Ngang nhiên vi phạm
Công ty CP Đường sắt Sài Gòn, đơn vị được giao bảo trì tuyến đường sắt qua địa phận tỉnh Bình Dương cho biết, từ cuối năm 2021 đến nay liên tiếp xảy ra các vụ vi phạm đất đường sắt tại TP Dĩ An, nhưng chưa được chính quyền địa phương xử lý triệt để.
Cụ thể, cuối tháng 12/2021, qua kiểm tra đã phát hiện tại Km001+300 - Km001+400 bên trái đường sắt theo hướng từ ga Dĩ An vào Nhà máy Xe lửa, có 5 hộ dân tự ý phá dỡ tường rào, xây dựng nhà, dựng hàng rào lưới B40, đổ bê tông sát mép ray ngoài đường sắt (thuộc nền đường không đào không đắp), chiều dài dọc theo đường sắt là 100m.
Các hộ dân tự ý cơi nới nhà ở lấn đất đường sắt tại Km001+300 - Km001+400 hướng vào Nhà máy Xe lửa Dĩ An, nhưng địa phương chưa xử lý dứt điểm
Các đơn vị đường sắt đã phối hợp với đội quản lý trật tự đô thị phường Dĩ An lập biên bản sự việc; báo cáo các cơ quan chức năng địa phương để xử lý.
Tháng 6/2022, đơn vị đường sắt sở tại lại phát hiện cũng trên nhánh đường sắt này, tại Km01+650 - Km01+800 các hộ dân tự ý xây dựng nhà trong phạm vi bảo vệ công trình và hành lang ATGT đường sắt, vị trí gần nhất cách mép ray ngoài cùng là 1,8m (thuộc nền đường không đào không đắp), chiều dài dọc theo đường sắt là 150m, diện tích vi phạm 1.020m2.
Cung cầu đường Sóng Thần đã có giấy trình báo gửi UBND phường Dĩ An về vụ vi phạm này và đề nghị chính quyền địa phương đình chỉ ngay việc thi công, khôi phục lại nguyên trạng mặt bằng như ban đầu. Tuy nhiên, vụ vi phạm vẫn chưa được giải quyết, người dân vẫn tiếp tục xây dựng công trình lấn chiếm.
Khi những vi phạm cũ chưa được giải quyết xong, ngay tháng 7/2022, đường sắt lại phát hiện vụ vi phạm khác trên cùng địa bàn, tại lý trình Km01+360 - Km01+390. Người dân đã san ủi mặt bằng, vị trí gần nhất cách mép ray ngoài cùng là 0,5m, chiều dài dọc theo đường sắt là 30m, diện tích vi phạm là 273m2.
“Việc người dân tự ý lấn chiếm đất dành cho đường sắt san ủi mặt bằng, xây dựng công trình trong phạm vi bảo vệ công trình và hành lang ATGT đường sắt đã vi phạm Nghị định số 56 của Chính phủ về quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường sắt.
Theo Điều 37 của Nghị định số 56, trách nhiệm của việc quản lý, bảo vệ, thực hiện các biện pháp ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi lấn chiếm đất dành cho đường sắt thuộc về UBND xã, phường. Vì thế, khi phát hiện vụ việc đơn vị đường sắt đều báo chính quyền địa phương các cấp để phối hợp xử lý theo luật định. Tuy nhiên đến nay, các vụ vi phạm vẫn chưa được xử lý dứt điểm”, đại diện Công ty CP Đường sắt Sài Gòn cho hay.
Đề nghị kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu cấp phường
Cục Đường sắt VN cho biết, các vụ việc người dân địa phương tự ý phá dỡ tường rào, cơi nới, xây dựng công trình nhà ở tại Dĩ An với chiều dài vi phạm dọc theo đường sắt 280m, diện tích vi phạm khoảng 1.973m2, đã vi phạm nghiêm trọng vào phạm vi bảo vệ công trình và hành lang ATGT đường sắt quốc gia.
Người dân tự ý san ủi mặt bằng trên đất hành lang đường sắt ở Dĩ An (Bình Dương)
Vì vậy, vừa qua Cục Đường sắt VN đã có văn bản gửi tỉnh Bình Dương đề nghị chỉ đạo UBND TP Dĩ An khẩn trương có biện pháp vận động, yêu cầu các hộ gia đình có công trình vi phạm tự giác tháo dỡ, tổ chức giải tỏa công trình vi phạm, hoàn trả trạng thái ban đầu hành lang ATGT đường sắt.
Cùng đó tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật đường sắt, đặc biệt chú trọng tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật về TTATGT đường sắt đối với các tổ chức, cá nhân trên địa bàn để nâng cao hiểu biết pháp luật và nghiêm chỉnh chấp hành. Khi cấp đất cho chủ doanh nghiệp và người dân cần tính đến phương án đảm bảo ATGT đường sắt theo quy định.
“Xem xét kiểm điểm, chấn chỉnh về trách nhiệm người đứng đầu (cấp phường) để xảy ra tình trạng vi phạm đất dành cho đường sắt theo quy định tại Điều 37 Nghị định số 56 và quy định khác liên quan”, Cục Đường sắt VN đề nghị.
Nhằm nâng cao hiệu quả công tác đảm bảo ATGT đường sắt trên địa bàn tỉnh Bình Dương, Cục Đường sắt VN cũng yêu cầu TCT Đường sắt VN khẩn trương rà soát, củng cố hồ sơ các vụ việc vi phạm đất dành cho đường sắt địa bàn tỉnh và lập kế hoạch phối hợp với chính quyền địa phương, đơn vị chức năng xử lý, giải quyết ngăn chặn vi phạm đang có nguy cơ lan rộng.
Đồng thời chủ động phối hợp chặt chẽ với các địa phương nơi có đường sắt đi qua để xác định ranh giới đất dành cho đường sắt, khẩn trương kiện toàn hồ sơ pháp lý về đất dành cho đường sắt...
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận