Thời gian qua, tại nhiều tuyến đường trên địa bàn tỉnh Cà Mau như: Co Xáng – Cơi 5 – Đá Bạc, đường về trung tâm xã Trần Hợi, Khánh Bình Tây, Khánh Bình Tây Bắc, đường phòng hộ đê biển Tây, đường Tắc Thủ - Vàm Đá Bạc... xuất hiện nhiều vị trí sụt lún nghiêm trọng, gây ách tắc giao thông, khiến cho việc đi lại của người dân gặp rất nhiều khó khăn.
Vị trí sụt lún gần đây nhất, được ghi nhận vào lúc 22h20 ngày 7/4, tại lý trình Km 13+900 thuộc tuyến đường Co Xáng – Cơi 5 – Đá Bạc (cách cầu Co Xáng khoảng 300m về hướng cầu Cơi 5) xảy ra sụt lún hoàn toàn mặt đường với chiều dài khoảng 33m, chiều rộng khoảng 8m, độ sâu khoảng 1,5m. Rất may, sự cố không gây thiệt hại về người, còn về tài sản đang được các ngành chức năng thống kê cụ thể.
Trước đó, cũng trên tuyến đường này, xuất hiện 4 vị trí sụt lún tương tự tại lý trình Km 19+250; Km 16+600; Km 19+220; Km 19+00 (đã xảy ra vào các ngày 15/3, 22/3, 29/3 và 6/4). Trong đó, vụ sụt lún vào rạng sáng ngày 22/3 với chiều dài khoảng 50m, độ sâu 2,5m. Tại thời điểm sụt lún có 3 chiếc xe lưu thông, khiến 4 người bị trầy xước nhẹ. Vụ sụt lún này làm cho người dân cảm thấy bất an.
Nguyên nhân được ngành chức năng đánh giá bước đầu là do hiện nay vào mùa khô, đoạn tuyến đi qua các khu vực ngọt hóa, mực nước dưới kênh dọc tuyến đã cạn khô, trong khi lòng kênh sâu, dẫn đến mất ổn định nền đường, gây ra hiện tượng sụt lún nghiêm trọng.
Chị Nguyễn Thị Thúy (ngụ xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau) cho biết, thời gian gần đây, một số tuyến đường xuất hiện sụt lún nghiêm trọng, khiến cho người dân qua lại cũng cảm thấy bất an, dù các vị trí hư hỏng trước đó đã được cơ quan chức năng rào chắn cảnh báo 2 đầu.
“Sụt lún không chỉ xảy ra ban ngày mà còn cả vào ban đêm, khiến người dân đi lại cũng rất lo lắng. Một số vị trí trên tuyến Co Xáng – Cơi 5 – Đá Bạc, đường về trung tâm xã Trần Hợi cũng có xuất hiện những vết nứt dọc, rất nguy hiểm”, chị Thúy nói.
Còn anh Nguyễn Minh Hùng (ngụ xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau) cho biết, với thực trạng hạn hán kéo dài, có thể sẽ còn nhiều vị trí khác bị sụt lún, dù cơ quan chức năng đã hạn chế phương tiện có tải trọng lớn lưu thông, nhưng do có một số tuyến là đường giao thông huyết mạch, nên lưu lượng người và phương tiện tham gia giao thông là rất đông.
“Khi lưu thông trên một số tuyến đường đã xảy ra sụt lún, tôi cũng có chút lo lắng, và luôn chú ý đến biển cảnh báo của cơ quan chức năng tại một số vị trí có nguy cơ sụt lún tiếp tục.
Thậm chí để bảo đảm an toàn, tôi chịu khó đi đường vòng dù mất thêm chút thời gian, nhưng bảo đảm an toàn”, anh Hùng nói và lo lắng, khi mùa mưa bắt đầu tình trạng sạt lở, sụt lún sẽ phức tạp hơn, nên rất mong cơ quan chức năng sớm tìm ra giải pháp khắc phục kịp thời sụt lún để người dân đi lại được an tâm hơn, việc giao thương hàng hóa cũng thuận tiện.
Ông Lê Thành Huấn, Phó giám đốc Sở GTVT tỉnh Cà Mau cho biết, hiện tại, các vị trí sụt lún đã được Sở phối hợp với chính quyền địa phương bố trí rào chắn cảnh báo nguy hiểm. Đồng thời, cử người trực theo dõi và hướng dẫn xe hai bánh lưu thông qua vị trí bị sụt lún bằng cách đi đường vòng qua tuyến đường giao thông nông thôn (vị trí sụt lún).
Hiện nay, Sở GTVT cũng đã khẩn trương phối hợp với các ngành chức năng tiến hành rà soát, khảo sát các vị trí sụt lún và có nguy cơ sụt lún trên những tuyến đường do Sở quản lý. Đồng thời, có những đề xuất, kiến nghị xử lý kịp thời để bảo đảm cho người dân đi lại được an toàn, thuận tiện.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận