so với cùng kỳ năm 2015, giảm 63 vụ (giảm 64,95%). Nguyên nhân do TNGT là 15 vụ (44%), lưu lượng phương tiện tăng cao 10 vụ (30%), nguyên nhân khác (sự cố trên đường, xe lật, chết máy, mưa lớn...) 9 vụ (26%). Năm 2017, Chính phủ phấn đấu tiếp tục cải thiện tình trạng ùn tắc giao thông tại Hà Nội và TP HCM, không để xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài trên 30 phút. |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận