Những nỗi đau, mất mát không báo trước
Khoảng 10h15 ngày 7/3, trên tuyến quốc lộ 26 (TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) xảy ra vụ tai nạn giao thông giữa ô tô tải BKS 47C-205.33 và xe đạp khiến một học sinh bị thương nặng, nhập viện cấp cứu trong tình trạng nguy kịch.
Trước đó chỉ 4 ngày, cũng tại TP Buôn Ma Thuột, lúc 12h trưa ngày 3/3, một chiếc xe khách BKS 51B-307.45 lưu thông trên đường Hồ Chí Minh trong lúc vượt ẩu đã va chạm với xe gắn máy BKS 48AD-040.74 khiến hai học sinh trường THPT Phan Chu Trinh, ở huyện Cư Jút tử vong.
Tại TP Hải Dương, khoảng 4h30 ngày 21/2 cũng xảy ra vụ tai nạn giao thông khi xe máy do hai học sinh điều khiển lưu thông trên đường Bùi Thị Xuân, đến gần cầu Hải Long, hướng cầu chữ Y - đường Nguyễn Hải Thành, bất ngờ va vào lề đường khiến một em tử vong, một em bị thương được đưa đi cấp cứu.
Đây chỉ là 3 trong số rất nhiều vụ tai nạn giao thông liên quan đến học sinh xảy ra trong hơn 2 tháng đầu năm 2024, để lại nhiều nỗi đau, mất mát cho gia đình các em, cho nhà trường, bạn bè và xã hội.
Đáng nói là, những sự ra đi ấy không hề được dự báo từ trước, những nỗi đau xảy đến bất ngờ, đột ngột chắc chắn sẽ là những nỗi đau khôn nguôi đối với gia đình các em.
Tuy nhiên, nói như TS Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia, những nỗi đau này hoàn toàn có thể tránh được nếu mỗi người dân nâng cao ý thức chấp hành giao thông, thượng tôn pháp luật.
Song đối với lứa tuổi học sinh, có thể nói, hạ tầng để các em được đến trường an toàn vẫn còn hạn chế, từ hạ tầng về giao thông khi mà vỉa hè bị lấn chiếm, chưa có làn đường riêng cho xe đạp, giao thông hỗn hợp nhiều rủi ro đến sự thiếu thốn về phương tiện công cộng đáp ứng nhu cầu đến trường - về nhà cho trẻ.
Cấp thiết xây dựng hệ thống xe buýt trường học
Chuyên gia giao thông, PGS.TS Nguyễn Minh Hiếu cho biết, ở các nước phát triển đã thành công với chính sách khuyến khích trẻ tự đến trường song song với việc xây dựng hệ thống xe buýt trường học tiêu chuẩn.
Thượng tá Phạm Việt Công, Phó chánh VP Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, tại Việt Nam, Ủy ban ATGT Quốc gia và các cơ quan chức năng đã có nhiều giải pháp, chính sách để đảm bảo an toàn cho trẻ đến trường, chẳng hạn như giảm tốc độ giới hạn xung quanh trường học xuống còn 30km/h. Tuy nhiên, việc thực hiện trong thực tế còn nhiều khó khăn vì nhiều trường được bố trí gần nhau trên các trục đường quốc lộ hay đường tỉnh.
Về lâu dài, để đảm bảo an toàn cho trẻ đến trường cần quy hoạch lại mạng lưới trường học, di dời trường học không được nằm trên trục các tuyến quốc lộ, đường lớn, hoặc phải có đường gom đi vào để tránh bị xung đột giao thông và hạn chế va chạm.
"Tuy nhiên, các giải pháp trước mắt cũng cần thực hiện như: Trang bị kỹ năng tham gia an toàn cho các học sinh; khuyến khích tổ chức đưa đón học sinh bằng ô tô để giảm áp lực về giao thông nơi cổng trường và có cơ chế ưu đãi cho doanh nghiệp tham gia đầu tư dịch vụ này", ông Công nói.
Đồng quan điểm, TS Khương Kim Tạo, nguyên Phó chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng, cần tổ chức hệ thống xe đưa đón học sinh một cách bài bản, dưới sự hỗ trợ của Nhà nước.
Về vấn đề này, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Chỉ thị số 31 về tăng cường công tác bảo đảm trật tự ATGT cho lứa tuổi học sinh trong tình hình mới. Đây là lần đầu tiên Thủ tướng Chính phủ ban hành chỉ thị riêng về công tác đảm bảo trật tự ATGT cho lứa tuổi học sinh.
Trong đó, Chỉ thị yêu cầu Bộ GTVT nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách ưu đãi đối với hoạt động kinh doanh vận chuyển, đưa đón học sinh bằng xe ô tô buýt chuyên dụng; Cơ chế, chính sách khuyến khích học sinh đi lại bằng phương tiện vận tải công cộng và xe buýt chuyên dụng.
Để triển khai Chỉ thị số 31 Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT cũng đã ban hành kế hoạch thực hiện, trong đó, giao Cục Đường bộ VN chủ trì, phối hợp các Sở GTVT nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách ưu đãi đối với hoạt động kinh doanh vận chuyển, đưa đón học sinh bằng xe ô tô buýt chuyên dụng đưa đón học sinh; Cơ chế, chính sách khuyến khích học sinh đi lại bằng phương tiện vận tải công cộng và xe ô tô buýt chuyên dụng đưa đón học sinh.
Sở GTVT có trách nhiệm báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định cơ chế, chính sách ưu đãi trên, trường hợp các cơ chế, chính sách vượt thẩm quyền quyết định của UBND cấp tỉnh, báo cáo Bộ GTVT để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Ngoài ra, tại dự thảo Quy chuẩn sửa đổi, bổ sung Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe ô tô (QCVN 09:2015/BGTVT) đang được lấy ý kiến, Bộ GTVT cũng đề xuất quy định riêng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe chở học sinh.
Theo ban soạn thảo, khi quy chuẩn được ban hành sẽ gợi mở cho các nhà sản xuất, nhập khẩu ô tô hướng đến sản xuất loại xe ô tô chuyên dụng để đưa đón học sinh như ở nước ngoài.
Xe buýt học sinh sẽ đi theo tuyến cố định qua các trường học trên địa bàn, được đánh số hướng tuyến, phục vụ được tất cả học sinh trong thành phố dành cho lứa tuổi dưới 15.
TS Khương Kim Tạo, nguyên Phó chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia nhìn nhận, quy định dành riêng cho xe đưa đón học sinh là cần thiết. Việc phát triển xe đưa đón học sinh vừa giúp giảm phương tiện cá nhân, hạn chế ùn tắc giao thông, vừa nâng cao an toàn cho trẻ khi đến trường.
Chưa kể, với quy định màu sơn riêng, thậm chí có thể hướng đến chung một kiểu dáng để tạo đặc trưng riêng cho xe buýt học sinh, giống như nhiều nước trên thế giới, cũng cần nghiên cứu cơ chế, chính sách ưu tiên cho loại phương tiện này.
Trong đó, có thể ưu tiên bố trí các điểm dừng đón/trả học sinh gần khu vực các cổng trường học; Ưu tiên làn đường khi di chuyển…
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận