Hàng loạt xe không đăng ký tuyến, vô tư đón trả khách ở các khu vực xung quanh bến xe trung tâm TP Quy Nhơn (Bình Định) khiến hoạt động vận tải ở đây diễn ra lộn xộn, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn.
Xe chạy “chui” ngang nhiên lập bến cóc đón khách
Những ngày cuối tháng 7/2019, PV Báo Giao thông liên tục có mặt tại khu vực xung quanh bến xe trung tâm TP Quy Nhơn ghi nhận tình trạng nhiều hãng xe vô tư lập bến cóc để đón trả khách.
Cụ thể, chiều 30/7, trong vai hành khách, PV gọi vào số điện thoại 0982006xxx của nhà xe Nhân Dung để đặt vé từ Quy Nhơn đi Bồng Sơn (huyện Hoài Nhơn). Đầu dây bên kia, một người đàn ông yêu cầu PV đến nhanh cửa hàng xăng dầu Quân Đội trước bến xe trung tâm vì xe sắp xuất bến. PV yêu cầu vào bến nhưng người này nói xe đang ở phía trước, không vào bến đón khách.
Sở GTVT Bình Định cho biết, vừa qua đơn vị này đã đình chỉ khai thác tuyến 1 tháng đối với Công ty TNHH DV TM Minh Tân tuyến Hoài Ân - Quy Nhơn do thực hiện dưới 70% số chuyến/tháng theo biểu đồ đã được phê duyệt. Đồng thời, yêu cầu đơn vị này nộp phù hiệu 3 phương tiện BKS 77B-015.42, 77B-020.63 và 77B-020.10 cho Sở GTVT Bình Định.
Khi đến cửa hàng xăng dầu Quân Đội, xe mang logo Nhân Dung BKS 77B-004.49 đã đợi sẵn ở đó. Phụ xe đang hối hả chất đầy hàng hóa khách gửi, còn tài xế liên tục hối thúc hành khách lên xe. 15h, chiếc xe chuyển bánh, trên xe lúc này còn có 3 hành khách khác.
Đi được một đoạn ngắn khoảng 200m, đến trạm xe buýt trên đường Tây Sơn (khu vực trước UBND phường Quang Trung), phụ xe nhảy xuống và chèo kéo khách đứng chờ xe buýt. Sau khi bắt được thêm một khách và nhận thêm nhiều hàng hóa cồng kềnh, xe này tiếp tục đi chậm theo tuyến đường Tây Sơn. Tuy nhiên, chiếc xe chưa đi thẳng mà tiếp tục qua bên kia đường, quần đảo nhiều vòng trên tuyến đường Tây Sơn để tìm khách rồi mới di chuyển về hướng Bồng Sơn.
Trên suốt hành trình, xe này liên tục nhấn còi, phụ xe vẫy bắt khách. Đến chân cầu Bà Di, nút giao giữa tuyến QL19 với QL1 có lưu lượng phương tiện tham gia giao thông cao, xe này đứng dưới chân cầu bắt khách gây nên cảnh hỗn loạn. Sau khi đón thêm được 3 hành khách nữa, xe này xuôi chậm về hướng Bồng Sơn. PV được trả ở khu vực xã Hoài Đức (huyện Hoài Nhơn) với giá 50 nghìn đồng.
Trước đó, chiều 26/7, trên hành trình tương tự PV cũng được xe BKS 77B-016.68 mang logo Hữu Kiệm đón tại cửa hàng xăng dầu Quân Đội. Theo quan sát, ở cây xăng này có rất nhiều các phương tiện chọn để làm “bến” riêng như: Bảy Lòng, Hưng Phú… dù cây xăng này cách bến xe trung tâm không xa.
Tìm hiểu của PV, ngoài cửa hàng xăng dầu Quân Đội nằm ở cửa ngõ ra - vào TP Quy Nhơn được hầu hết các xe chạy “chui“ lựa chọn làm bến cóc, khu vực cây xăng Phương Linh bên cạnh bến xe trung tâm cũng được nhiều hãng xe như Thúy Hường (Công ty TNHH TM VT Minh Tân) lựa chọn làm điểm đỗ của mình để đón trả khách. Khoảng 14h50 ngày 30/7, PV có mặt tại đây, ghi nhận phương tiện BKS 77B-023.69 mang logo Thúy Hường đứng đón khách ở cây xăng Phương Linh, sau đó quần đảo nhiều vòng rồi hướng về huyện Hoài Ân.
Đáng nói, tìm hiểu của PV, các phương tiện BKS 77B-004.49 của nhà xe Nhân Dung hay 77B-023.69 (Công ty Minh Tân) không đăng ký tuyến cố định và không nằm trong danh sách quản lý của cơ quan chức năng.
Hàng trăm đơn vị vận tải vi phạm
Ông Nguyễn Đức Nhân, Giám đốc bến xe trung tâm Quy Nhơn (Công ty CP Bến xe Bình Định) cho biết, tình trạng xe chạy trá hình dưới danh nghĩa xe hợp đồng cũng như xe chạy “chui” và nạn xe cố định bỏ bến chạy dù tại Bình Định là vấn đề đáng báo động. Theo thống kê, trong tháng 6/2019, có đến hàng trăm đơn vị vận tải vi phạm việc đăng ký tuyến cố định tại bến xe trung tâm TP Quy Nhơn nhưng không ra - vào bến đón khách cũng như không thực hiện được 70% số chuyến đã đăng ký. Trong đó, có thể kể đến các phương tiện như: 79B-014.44 của HTX Vận tải Hòa Bình đăng ký tuyến Nha Trang - Quy Nhơn; 76B-005.09 của HTX DV vận tải miền Trung đăng ký tuyến Quảng Ngãi - Quy Nhơn với tần suất 30 chuyến/tháng nhưng không vào bến ngày nào.
“Từ đầu năm 2019 đến nay, tình trạng xe bỏ bến chạy dù diễn ra khá phức tạp, kéo theo vấn nạn bến cóc, mất trật tự vận tải, mất trật tự ATGT, tạo sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các đơn vị vận tải với nhau. Bình quân mỗi tháng có hàng trăm phương tiện của các đơn vị không vào bến gây ảnh hưởng đến ngân sách Nhà nước”, ông Nhân nói.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Quả, Chánh thanh tra Sở GTVT Bình Định cho biết, thời gian qua, đơn vị cũng đã tổ chức các đợt kiểm tra, xử lý. Tuy nhiên, khó khăn ở đây là lực lượng của thanh tra sở chỉ kiểm tra được các phương tiện đang đậu đỗ, còn khi các phương tiện lưu thông trên đường trách nhiệm thuộc về CSGT.
“Chúng tôi đã phối hợp mở các đợt kiểm tra, xử lý xe vi phạm. Ngoài ra, thông qua thiết bị giám sát hành trình đã xử lý nhiều phương tiện chạy sai tuyến, bỏ bến chạy dù. Đồng thời, có kiến nghị lên Sở GTVT xử lý theo quy định. Nặng nhất là tước phù hiệu phương tiện. Tuy nhiên, do lực lượng mỏng, các xe vi phạm đều cảnh giác với lực lượng chức năng nên việc xử lý phương tiện này gặp rất nhiều khó khăn”, ông Quả nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận