Thời gian qua, tại Việt Nam, cả hệ thống chính trị và nhân dân đã nỗ lực kéo giảm TNGT nhưng hàng năm vẫn có gần 7.000 người thiệt mạng do TNGT. Chỉ riêng 11 tháng đầu năm nay, TNGT đã cướp đi 5.800 sinh mạng.
Chiều nay (09/12), tại Hà Nội, Báo Giao thông tổ chức toạ đàm với chủ đề: “Cách nào ngăn ma men lái xe dịp cuối năm?”
Theo tổ chức y tế thế giới WHO, có 5 nguyên nhân cơ bản trực tiếp dẫn đến TNGT bao gồm: Vi phạm tốc độ, vi phạm nồng độ cồn, không đội mũ bảo hiểm, không thắt dây an toàn và sử dụng điện thoại di động khi lái xe.
Thực tế, đã có nhiều vụ TNGT thương tâm có nguyên nhân từ vi phạm nồng độ cồn đã xảy ra. Trong một nghiên cứu của nhóm chuyên gia WHO và Y tế tại Việt Nam cho thấy tỷ lệ các vi phạm về trật tự an toàn giao thông liên quan tới vi phạm nồng độ cồn tại Việt Nam vào khoảng 36%, vào các dịp lễ, Tết, tỷ lệ này tăng lên khoảng 60%.
Tai nạn giao thông để lại hậu quả nặng nề cho các nạn nhân, gia đình nạn nhân và xã hội. Thế nhưng, vấn đề lạm dụng đồ uống có cồn, điều khiển phương tiện tham gia giao thông khi trong hơi thở có nồng độ cồn vượt quá quy định vẫn diễn ra phổ biến, là nguyên nhân gây ra các vụ TNGT làm nhức nhối trong dư luận xã hội.
Tết Nguyên đán và lễ hội xuân năm 2023 đang đến gần, tình trạng tài xế uống rượu, bia lái xe gây tai nạn giao thông lại là vấn đề đáng lo ngại.
Buổi toạ đàm: “Cách nào ngăn ma men lái xe dịp cuối năm?” nhằm tìm kiếm các giải pháp phòng ngừa người điều khiển phương tiện sử dụng đồ uống có cồn tham gia giao thông.
Tại toạ đàm, khách mời sẽ cùng thảo luận để làm rõ thực trạng và giải pháp giúp hạn chế, ngăn chặn tài xế sử dụng nồng độ cồn điều khiển phương tiện nhất là trong dịp cao điểm cuối năm, nhằm đảm bảo TTATGT.
Khách mời tham dự tọa đàm:
1. Ông Phạm Việt Công, Phó chánh VP Uỷ ban ATGT Quốc gia
2. Thượng tá Tạ Thị Hồng Minh, Phó trưởng Phòng hướng dẫn tuyên tuyền, điều tra, giải quyết tai nạn giao thông, Cục CSGT, Bộ Công an
3. PGS. TS Phạm Việt Cường, Đại học Y tế công cộng
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận