Bất cập tàu du lịch giống đò ngang, đò dọc - Ảnh minh họa |
Từ đầu tháng 2, hơn 100 tàu thủy trên hồ Thủy điện Hòa Bình (tỉnh Hòa Bình) bắt đầu bước vào cao điểm mùa du lịch, phục vụ du khách. Các phương tiện này có điểm chung là có chở khách trong hầm tàu và thêm chỗ ngồi trên mặt boong. Có tàu gắn ghế cố định, nhưng có tàu chỉ kê ghế xếp, không bố trí phao cứu sinh. Nhìn bên ngoài màu sắc mỗi phương tiện một kiểu, thậm chí có hàng chục tàu được thay đổi thiết kế theo ý riêng của chủ tàu, dẫn đến không được cấp chứng nhận kiểm định.
Mới đây, Cục Đăng kiểm VN đã đưa ra nhiều giải pháp để hỗ trợ chủ phương tiện như áp theo mẫu tàu, cấp đăng kiểm tạm thời trong 6 tháng, nhưng đến nay vẫn còn gần 100 chiếc chưa cấp kiểm định. Ông Đỗ Trung Học, Trưởng phòng Tàu sông thuộc Cục Đăng kiểm VN cho biết, khu vực trên có 72 tàu chưa vào đăng kiểm lần nào và các tàu này có thiết kế rất khác nhau, không có hồ sơ kỹ thuật.
Theo dự thảo Thông tư của Bộ GTVT, phương tiện chở khách du lịch từ 12 người trở lại phải gắn biển hiệu: “Phương tiện thủy vận tải khách du lịch” do Sở GTVT cấp, với sự thống nhất của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch địa phương cấp. Khi cơ quan chức năng phát hiện phương tiện không đảm bảo an toàn sẽ thu hồi biển hiệu và chỉ cấp lại khi đã khắc phục xong các khiếm khuyết. |
Tương tự, khoảng 3.000 phương tiện thủy phục vụ du lịch đang hoạt động tại lễ hội chùa Hương (Hà Nội) không đảm bảo an toàn, cũng như không để lại ấn tượng tốt đẹp cho du khách về tính thẩm mỹ. Đây là các phương tiện thuộc nhóm có sức chở dưới 12 người và đều chưa có chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật.
Phương tiện thủy du lịch có một số đặc thù so với phương tiện chở khách trên đường thủy, tuy nhiên từ trước đến nay không có tiêu chí riêng nên loại phương tiện này đang được xếp cùng loại tàu chở khách thông thường hoặc giống như đò dọc, đò ngang. Điều này dẫn đến tình trạng việc quản lý phương tiện thiếu chặt chẽ, cũng như ít được quan tâm để có cơ chế khuyến khích đổi mới, nâng cao chất lượng phương tiện này.
Đại diện Cục Đăng kiểm VN cho biết, toàn quốc có hơn 11.400 phương tiện thủy chở khách và gần 7.500 phương tiện chở người (từ 12 người trở xuống). Hiện có tới hơn 6.400 phương tiện quá hạn kiểm định, trong đó khó biết chính xác bao nhiêu phương tiện du lịch quá hạn đăng kiểm vẫn hoạt động. “Hiện mới chỉ có tàu du lịch lưu trú ngủ đêm có tiêu chuẩn riêng, còn phương tiện thủy du lịch khác chưa có tiêu chí riêng so với phương tiện chở khách”, ông Đỗ Trung Học nói.
Trên thực tế, một số địa phương như Quảng Ninh đã tiên phong trong việc đề ra tiêu chuẩn riêng của tàu du lịch so với các loại phương tiện khác. Địa phương đã ban hành các quy định về tiêu chuẩn an toàn cao hơn so với chuẩn chung, niên hạn sử dụng ngắn hơn so với quy định chung đối với tàu chở khách, có màu sơn đồng nhất, định kỳ xếp hạng phương tiện... Theo ông Lê Quang Tùng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, phương tiện thủy tham quan du lịch khác với tàu chở khách đòi hỏi sự an toàn cao nhất, vì vậy việc ban hành quy định riêng thể hiện trách nhiệm của địa phương trong việc bảo đảm an toàn cho du khách.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận