Xe chở gỗ cố thủ trên Quốc lộ 14C |
Những ngày gần đây, sau khi lực lượng TTGT tỉnh Gia Lai chốt chặn trên QL14C (H. Đức Cơ, T. Gia Lai) nhiều xe chở gỗ quá tải, quá khổ "cố thủ" không dám ra đường.
Cố thủ khi gặp tổ liên ngành
Tối ngày 15, rạng sáng 16/4, PV Báo Giao thông tiếp tục chuyến khảo sát trên QL14C đoạn xã Ia Nan (H. Đức Cơ, T. Gia Lai) phát hiện 9 xe chở gỗ “khủng” đậu trong các lô cao su né tránh lực lượng tổ liên ngành TTGT (Sở GTVT Gia Lai và Chi cục Quản lý Đường bộ III.4, Cục Đường bộ III).
Các vị trí tổ công tác liên ngành của lực lượng TTGT thì có tới 9 chiếc xe chở gỗ với số lượng lớn. Tại đây, các tài xế xe contener này còn mắc võng, dựng dụng cụ nấu ăn. PV có phỏng vấn một vài tài xế thì được biết, gỗ do doanh nghiệp bốc lên và “ép” chở ra ngoài để về các bãi tập kết tại huyện Chư Prông, Pleiku.
Ông Đoàn Đức Mạnh, Phó Chánh TTGT, Sở GTVT tỉnh Gia Lai cho biết, sau khi Báo Giao thông đăng tải bài “Gia Lai: Bùng phát xe chở gỗ quá khổ, quá tải”, đăng tải ngày 12/4, nêu tình hình xe chở gỗ quá tải trên địa bàn Đức Cơ, Sở GTVT đã chỉ đạo lực lượng thanh tra chuyên ngành phối hợp với Cục Quản lý đường Bộ III.4 tổ chức chốt chặn trên QL14C đoạn qua xã Ia Nan để kiểm soát xe quá tải. Sau nhiều ngày chốt chặn, nhiều tài xế chở gỗ không dám điều khiển phương tiện ra đường vì sợ bị phạt. Lực lượng TTGT yêu cầu doanh nghiệp hạ tải mới được phép lưu thông trên quốc lộ.
“Tuyến đường từ cửa khẩu phụ ra đến QL14C hoàn toàn đường đất, chạy dọc các lô cao su của địa phương. Xe chở gỗ sau khi thấy TTGT chốt chặn trên QL 14C đã cho xe dừng ở trong lô cao su khoảng 200m. Từ ngày 11- 18/4, thấy lực lượng chức năng vẫn chốt chặn không cho xe quá tải, quá khổ ra ngoài thì các doanh nghiệp này đã điều xe từ vị trí khác vào để sang tải”. Cũng chỉ sau 6 ngày tổ công tác đã phát hiện 18 xe vi phạm, xử phạt gần 500 triệu đồng và buộc tước 14 giấy phép lái xe (GPLX). Lỗi vi phạm chủ yếu là vượt quá trọng tải cho phép được ghi trong giấy chứng nhận kiểm định An toàn kỹ thuật và Bảo vệ môi trường (ATKT-BVMT) từ 10 đến hơn 150%; chở hàng vượt quá chiều cao xếp hàng đối với ô tô tải.
Báo Giao thông ghi lại hình ảnh xe chở gỗ quá tải cố thủ trên QL14C
Côn đồ hù doạ TTGT
Trong một diễn biến khác liên quan đến xử lý xe quá tải chở gỗ trên Quốc lộ, ông Nguyễn Đăng Hưng, Chánh TTGT, Sở GTVT tỉnh Gia Lai cho biết, thời gian gần đây lực lượng TTGT thường phải chịu nhiều áp lực trong quá trình giải quyết.
Cụ thể, các đối tượng này ban đầu năn nỉ không xử phạt, khi không chấp nhận thì chuyển sang chửi bới, mạt sát những cán bộ đang xử lý”. Đặc biệt, đêm ngày 14/4, chiếc xe BKS: 81C-016.46 kéo rơmoóc BKS: 81R- 005.77 do lái xe Cao Bá Anh điều khiển chở gỗ nghi quá tải đang lưu thông trên đường Hồ Chí Minh theo hướng Gia Lai – Đắk Lắk. Khi chiếc xe này đang lưu thông đến đoạn đầu huyện Chư Sê (Gia Lai) thì bị TTGT phát hiện yêu cầu cân tải trọng. Qua cân, lực lượng chức năng xử phạt tài xế Anh và doanh nghiệp tư nhân Quang Ẩn 84,4 triệu đồng vì vi phạm như: quá tải hàng hoá 103,8%; quá tải cầu đường 56,7%.
“Trong quá trình xử lý, tài xế và chủ doanh nghiệp cố tình không chịu chấp hành để lực lượng chức năng xử phạt. Một vụ xử phạt như trên phải kéo dài khoảng 4h đồng hồ. Đặc biệt, trong lúc đang xử lý xe quá khổ này thì có một đối tượng côn đồ xông vào núm cổ áo của tôi nhằm cố tình gây chuyện, doạ dẫm. Tuy nhiên, việc nghiêm khắc xử phạt vẫn được tiến hành, tài xế, doanh nghiệp sau đó phải ký vào biên bản xử lý vi phạm”, ông Hưng nói.
"Do khu vực các bãi gỗ chuyển từ biên giới Campuchia về Việt Nam thuộc địa phận của lực lượng Quân đội Biên phòng quản lý và đây cũng là vùng cấm. Vậy nên, việc kiểm tra bốc xếp gỗ tại chỗ là rất khó". Ông Đoàn Đức Mạnh, Phó Chánh TTGT, Sở GTVT tỉnh Gia Lai |
Liên quan đến việc kiểm soát tải trọng trên, trao đổi với Báo Giao thông, ông Đoàn Hữu Dũng, Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính - Vận tải Sở GTVT tỉnh Gia Lai cho biết, trong sáng ngày 17/4 đã đề nghị TTGT cung cấp số liệu kết quả xử phạt xe quá khổ, quá tải trọng thời gian qua. Trước đây, khi cấp giấy phép kinh doanh vận tải, Sở có yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh vận tải ký cam kết không vi phạm quá tải, quá khổ. Nay căn cứ theo số liệu mà có hình thức xử lý về mặt quản lý doanh nghiệp đúng theo qui định của điều 23, Nghị định 86/2014 của Chính phủ ban hành.
“Sắp tới chúng tôi sẽ căn cứ trên kết quả rà soát, phát đi thông điệp chấn chỉnh tình hình doanh nghiệp có phương tiện vi phạm về tải trọng. Sau đó, sẽ tiến hành rà soát lại theo Điều 23 (Nghị định số 86 của Chính phủ ban hành ngày 10/9/2014) để có biện pháp mạnh tay đối với doanh nghiệp cố tình vi phạm. Nếu trường hợp doanh nghiệp có số lượng vi phạm lớn có thể bị tước Giấy phép kinh doanh đối với lĩnh vực kinh doanh vận tải do Sở cấp phép.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận