Nhiều bến đò khi có lực lượng thanh tra đường thủy, người đi đò mới được phát và hướng dẫn sử dụng áo phao, dụng cụ nổi cứu sinh |
Bến không phép vẫn ngang nhiên hoạt động
Phổ biến nhất là tình trạng người vận hành, thuyền viên trên phương tiện không chấp hành việc phát, hướng dẫn người đi đò sử dụng áo phao, phao cứu sinh. Đáng nói hơn, một số bến như: Lĩnh Nam - Kim Lan (phường Trần Phú, quận Hoàng Mai), Trần Phú - Văn Đức (Gia Lâm)… đã được ngành chức năng phát tặng dụng cụ nổi cứu sinh, nhưng những người vận hành phương tiện không tự giác phát cho khách đi đò mà chỉ phát đối phó khi lực lượng Thanh tra đường thủy xuất hiện.
Nghiêm trọng hơn, một số bến đò còn cố ý vi phạm các quy định liên quan đến đăng kiểm phương tiện và người lái. Tại bến Lĩnh Nam - Kim Lan, theo số liệu đăng ký, chỉ có một phương tiện nhưng “thường trực” có tới 3 - 4 phương tiện neo đậu và không có chứng nhận kiểm định. Đội Thanh tra đường thủy số 2 mới đây đã phát hiện, xử phạt hành chính một phương tiện không đăng kiểm, người lái không có chứng chỉ chuyên môn nhưng vẫn tham gia chở khách.
"Hầu hết chủ bến, người lái phương tiện chở khách ngang sông vẫn chưa thực sự ý thức tự giác trong việc chấp hành quy định phát, hướng dẫn khách sử dụng áo phao, dụng cụ nổi cứu sinh. Phần lớn chỉ thực hiện khi có sự xuất hiện của lực lượng thanh tra giao thông. Ngoài lực lượng thanh tra đường thủy, rất cần Ban ATGT TP Hà Nội tổ chức chuyên đề tuyên truyền về nội dung trên”. Ông Trần Văn Khiết |
Ông Trần Văn Khiết, Đội trưởng Đội Thanh tra đường thủy số 2 cho biết, ngoài trường hợp trên, từ tháng 6/2016 đến nay, Đội đã phát hiện, xử phạt ba bến có phép khác trên sông Hồng để xảy ra vi phạm người lái không có chứng chỉ chuyên môn phù hợp, thiếu trang thiết bị cứu sinh, lắp đặt báo hiệu không đúng quy cách… Trong đó, trường hợp nặng nhất bị xử phạt tới 7 triệu đồng.
Nghiêm trọng hơn, hiện trên địa bàn Hà Nội còn 6/28 bến (22%) chưa có phép nhưng vẫn ngang nhiên hoạt động, trong đó có hai bến trên sông Hồng. Đó là các bến thuộc địa bàn xã Liên Trung và Trung Châu (huyện Đan Phượng) chuyên chở người ra bãi nổi giữa sông, nhưng không có giấy phép mở bến, 2 phương tiện đã quá hạn kiểm định, người lái không có chứng chỉ chuyên môn.
“Thanh tra giao thông đã làm việc với chính quyền địa phương, lập biên bản đình chỉ hoạt động bến, phương tiện. Chi cục Đường thủy nội địa phía Bắc cũng đã có văn bản đề nghị UBND và Ban ATGT TP Hà Nội chỉ đạo đơn vị, lực lượng chức năng địa phương kiên quyết giải tỏa các bến trên để phòng ngừa TNGT”, ông Khiết nói và cho biết thêm, để ngăn chặn hoạt động bến đò tại xã Trung Châu, Chi cục Đường thủy nội địa phía Bắc, thậm chí còn phải điều tàu công tác đến để canh giữ.
Nỗi lo đò… chung
Đằng sau những nguy cơ hiện hữu gây mất ATGT, hoạt động đò ngang tại Hà Nội vẫn còn nhiều đáng lo ngại khác do việc khai thác chung. Tại các bến đò trọng điểm như Kim Lan, Văn Đức… mỗi bến có tới vài chục hộ gia đình chung nhau khai thác và điều này phần nào khiến việc đưa bến đò vào nền nếp khá khó khăn.
Tại bến đò Kim Lan, PV Báo Giao thông ghi nhận hàng chục gia đình khai thác chung một chiếc đò. Theo ông Tuấn chủ bến đò, đây là bến được giao chung cho vài chục hộ gia đình trên bờ nên việc khai thác đò được luân phiên, việc thu xếp người do gia đình tự chịu trách nhiệm.
Tương tự, tại bến đò Văn Đức, một bến đò nhưng có tới 71 hộ gia đình chung nhau khai thác, với tổng số 7 chiếc đò. Ông Nguyễn Văn Hậu, trưởng bến cho biết, 71 hộ được chia thành 6 tổ và mỗi tổ khai thác quay vòng (mỗi năm bến đò nộp cho ngân sách xã vài chục triệu đồng). Những người vận hành bến, phương tiện ở đây đều khẳng định do có kinh nghiệm sông nước nên nhiều năm qua các bến đều hoạt động an toàn.
Tuy nhiên, thực tế là hầu hết các bến chưa tự giác thực hiện quy định phát, hướng dẫn khách mặc áo phao; còn để phương tiện hết hạn đăng kiểm hoạt động, người không đủ điều kiện lái phương tiện…
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận