CSGT Bắc Ninh kiểm tra nồng độ cồn lái xe trên QL1A |
Khi “ma men” thi gan bất thành
13h ngày 28/7, Tổ TTKS giao thông 1.18, Phòng CSGT Công an tỉnh Bắc Ninh do Thiếu tá Nguyễn Thanh Hiên làm Tổ trưởng lập chốt đo nồng độ cồn trên QL18 đã dừng xe ôtô BKS 99A-146.9x, yêu cầu tài xế xuất trình giấy tờ và thổi vào máy đo nồng độ cồn. Tài xế xe BKS 99A-146.9x là Trần Danh B. (SN 1973, ở phường Võ Cường, TP Bắc Ninh) mặt mũi đỏ gay, dù thừa nhận có uống rượu bia nhưng kiên quyết không thổi vào máy đo nồng độ cồn. Sau nhiều lần giải thích, vận động tài xế vẫn không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn, Tổ TTKS quyết định lập biên bản phạt theo quy định ở mức cao nhất 17 triệu đồng, tạm giữ phương tiện đến 7 ngày và tạm giữ GPLX 5 tháng.
Thực hiện chuyên đề kiểm soát nồng độ cồn, từ ngày 24/4 đến 31/7, lực lượng CSGT Công an tỉnh Bắc Ninh đã kiểm tra, lập biên bản 645 trường hợp vi phạm quy định nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ (trong đó có 279 trường hợp lái xe ô tô, 366 trường hợp lái xe mô tô); tạm giữ 645 phương tiện và tước 645 GPLX. |
Trước đó, 0h5 ngày 18/7, tại Km 11, QL18 cũ qua Quế Võ, Bắc Ninh, Tổ TTKS do Thiếu tá Hiên làm Tổ trưởng cũng dừng xe ôtô BKS 99A-068.9x do ông Nguyễn Viết H. (SN 1982, ở huyện Gia Bình, Bắc Ninh) điều khiển và kiểm tra hành chính, yêu cầu thổi vào máy đo nồng độ cồn. Kết quả, ông H. có nồng độ cồn 1,272 miligam/lít khí thở, vượt quá quy định trên 0,4 miligam/lít khí thở. Tuy nhiên, ông H. kiên quyết không ký vào biên bản vi phạm. Tổ TTKS đã phải mất 3 tiếng giải thích, thuyết phục trong đêm tối, đích thân lãnh đạo phòng phải xuống chỉ đạo để lập biên bản xử lý vi phạm đối với trường hợp này.
Thiếu tá Hiên cho biết, xử lý vi phạm nồng độ cồn thường khó khăn hơn so với các vi phạm khác do người sử dụng rượu, bia nhận thức và hành động không thực sự chuẩn mực. Nhiều trường hợp khi được kiểm tra đã cản trở, không chấp hành yêu cầu kiểm tra, hoặc tìm cách chống chế, thậm chí có hành động, lời nói khiếm nhã, xúc phạm người thi hành công vụ. Một bộ phận người tham gia giao thông không những không ủng hộ lực lượng chức năng làm nhiệm vụ mà còn hùa theo, phản đối gây khó khăn cho công tác kiểm tra xử lý vi phạm nồng độ cồn. Ngoài ra, hầu hết các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh chưa có đủ trang thiết bị cần thiết để xác định nồng độ cồn trong máu nên rất khó khăn trong việc xác định nồng độ cồn của người điều khiển phương tiện gây TNGT.
“Tuy nhiên, dù người vi phạm chây ì, không hợp tác chúng tôi cũng kiên quyết xử lý nghiêm vi phạm theo quy định”, Thiếu tá Hiên nói.
Lái xe đường dài ít vi phạm
Thượng tá Đặng Thanh Phong, Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh Bắc Ninh cho biết, thực hiện chỉ đạo của Cục C67 Bộ Công an và Ban giám đốc Công an tỉnh, Phòng đã xây dựng và triển khai cao điểm kiểm soát nồng độ cồn từ cuối tháng 4 đến hết tháng 7. Phòng đã chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị kỹ thuật, phối hợp với lực lượng Cảnh sát hình sự, Cảnh sát cơ động và công an các huyện, thị xã, thành phố tổ chức TTKS công khai kết hợp với hóa trang để kiểm soát, xử lý vi phạm nồng độ cồn.
“Phòng lập các tổ TTKS, tập trung xử lý vào cung giờ 11-14h và 16-21h tại các tuyến có lưu lượng phương tiện cao như: QL18 cũ, QL18 mới, QL17… Qua thực tế kiểm tra, ghi nhận các tài xế xe đường dài rất ít vi phạm nồng độ cồn, mà chủ yếu vi phạm này tập trung tại nội thành, nội thị, đường nông thôn, từ đó có sự điều chỉnh, kết hợp với công an các địa phương triển khai đợt cao điểm này hiệu quả hơn. So với những ngày đầu mở cao điểm, có ngày các Tổ TTKS lập biên bản xử phạt được cả chục trường hợp, thì những ngày cuối, mỗi ngày chỉ xử lý được vài trường hợp”, Thượng tá Phong cho hay.
Sau khi thổi vào máy đo nồng độ cồn có kết quả không vi phạm, ông Nguyễn Trần T., tài xế xe ôtô 99A-147.5x cho hay, thời gian gần đây, lực lượng CSGT Bắc Ninh tăng cường TTKS, xử lý vi phạm nồng độ cồn không chỉ trên đường quốc lộ, nội thành nội thị mà còn triển khai cả ở đường huyện, đường nông thôn khiến cánh lái xe không dám vi phạm. “Uống rượu, bia không chỉ bị phạt nhiều tiền, còn bị tước GPLX, tạm giữ phương tiện nên trong các cuộc gặp gỡ, vui vẻ bạn bè, người thân, chúng tôi cũng nhắc nhau uống rồi thì nên bắt taxi hoặc để người không uống chở về”, ông T. chia sẻ.
Ông Nguyễn Thanh Phương, Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh Bắc Ninh cho biết, vi phạm nồng độ cồn là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến TNGT. Do đó, việc lực lượng CSGT toàn tỉnh tăng cường tuyên truyền, xử lý vi phạm nồng độ cồn góp phần hạn chế vi phạm này, từ đó góp phần kéo giảm TNGT trên địa bàn. Như tháng 7, toàn tỉnh xảy ra 6 vụ TNGT đường bộ, làm chết 3 người, bị thương 1 người, giảm cả 3 tiêu chí so với tháng 6 (giảm 33,3% số vụ, giảm 70% số người chết và giảm 80% số người bị thương).
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận