Quy định thắt dây an toàn khi đi xe ô tô đã được luật hóa tại Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ, vừa được Quốc hội thông qua. Tuy vậy, để quy định này đi vào cuộc sống còn rất nhiều việc phải làm.
Chỉ 20% người ngồi trên xe thắt dây an toàn
Vụ tai nạn giao thông xảy ra chiều 6/7 vừa qua trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai đoạn qua TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ giữa ô tô con và xe tải khiến anh Hà Tiến H (tài xế ô tô con) tử vong tại chỗ. Dù lưu thông trên cao tốc, song anh H không thắt dây an toàn.
Tại Việt Nam, tỷ lệ thắt dây an toàn trên xe ô tô con chỉ đạt dưới 20%.
Trước đó, chiều 13/4, ô tô khách do tài xế K (trú Bình Định) lưu thông trên quốc lộ 24 va chạm với một xe tải lưu thông hướng ngược lại. Hậu quả xe khách lật nghiêng, 1 người chết, 24 người bị thương.
Trên đây chỉ là hai trong số nhiều vụ tai nạn giao thông xảy ra để lại hậu quả nghiêm trọng có nguyên nhân từ việc người ngồi trên xe ô tô không thắt dây an toàn. Theo các chuyên gia, nếu tất cả người ngồi/nằm trên ô tô đều thắt dây an toàn, hậu quả sẽ không nghiêm trọng đến vậy.
PGS. TS Nguyễn Thành Công, Trường Đại học GTVT Hà Nội cho biết, dây an toàn giúp ngăn người ngồi trong xe bị đẩy ra khỏi xe khi va chạm hoặc nếu xe bị lật; không bị nhào người va đập về phía trước khi va chạm hoặc dừng xe đột ngột.
Ông Bùi Huynh Long, nguyên Chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cũng cho biết, thống kê của Tổ chức Y tế thế giới cho thấy thắt dây an toàn sẽ giảm 50% nguy cơ tử vong đối với người ngồi ghế trước, giảm 45% nguy cơ bị thương nghiêm trọng, giảm 75% nguy cơ tử vong và bị thương ở ghế sau nếu xảy ra tai nạn.
Phần lớn các quốc gia trên thế giới đều bắt buộc người lái và hành khách phải thắt dây an toàn. Tỷ lệ thắt dây an toàn cũng khác nhau với từng quốc gia, dao động từ 27 - 98%. Đối với hành khách ngồi ghế sau, tỷ lệ thắt dây an toàn dao động rất lớn từ 3 - 98%, với tỷ lệ trung bình dưới 80%.
Tại Việt Nam, tỷ lệ thắt dây an toàn trên xe ô tô con chỉ đạt dưới 20%. Trên xe khách, xe chạy trong đô thị, tỷ lệ này còn thấp hơn nữa.
Ngồi, nằm trên xe đều phải thắt dây an toàn
Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ có hiệu lực từ 1/1/2025 quy định: Người lái xe và người được chở trên xe ô tô phải thắt dây đai an toàn tại những chỗ có trang bị dây đai an toàn khi tham gia giao thông. Người lái xe, nhân viên phục vụ trên xe ô tô vận chuyển hành khách phải có trách nhiệm hướng dẫn sử dụng trang thiết bị an toàn trên xe.
Theo quy định, người điều khiển xe không thắt dây an toàn bị phạt từ 800.000 - 1.000.000 đồng, người được chở trên xe không thắt dây an toàn bị phạt từ 300.000 - 500.000 đồng. Mức phạt trên còn khá thấp. Với việc luật được ban hành, đây sẽ là cơ sở để xây dựng chế tài xử phạt đảm bảo tính răn đe.
Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng VP luật sư Tinh Thông Luật
Tại dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe ô tô đang được Bộ GTVT lấy ý kiến cũng quy định tất cả các ghế/giường nằm trên xe ô tô phải trang bị dây đai an toàn.
Trong đó, ghế lái phải trang bị dây đai an toàn loại 3 điểm trở lên. Các ghế khác phải trang bị dây đai an toàn tối thiểu loại 2 điểm.
Các quy định trên khi có hiệu lực cũng đồng nghĩa bắt buộc bất kỳ ai ngồi, nằm trên xe ô tô tham gia giao thông đều phải thắt dây an toàn.
Chuyên gia giao thông, TS Phan Lê Bình cho rằng, nếu quy định được thực thi nghiêm túc chắc chắn sẽ tránh được nhiều trường hợp bị thương tích nặng hoặc tử vong đáng tiếc sau va chạm, tai nạn.
Làm gì để thực hiện hiệu quả?
Lãnh đạo Đội CSGT số 9, Phòng CSGT Công an TP Hà Nội cho rằng, việc phát hiện lỗi không thắt dây an toàn bằng mắt thường gặp nhiều khó khăn do ô tô lưu thông với tốc độ cao. Chưa kể với các xe vận tải hành khách, khoang cabin thường được che chắn rất kỹ. "Để quy định thắt dây an toàn trên ô tô được thực hiện nghiêm túc, thường xuyên, hình thành thói quen giống như quy định đội mũ bảo hiểm cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Đây là một quá trình dài hơi nhưng cần phải thực hiện", lãnh đạo Đội CSGT số 9 nói.
Theo lãnh đạo một trạm CSGT ở địa phương, hiện mức phạt không thắt dây an toàn là 900.000 đồng, CSGT không thu trực tiếp mà phải lập biên bản, sau đó mới ra quyết định xử phạt. Điều này gây khó khăn trong quá trình xử lý. Chưa kể, nhiều trường hợp người vi phạm lấy lý do không mang giấy tờ cá nhân cũng khiến lực lượng chức năng rất khó lập biên bản.
"Do đó, cần có quy định cụ thể. Hiện nay, lực lượng chức năng vẫn tập trung tuyên truyền, nhắc nhở là chủ yếu", vị này nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN cho biết, đối với xe vận tải hành khách, trong quá trình di chuyển, nhân viên không thể kiểm soát và nhắc nhở liên tục việc chấp hành của hành khách. Do đó, quan trọng nhất vẫn là ý thức của mỗi người khi tham gia giao thông.
"Cần đổi mới hình thức tuyên truyền về ý nghĩa của việc thắt dây an toàn cũng như rủi ro, hậu quả", ông Quyền nói.
Theo GS. TS Từ Sỹ Sùa, giảng viên cao cấp Trường Đại học GTVT Hà Nội, để quy định thắt dây an toàn đi vào đời sống, cần có lộ trình để các xe cũ chưa trang bị đầy đủ dây an toàn ở các vị trí ghế ngồi, giường nằm có thời gian lắp đặt bổ sung.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận