Phấn đấu giảm TNGT tối thiểu 10% trên cả 3 tiêu chí trong năm 2023
Sáng 9/2, Ủy ban ATGT Quốc gia tổ chức Hội nghị công tác đảm bảo TTATGT năm 2022, phương hướng nhiệm vụ năm 2023.
Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban ATGT Quốc gia, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng phát biểu khai mạc Hội nghị công tác đảm bảo TTATGT năm 2022, phương hướng nhiệm vụ năm 2023. Ảnh: Tạ Hải
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban ATGT Quốc gia, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết, năm 2022, tình hình dịch Covid-19 đã dần được kiểm soát, kinh tế - xã hội phục hồi và tăng trưởng trở lại.
Nhiều sự kiện chính trị, văn hóa thể thao có quy mô lớn được tổ chức, góp phần thúc đẩy hoạt động thương mại, du lịch và sự gia tăng mạnh mẽ của nhu cầu vận tải cũng như số lượng phương tiện tham gia giao thông. Điều này đã tạo áp lực lớn lên công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT).
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Uỷ ban ATGT Quốc gia, sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành, địa phương, công tác bảo đảm TTATGT đã có những kết quả rất đáng mừng.
TNGT giảm rất sâu cả 3 tiêu chí so với năm 2019 - trước khi xảy ra đại dịch Covid-19. Trong 7 ngày Tết Nguyên đán Quý Mão, TNGT cũng giảm so với cùng kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Đặc biệt, số vụ TNGT do người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn giảm sâu so với các năm trước.
“Nhân dân rất đồng tình việc xử lý quyết liệt các trường hợp vi phạm TTATGT vẫn tham gia giao thông”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh và bày tỏ sự đau xót khi cách đây chỉ vài ngày, trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã xảy ra vụ TNGT hết sức thương tâm do một nhóm thanh niên uống rượu bia sau đó tham gia giao thông đâm thẳng vào đầu ô tô khiến 4 nạn nhân tử vong đều ở độ tuổi thanh niên.
Từ đó, Bộ trưởng đề nghị các Bộ, ngành, địa phương không được chủ quan, lơ là, không được ngủ quên trong chiến thắng ban đầu, cần hết sức thận trọng và có giải pháp quyết liệt hơn để kiềm chế TNGT.
“Đặc biệt, trong năm nay, tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục có những chuyển biến tích cực, mức độ tham gia giao thông sẽ tăng cao, nếu không có giải pháp quyết liệt, nguy cơ xảy ra TNGT rất cao”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nói và đề ra mục tiêu phấn đấu giảm TNGT ít nhất 10% ở cả 3 tiêu chí trên mỗi địa phương và trên toàn quốc, đồng thời hướng tới mục tiêu giảm ùn tắc giao thông ở các đô thị lớn, các cửa ngõ ra, vào các tỉnh, thành phố lớn.
Tại Hội nghị, Bộ trưởng đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, cho ý kiến về một số vấn đề còn tồn tại hạn chế của năm 2022, đánh giá nguyên nhân, rút ra những bài học kinh nghiệm và đề ra những giải pháp khắc phục.
Đồng thời, cũng thảo luận, đề xuất những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng lực lượng, đặc thù kinh tế, văn hoá, xã hội của từng địa phương, nhằm thực hiện bằng được mục tiêu kéo giảm TNGT tối thiểu 10% trên cả 3 tiêu chí ở mỗi địa phương và toàn quốc, cũng như từng bước khắc phục ùn tắc giao thông đã đề ra.
Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Uỷ ban ATGT Quốc gia báo cáo tại Hội nghị. Ảnh: Tạ Hải
30 vụ TNGT đường bộ đặc biệt nghiêm trọng xảy ra năm 2022
Báo cáo tại hội nghị, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Uỷ ban ATGT Quốc gia cho biết, tính từ ngày 15/12/2021 đến 14/12/2022, toàn quốc xảy ra 11.457 vụ TNGT, làm chết 6.397 người, bị thương 7.804 người.
So với năm 2021, số vụ TNGT giảm 38 vụ (giảm 0,33%), tăng 598 người chết (tăng 10,31%), giảm 214 người bị thương (giảm 2,67%). Tuy nhiên nếu so sánh với năm 2019 (trước khi xảy ra COVID-19): số vụ TNGT giảm 6.216 vụ (giảm 35,2%), giảm 1.246 người chết (giảm 16,3%), giảm 5.841 người bị thương (giảm 42,81%).
Trong đó, đường bộ xảy ra 11.323 vụ, làm chết 6.265 người, bị thương 7.777 người. So với cùng kỳ năm trước giảm 41 vụ (giảm 0,36%), tăng 566 người chết (tăng 9,93%), giảm 224 người bị thương (giảm 2,8%). Trong đó, có 30 vụ đặc biệt nghiêm trọng, làm chết 97 người, bị thương 42 người.
Đường sắt xảy ra 95 vụ, làm chết 74 người, bị thương 21 người. So với cùng kỳ năm trước tăng 26 vụ (tăng 37,68%), tăng 20 người chết (tăng 37,04%), tăng 5 người bị thương (31,25%).
Đường thuỷ xảy ra 32 vụ TNGT, làm chết 45 người, bị thương 6 người. So với cùng kỳ năm trước giảm 21 vụ (giảm 39,62%), tăng 10 người chết (tăng 28,57%), tăng 5 người bị thương (500%).
Ở lĩnh vực hàng hải xảy ra 7 vụ TNGT, làm chết và mất tích 13 người. So với cùng kỳ năm trước giảm 2 vụ (giảm 22,22%), tăng 2 người chết và mất tích (18,18%), số người bị thương không thay đổi.
Phân tích nguyên nhân TNGT đường bộ cho thấy, có 14,56% do người điều khiển phương tiện vi phạm làn đường, phần đường; 7,93% do chuyển hướng không chú ý; 4,68% do vượt xe sai quy định; 3,22% do vi phạm tốc độ xe chạy; 2,02% do sử dụng rượu bia; 0,03% sử dụng ma túy, chất gây nghiện; 1,92% do người đi bộ qua đường không đúng quy định; 0,45% do dừng đỗ sai quy định; 0,09% do công trình giao thông đường bộ không đảm bảo an toàn; 0,09% do phương tiện không đảm bảo an toàn kỹ thuật, 31,85% nguyên nhân khác, 33,15% chưa xác định được nguyên nhân.
30 địa phương có số người chết do TNGT giảm
Thống kê cho thấy, có 30 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có số người chết do TNGT giảm so với cùng kỳ năm 2021, trong đó 11 địa phương giảm trên 10% là: Thái Bình, Thái Nguyên, Lai Châu, Quảng Ninh, Cà Mau, Lạng Sơn, Kon Tum, Quảng Bình, Hải Phòng, Nam Định, Nghệ An. Đặc biệt: Thái Bình, Thái Nguyên, Lai Châu, Quảng Ninh và Cà Mau giảm trên 20% số người chết do TNGT.
Tuy nhiên, có 31 địa phương có số người chết do TNGT tăng so với cùng kỳ 2021, trong đó có 10 tỉnh, thành phố có số người chết tăng trên 30% là: Thừa Thiên - Huế, Bạc Liêu, thành phố Hồ Chí Minh, Khánh Hòa, Sóc Trăng, Yên Bái, Cần Thơ, An Giang, Vĩnh Long, Bình Dương.
Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Uỷ ban ATGT Quốc gia cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác bảo đảm TTATGT trong năm 2022 vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: kỳ vọng liên tục kéo giảm TNGT qua các năm đến năm 2022 chưa đạt yêu cầu đề ra, còn xảy ra một số vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Vi phạm về hành lang ATGT đường sắt chưa được xử lý kịp thời. Tình trạng ô tô tải không thực hiện nghiêm quy định về xếp hàng hoá lên phương tiện, khiến cho hàng hoá bị rơi xuống đường, gây mất ATGT, tình trạng tụ tập, điều khiển xe thành đoàn, có dấu hiệu đua xe trái phép vẫn còn xảy ra tại một số địa phương. Tình hình ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn như Hà Nội và TP. HCM có xu hướng ngày càng gia tăng.
Nguyên nhân là do năm 2022, dịch Covid-19 được kiểm soát, hoạt động kinh tế - xã hội được phục hồi khiến tình hình TTATGT phức tạp hơn. Ý thức chấp hành các quy định pháp luật về TTATGT của một bộ phận người tham gia giao thông, lái xe và chủ doanh nghiệp còn yếu kém. Nguồn lực dành cho công tác bảo đảm TTATGT vẫn còn hạn chế; mặc dù có nỗ lực nhưng năng lực kết cấu hạ tầng và vận tải công cộng tại các đô thị lớn, nhất là Hà Nội và TP. HCM còn rất hạn chế so với nhu cầu đi lại.
Bên cạnh đó, công tác quản lý nhà nước trong các lĩnh vực liên quan tới bảo đảm TTATGT còn hạn chế, còn để xảy ra sai phạm nghiêm trọng tại một số trung tâm đăng kiểm. Cấp uỷ, chính quyền và lực lượng chức năng ở một số địa phương có nơi, có lúc còn chưa quyết liệt trong chỉ đạo và thực hiện nhiệm vụ bảo đảm TTATGT.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận