17h00 ngày 12/2, xe ô tô BKS 29A - 857.xx đang di chuyển hướng Hào Nam - Giảng Võ bất ngờ dừng đột ngột, tài xế vội mở cửa xe nhìn các tấm biển báo bên cạnh khiến hàng loạt các phương tiện đi phía sau hoảng hốt và bức xúc khi bị ngáng đường lưu thông, giao thông nhanh chóng ùn ứ trong khung giờ cao điểm.
Cùng hướng đường trên, sau khoảng 10 phút, một người đàn ông trung niên khi điều khiển chiếc xe máy BKS 35B2 - 453.xx cũng bất ngờ cho xe dừng lại dưới lòng đường và ngước lên các tấm biển báo giao thông gần đó để xác định lại hướng đi.
Chia sẻ nhanh với PV Báo Giao thông, các chủ phương tiện cho biết, tại nút giao Cát Linh - Giảng Võ hiện đang có biển báo cấm các phương tiện rẽ trái từ đường Hào Nam ra đường Giảng Võ. “Biển báo này được gắn, đồng nghĩa các phương tiện từ Hào Nam đi ra phải rẽ phải ra đường Cát Linh rồi quay trở về đường Giảng Võ để không vi phạm luật. Song 1/2 đường Cát Linh lại đang quây tôn để thi công nhà ga đường sắt trên cao. Do vậy, biển báo cấm rẽ trái đặt tại đây khiến người đi đường rất hoang mang, không biết đi cách nào cho đúng luật”, người đàn ông trung niên vừa chỉ tay vào tấm biển cấm vừa nói.
Trên đường Lê Đức Thọ, sau khi dự án xây dựng đường đua F1 cơ bản hoàn thành, Sở GTVT Hà Nội cũng cho cắm biển thông báo “Cấm xe ô tô khách, xe hợp đồng (trên 9 chỗ ngồi), xe buýt; xe tải (có khối lượng từ 500kg trở lên)”.
Tuy nhiên, khác với cột biển thông báo đầu đường Lê Quang Đạo được cắm ở vị trí thoáng đãng, các phương tiện có thể nhận biết từ xa, bảng biển tại nút giao Lê Đức Thọ - Trần Hữu Dực lại được “trồng” giữa các cây cao, tán rộng tại khu vực khách sạn Crown. Tại vị trí này, các phương tiện di chuyển từ hướng Hồ Tùng Mậu vào rất khó quan sát nội dung in trên biển cấm. Không ít lái xe rơi vào cảnh “dở khóc dở cười” khi bị lực lượng chức năng xử lý chỉ vì biển báo cấm đặt ở nơi khuất tầm nhìn.
Chuyên gia giao thông, TS. Nguyễn Hữu Đức cho rằng, công tác thiết lập biển báo giao thông tại các đô thị hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế và chưa kịp thời. Trong đó, hạn chế lớn nhất là việc lựa chọn vị trí, mật độ để phát huy hiệu quả của biển báo ở mức cao nhất. “Riêng địa bàn Hà Nội, ngoài tuyến đường Lê Đức Thọ, các biển báo tại dải phân cách gần vị trí điểm mở trên cung đường Láng Hạ cũng thường xuyên bị cành cây che khuất. Nguyên nhân một phần do hàng cây tạo cảnh quan được trồng với mật độ quá dày, quá trình lắp đặt biển báo cũng chưa chú trọng đến việc phong quang không gian xung quanh, cắt tỉa/loại bỏ cây cối để người dân nhận biết biển báo một cách dễ dàng nhất”, TS. Đức nói.
Tiếp nhận phản ảnh của PV, đại diện Phòng Quản lý Kết cấu hạ tầng (Sở GTVT Hà Nội) cho biết, sẽ sớm cử các tổ công tác rà soát, chấn chỉnh lại những nơi biển báo chưa được đặt hợp lý, đảm bảo hiệu quả trong công tác điều tiết, quản lý trật tự ATGT.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận