Những cứ địa bất khả xâm phạm
Những ngày trung tuần tháng 7/2019, PV Báo Giao thông trực tiếp thực tế thực trạng xe dù, bến cóc, nhất là tại khu vực gần bến xe Miền Đông (quận Bình Thạnh). Ngay góc đường Phạm Văn Đồng, giao với QL13, là bến cóc của nhà xe Hoàng Long (núp bóng bãi hậu cần - theo giấy phép kinh doanh do Sở KH-ĐT TP HCM cấp) hoạt động khá rầm rộ. Tại đây, nhà xe này vô tư tổ chức lên xuống hàng hóa, bắt khách nườm nượp, gây ùn ứ và tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT.
Cùng đó, 2 bến cóc 391, 397 đường Đinh Bộ Lĩnh (phường 26, quận Bình Thạnh) hoạt động đón trả khách không khác bến xe Miền Đông. Các bến cóc này đã tồn tại hàng chục năm nay nhưng không những không bị dẹp bỏ mà ngày càng hoạt động tấp nập hơn. Thậm chí, bãi 391 còn lập trang mạng có tên: “bến xe Bảo Trân - 391 - Đinh Bộ Lĩnh”… để quảng bá thương hiệu.
Trong khi đó, một bến cóc ở số 13, đường Nguyễn Xí, quận Bình Thạnh - cũng tồn tại nhiều năm nay thường xuyên có các xe biển số tỉnh Bình Định vào - ra đón trả khách. Hiện nay, 2 nhà xe Thanh Thương và Hoa Nho (xe trên 42 chỗ ngồi, BKS 77…) thường xuyên lên xuống hàng và chờ khách ở đây.
Khu vực quận 5 và quận 10, ghi nhận của PV, các tuyến đường Hùng Vương, Trần Nhân Tôn, Trần Phú, Nguyễn Chí Thanh, Lê Hồng Phong… cũng khá nhức nhối nạn xe dù, bến cóc, xe trá hình ngang nhiên hoạt động. Sáng 11/7, PV ghi nhận, các xe 16 chỗ, xe Limousine của nhà xe Vân Chính, Thiên Phát Đạt án ngữ dưới lòng đường, ngay gần giao lộ Vĩnh Viễn - Trần Nhân Tôn nhiều giờ nhưng không hề thấy lực lượng chức năng có mặt xử lý.
Cách đó không xa, tại góc đường Nguyễn Chí Thanh, 2 xe 29 chỗ của nhà xe Kim Hoàng nằm chờ ăn khách. Tại góc đường Sư Vạn Hạnh - Hùng Vương, nhà xe Thịnh Phát ngang nhiên đưa 2 xe 16 chỗ vào trụ sở văn phòng đợi khách. Trong khi đó, xe Kim Mạnh Hùng (24 chỗ) liên tục lượn lờ trên các tuyến đường Trần Phú, Hùng Vương tìm kiếm, chèo kéo khách…
Tại quận 1, khoảng 10h sáng cùng ngày, PV bắt gặp xe Tâm Hạnh (loại trên 40 chỗ) đang lên khách ngay tại góc đường Phạm Ngũ Lão - Đề Thám. Cùng đó, trên tuyến đường Phó Đức Chính, có tới 3 xe Hoa Mai, 3 xe Toàn Thắng và xe Huy Hoàng (gồm cả xe 16 chỗ và Limousine, chạy tuyến Vũng Tàu - TP.HCM) nằm đợi khách. Nhà xe Toàn Thắng còn đưa xe 16 chỗ vào trụ sở ở đường Nguyễn Thái Bình (tuyến đường cấm) để đón khách, thời điểm PV ghi nhận là khoảng 10h30, xe Toàn Thắng BKS 72B-019.15.
Ở khu vực trước cổng khu du lịch Suối Tiên (quận 9), các nhà xe Phương Thủy, Toàn Thắng, Cúc Tùng, Vân Chính… cũng thi nhau vớt khách nơi cấm dừng, cấm đỗ…
Xe trá hình lộng hành
Tại TP HCM có những nhà xe đăng ký loại hình xe hợp đồng nhưng thực chất là xe khách “trá hình” chạy với số lượng lên tới cả 100 chuyến/ngày gây bức xúc dư luận. Chị Lê Thị Lý, nhà ở TP Vũng Tàu cho biết: “Do công việc phải thường xuyên đi lại giữa Vũng Tàu - TP.HCM nên tôi thường đi xe Toàn Thắng nhưng xe này không bao giờ vào bến và khi lên xe nhà xe mới thu tiền.
Được biết, địa chỉ 23 Nguyễn Thái Bình (quận 1) là một trong số các chi nhánh của nhà xe Toàn Thắng chạy tuyến cố định TP.HCM - Vũng Tàu. Một nhân viên cho biết: “Mỗi ngày nhà xe bắt đầu chạy từ 4h30 sáng đến hơn 21h30 hết chuyến. Ở khung giờ này cứ 5-10 phút là có một chuyến. Xe VIP 9 chỗ giá 150.000 đồng và xe thường 15 chỗ giá 100.000 đồng”.
Cũng tại khu vực này còn có nhà xe Hoa Mai chạy tuyến cố định từ TP.HCM - Vũng Tàu mà báo chí đã phản ánh nhiều lần tình trạng chạy xe hợp đồng trá hình xe khách, thu tiền trực tiếp trên xe nhưng… không xuất vé cho hành khách. Theo phản ánh của người dân xe VIP và xe 15 - 16 chỗ của Toàn Thắng, Hoa Mai hàng ngày đậu, dừng đỗ đón khách tấp nập, chật kín ngay trên lòng đường dù đã từng bị TTGT xử phạt nhiều lần.
Trao đổi với PV, ông Trần Quốc Khánh, Chánh thanh tra Sở GTVT TP.HCM cho biết, việc kiểm tra, xử lý các nhà xe kể trên thường chỉ xử lý được các hành vi về dừng, đỗ không đúng quy định, vì hầu hết các trường hợp đều xuất trình được “hợp đồng vận chuyển”.
“Thậm chí, các đơn vị kinh doanh vận tải (những công ty kinh doanh xe hợp đồng trá hình - PV) thường cho người cảnh giới, khi phát hiện có lực lượng chức năng thì thông báo không cho xe vào tổ chức đón, trả khách, khi lực lượng chức năng rút thì tổ chức hoạt động trở lại. Hoặc khi có lực lượng chức năng thì đưa xe vào trong nhà, trong khu vực khuôn viên doanh nghiệp, trong các đường nội bộ để lên, xuống khách, mà lực lượng chức năng không thể kiểm tra theo thẩm quyền. Đối với các khu vực, tuyến đường nóng thì Thanh tra Sở có thể chốt chặn trong một khoảng thời gian nhất định, nhưng không đủ lực lượng để chốt chặn hết tất cả các khu vực, tuyến đường trên địa bàn thành phố”, ông Khánh lý giải.
Trung tá Nguyễn Văn Bình, Đội trưởng Đội Tham mưu Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt (PC08) Công an TP HCM cho hay, Công an thành phố vẫn thường xuyên kiểm tra, xử phạt về trật tự ATGT. Số lượng xử phạt đối với các xe vi phạm cũng không hề nhỏ. Công an TP cũng có những đội chuyên đi ghi hình vi phạm, nếu phát hiện sai phạm, trích xuất hình ảnh từ camera giao thông sau đó gọi chủ phương tiện lên để xác định sai phạm và xử lý.
Quận phải chịu trách nhiệm
Trước những bức xúc của dư luận, mới đây ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP HCM - Trưởng Ban ATGT thành phố, chỉ đạo Chủ tịch UBND các quận/huyện tiếp tục tổ chức kiểm tra thường xuyên và phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng để xử lý các hành vi vi phạm trong hoạt động vận tải hành khách. Quận phải chịu trách nhiệm tổ chức giám sát và xử lý theo thẩm quyền đối với các điểm chưa có đầy đủ pháp lý hoạt động. Không để tái diễn tình trạng xe dù, bến cóc trên địa bàn mình quản lý.
Xử lý hàng trăm trường hợp xe khách vi phạm
Đội TTGT số 5 (thuộc Thanh tra Sở GTVT TP.HCM) cho biết, trong quý II/2019, đã lập biên bản 120 trường hợp xe khách vi phạm dừng đón trả khách, đậu đỗ sai quy định, phạt tiền hơn 300 triệu đồng, tước GPLX 2 tháng đối với 8 trường hợp, tước phù hiệu 5 trường hợp, tước tem kiểm định 2 trường hợp.
Từ đầu năm đến nay, TTGT Đội 5 đã phối hợp với các Đội CSGT Bình Triệu, CSGT Cát Lái và các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra xe khách tại tuyến QL1, QL13, cây xăng Tam Bình, Mai Chí Thọ, nút giao An Phú… Hiện nay, đội đang tiếp tục phối hợp với Đội CSGT Rạch Chiếc tăng cường kiểm tra xe khách tại QL1 và Xa lộ Hà Nội, đồng thời phối hợp CSGT-TT Thủ Đức tăng cường kiểm tra các phương tiện vi phạm trên địa bàn quận Thủ Đức, đặc biệt là tại các cây xăng trên QL1.
Theo Thanh tra Sở GTVT TP.HCM, trong quý II, qua kiểm tra, phát hiện và xử lý 461 vụ vi phạm với số tiền xử phạt là hơn 753 triệu đồng. Cụ thể, vi phạm không có danh sách, hợp đồng vận chuyển theo quy định có 45 vụ với số tiền xử phạt là 73 triệu đồng; Vi phạm đón, trả hành khách tại nơi cấm dừng, cấm đỗ là 14 vụ với số tiền xử phạt là 25 triệu đồng; Không chạy đúng tuyến đường, lịch trình, hành trình vận tải quy định là 25 vụ với số tiền xử phạt là 28 triệu đồng; Vi phạm xe khách dừng, đỗ không đúng quy định có 321 vụ với số tiền xử phạt là 212 triệu đồng; Vi phạm không đảm bảo các điều kiện kinh doanh theo đăng ký 25 vụ với số tiền xử phạt là 185 triệu đồng. Thanh tra Sở cũng phạt 12 chủ phương tiện với số tiền 180 triệu đồng…
Mai Huyên
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận