Cầu P’ré là cây cầu sắt nằm trên tuyến đường nối từ khu công nghiệp Phú Hội ra đường Thống Nhất nối với QL20 và thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng. Tuy nhiên 50 năm nay chiếc cầu sắt cũ kỹ vẫn tồn tại, được người dân nơi đây gọi là “cầu khỉ”.
Xe tải nối đuôi nhau qua "cầu khỉ" cũ P’re
Hiện mỗi ngày cầu khỉ này vẫn "gánh" gần ngàn lượt ô tô đi qua khiến những người chứng kiến không khỏi rùng mình khi nguy cơ TNGT luôn hiện hữu.
Thực tế tại đây, PV Báo Giao thông đã tận mắt chứng kiến hàng loạt xe tải nối đuôi nhau đi qua. Mỗi lúc như vậy, chiếc cầu lại rung lên bần bật.
Tương tự cầu P’ré, tuyến đường liên huyện huyết mạch ĐH1 từ thị trấn Đinh Văn đi xã Tân Hội cũng có một cầu sắt hằng ngày phải gồng mình cõng hàng trăm xe ô tô đi qua.
Đây là cây cầu sắt cũ nằm trên đường liên huyện ĐH1 từ đường Lê Lợi (thị trấn Đinh Văn, huyện Lâm Hà) đi xã Tân Hội, (huyện Đức Trọng).
Người dân lớn tuổi tại đây cũng không còn nhớ cầu có từ lúc nào. Có người gọi là cầu khỉ, có người gọi là cầu cũ Đinh Văn 3, nhiều người lại gọi đó là cầu sắt Hòa Lạc.
Cụ N.T.H sinh sống gần đó nói rằng cách đây hơn 10 năm từng chứng kiến cây cầu bị sập 2 lần do ô tô tải nặng chạy qua.
Tuyến đường huyện ĐH1 được thảm bê tông nhựa với chiều ngang 6m, khang trang, thông thoáng bị thắt nút bởi chiếc cầu sắt cũ, chiều rộng chỉ có khoảng 4m.
Trên thành cầu phủ kín các cây dây leo. Các ốc dầm cầu cái rơi mất, cái lỏng lẻo. Sàn cầu nhiều chỗ bị vỡ lỗ thủng lọt cả bánh xe ô tô, người dân phải đưa tấm sắt ra lát tạm để xe đi.
Theo quan sát của PV Báo Giao thông, mỗi lần xe máy, xe ô tô đi qua, chiếc cầu lại rung lên bần bật, kêu ầm ầm bởi tiếng lúc lắc của những thanh sắt cầu va chạm vào nhau.
Chiếc cầu cũ Ba Cản gồng mình cõng những chiếc xe tải đi qua
Theo quyết định phê duyệt điều chỉnh thị trấn Đinh Văn số 495 ngày 5/3/2021, UBND tỉnh Lâm Đồng quy hoạch đây là đường ĐH1 đi qua thị trấn Đinh Văn với lộ giới 28m.
Tuy nhiên, một cán bộ UBND huyện tiết lộ, chiếc cầu này đã nằm trong quy hoạch xây dựng mới, nhưng phải “đắp chiếu” bỏ rơi chờ vốn gần 20 năm. Vị cán bộ này cũng xác nhận, cây cầu từng bị sập xuống do xe tải nặng đi qua.
Thông tin từ Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình giao thông Lâm Đồng, cho biết: Trên hồ sơ thiết kế cầu này được đặt tên là Ba Cản, nằm trên đường Đinh Văn - Đoàn Kết thuộc huyện Lâm Hà.
Cái tên cầu Ba Cản người dân gần như không biết. Cầu dài khoảng 30m, cầu rộng 4,2m, bị thu hẹp so với hiện tại. Hiện trạng cầu thép có kết cấu dạng cầu tạm, xuống cấp và không được duy tu bảo dưỡng. Trong quá khứ từng xảy ra 2 lần sập mặt cầu chứ không phải sập toàn bộ cầu.
Cũng theo Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình giao thông, hiện nay trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng còn 5 chiếc cầu khỉ cần được đầu tư xây dựng gấp để bảo đảm trật tự ATGT.
Đó là cầu Phước Cát thuộc ĐT.721, huyện Cát Tiên (tải trọng khai thác 18 tấn); cầu Đạ Nha, cầu Đạ Bộ thuộc ĐT.725, huyện Đạ Tẻh (tải trọng khai thác 18 tấn); cầu P’Ré nối KCN Phú Hội, huyện Đức Trọng (tải trọng khai thác 12 tấn); cầu Ba Cản, huyện Lâm Hà (tải trọng khai thác 13 tấn) là các cầu yếu, tải trọng khai thác thấp làm giảm khả năng khai thác, không thúc đẩy giao thương phát triển kinh tế xã hội.
Theo đó, các cầu P’ré, Đạ Nha, Đạ Bộ, Ba Cản được thiết kế cầu bê tông cốt thép vĩnh cửu, với các thông số kỹ thuật như khổ cầu 09 mét (= 0,5 mét + 08 mét + 0,5 mét).
Kết cấu nhịp cầu P’ré gồm 4 nhịp 33 mét, nhịp cầu Ba Cản gồm 1 nhịp 25,7 mét, nhịp cầu Đạ Nha gồm 1 nhịp 25,7 mét, nhịp cầu Đạ Bộ gồm 1 nhịp 18 mét. Kết cấu mố, trụ bằng bê tông cốt thép trên hệ cọc khoan nhồi.
Riêng cầu Phước Cát được thiết kế cầu bê tông cốt thép vĩnh cửu với các thông số kỹ thuật như khổ cầu 12 mét (= 0,5 mét + 11 mét + 0,5 mét); sơ đồ nhịp: 42 mét + 63 mét + 42 mét.
Đến tháng 8/2021, Dự án xây dựng cầu 5 cầu cũ đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Lâm Đồng thống nhất đầu tư, tại Nghị quyết số 17/NQ-HĐND, ngày 4/6/2021 về chủ trương đầu tư, điều chỉnh chủ trương đầu tư các dự án đầu tư công. Giao cho Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình giao thông, thuộc Sở GTVT Lâm Đồng làm chủ đầu tư.
Tổng mức đầu tư 5 cầu yếu này lên tới 300 tỉ đồng, trong đó chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng tạm tính khoảng 29,4 tỉ đồng. Tuy nhiên, năm 2022 dự án thay thế 5 cầu yếu này mới được Sở Kế hoạch đầu tư đề xuất UBND tỉnh cấp 1,5 tỉ đồng.
Ban QLDA giao thông tỉnh Lâm Đồng, cho biết: Số tiền 1,5 tỉ đồng chỉ đủ để thực hiện lập kế hoạch báo cáo nghiên cứu kỹ thuật mà thôi.
Dự án này được sử dụng vốn đầu tư trung hạn của Chính phủ, hiện đã được Chính phủ phê duyệt cấp vốn. Còn số tiền 1,5 tỉnh là vốn đối ứng của tỉnh Lâm Đồng được phê duyệt cấp trước, để thực hiện các bước khởi động ban đầu.
Tỉnh Lâm Đồng sẽ cố gắng báo cáo Chính phủ để được cấp vốn triển khai thi công 5 cây cầu này ngay trong năm 2022.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận