Theo Bộ GTVT, Luật Xử phạt vi phạm hành chính quy định: Việc tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề theo thủ tục hành chính chỉ được áp dụng trong trường hợp thật cần thiết.
Cụ thể, việc tạm giữ để xác minh tình tiết mà nếu không tạm giữ thì không có căn cứ ra quyết định xử phạt; Để ngăn chặn ngay hành vi vi phạm hành chính mà nếu không tạm giữ sẽ gây hậu quả nghiêm trọng cho xã hội; Để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt.
Cũng theo Luật này, với phương tiện giao thông vi phạm hành chính thuộc trường hợp bị tạm giữ để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, nếu tổ chức, cá nhân vi phạm có địa chỉ rõ ràng, có điều kiện bến bãi, bảo quản phương tiện hoặc khả năng tài chính đặt tiền bảo lãnh thì có thể được giữ phương tiện vi phạm dưới sự quản lý của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
"Như vậy, theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính, việc tạm giữ phương tiện giao thông vi phạm hành chính là biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính và chỉ áp dụng trong một số trường hợp cụ thể.
Tiếp thu ý kiến của cử tri, trong quá trình sửa đổi các Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông vận tải do Bộ GTVT chủ trì xây dựng, Bộ GTVT sẽ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các quy định về xử phạt vi phạm hành chính để đảm bảo xử lý nghiêm các hành vi vi phạm và không gây khó khăn cho người dân", Bộ GTVT nhấn mạnh.
Ngoài ra, Bộ GTVT cho biết thêm, ngày 27/6/2024, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Để triển khai Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Bộ Công an đang chủ trì xây dựng Nghị định, trong đó có các quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ, Bộ GTVT sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an để rà soát, hoàn thiện các quy định này, đảm bảo xử lý nghiêm các hành vi vi phạm và không gây khó khăn cho người dân.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận