• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái
ATGT địa phương

Bắc Ninh chi ngân sách lập chốt gác, xóa “đường ngang tử thần”

03/03/2017, 06:33
image

Bắc Ninh là địa phương đầu tiên trên toàn quốc chi ngân sách cho việc lập chốt gác tại các đường ngang giao cắt...

4

Chị Trần Thị Hòa với công việc thường ngày tại chốt gác đường ngang Tiêu Long

Bắc Ninh là địa phương đầu tiên trên toàn quốc chi ngân sách cho việc lập chốt gác tại các đường ngang giao cắt đường bộ - đường sắt có nhiều nguy cơ TNGT. Sau 5 năm triển khai mô hình này, tại các điểm lập chốt gác đường ngang không còn xảy ra TNGT, tình hình TTATGT đường sắt tại Bắc Ninh chuyển biến tích cực.

Thoát chết nhờ chốt gác

Sáng 1/3, tại chốt gác đường ngang Ngô Gia Tự (lý trình đường sắt Km18+480, thuộc địa bàn TX Từ Sơn, Bắc Ninh), chị Nguyễn Thị Loan (SN 1983), nhân viên trực chốt cho hay, ga vừa báo hoãn chuyến tàu hàng dự kiến chạy qua lúc 9h30. “Tàu khách chạy cố định, chứ tàu hàng lịch thay đổi bất ngờ, nhiều khi báo giờ tàu qua chỉ cách độ chục phút, nên nhân viên trực chốt lúc nào cũng trong tư thế sẵn sàng”, chị Loan nói.

Đã hai năm làm công tác trực chốt gác đường ngang, chị Loan đã quen với những ca trực kéo dài 12 giờ đồng hồ, những ca trực đêm một mình giữa cánh đồng. “Vất vả đêm hôm, mưa nắng em không ngại, chỉ sợ nhất là khi tàu đến, mình đóng chắn mà người tham gia giao thông vẫn cố tình vượt qua. Điểm đường ngang này là lối rẽ vào trường Ngô Gia Tự, nên học sinh, phụ huynh qua lại rất đông. Hôm trước Tết, vào lúc sẩm tối, em đã đóng chắn barie đón tàu sắp qua, mà một ông cụ chở một em bé bằng xe đạp cứ chen qua barie, dù em ngăn cản. Do vội vã, cụ ông bị đổ nhào xe đạp, em bé rơi xuống đường ray, em vội chạy đến ẵm em bé lên, dựng xe đạp, đưa hai ông cháu nhanh ra khỏi đường ray. Tàu qua rồi, cụ ông cứ nói cảm ơn và hứa không bao giờ cố tình vượt đường sắt nữa”, chị Loan kể.

Ông Nguyễn Thanh Phương, Phó chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh Bắc Ninh cho hay, từ khi thành lập đến nay, các đường ngang có chốt gác không để xảy ra TNGT. Hiện, trong tổng số 38 đường ngang trên địa bàn, đã có 16 đường ngang hợp pháp có người gác, 4 đường ngang có cảnh báo tự động. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại 19 đường ngang dân sinh mở trái phép. “Thời gian tới, các lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh sẽ tiếp tục rà soát, đưa ra các phương án loại bỏ dần các đường ngang dân sinh trái phép; Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành Luật Giao thông cho người dân sống tại khu vực có các đường ngang giao cắt với đường sắt và xử lý nghiêm các vi phạm Luật Giao thông”, ông Phương nói.

Năm 2017, UBND tỉnh Bắc Ninh đã phê duyệt kinh phí cho 12 trạm trực cảnh giới đảm bảo ATGT tại 11 điểm giao cắt đường bộ với đường sắt (có 1 điểm có 2 trạm cảnh giới) số tiền là hơn 3,7 tỷ đồng. Công tác trực cảnh giới phải được thực hiện 24/24h các ngày trong năm.

Đối phó với những tình huống khẩn cấp, bất ngờ là chuyện thường xảy ra ở các chốt gác đường ngang. Chị Trần Thị Hòa (SN 1971), trực chốt gác đường ngang Tiêu Long (Km20+ 175, thuộc địa bàn xã Tượng Giang, huyện Từ Sơn, Bắc Ninh) nhớ lại, lần ấy chị đã đóng barie chuẩn bị đón tàu qua, thì nhìn xa ra đường ray cách chốt trực 100m, bỗng thấy một cụ ông lội từ ruộng bước thẳng lên đường ray rồi cứ dọc đường ray lững thững bước đi. Chị phải canh barie nên vội hô hoán người đi đường chạy thật nhanh đến lôi ông cụ ra khỏi đường ray. Sau người nhà đến đón ông cụ cho biết, cụ bị bệnh tâm thần, may được cứu giúp, không thì tai nạn đã xảy ra.

Vốn là nhân viên bán vé phà Đông Xuyên, từ khi có cầu, chị Hòa xin về trực đường ngang ở đây. Chồng là công an làm việc tại huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang, hàng ngày chị Hòa phải vượt hơn 15 km từ nhà đến chốt trực. Công việc vất vả, đêm hôm nhưng chị luôn tâm huyết với nghề. “Toàn chốt có 5 người chia thành ba ca luân phiên trực 24/24h và tất cả 7 ngày/tuần. Bên cạnh nhiệm vụ trực nghe kế hoạch tàu chạy từ các ga, hạ chắn, kéo chắn trước và sau khi tàu chạy qua chốt, chúng tôi còn thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở người dân về các quy định ATGT đường sắt. Đến nay, đa phần người dân đã có ý thức chấp hành nghiêm các quy định về TT ATGT, tự giác tuân theo hiệu lệnh khi có tàu chạy qua. Đặc biệt, từ khi thành lập chốt không để xảy ra vụ TNGT đường sắt nào”, chị Hòa phấn khởi cho hay.

Tại chốt gác trường Chính trị (Km29 + 450, thuộc địa phận TP Bắc Ninh), chị Hoàng Thị Hương (SN 1988) tâm sự, cả gia đình chồng đều gắn bó với công việc gác chắn này và bố chồng chị cũng từng chốt trực tại chính chốt gác này những năm trước. “Bố tôi nghỉ hưu một năm nay rồi, nhưng ông động viên, chia sẻ với tôi nhiều kinh nghiệm trong nghề. Ông thường dặn các con, công việc gác chốt đường ngang nghe đơn giản, nhưng liên quan đến sinh mạng con người, rất quan trọng, nên không được một phút lơ là”, chị Hương cho hay.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Văn Bằng (SN 1961, ở Niềm Xá, phường Kinh Bắc, TP Bắc Ninh) vui vẻ cho hay, chính ông khuyên con dâu vào nghề, bởi đây là công việc mang ý nghĩa cứu người, nhân đạo. “Tôi trực chốt gác đường ngang trong 5 năm, chủ yếu trực ở dốc trường Chính trị. Nơi đây trước thường xuyên xảy ra TNGT, nhưng từ khi có chốt gác thì TNGT không xảy ra nữa, nên cảm thấy công việc mình làm có ý nghĩa và rất vui”, ông Bằng nói.

Nhớ lại kỷ niệm những ngày trực đường ngang dốc trường Chính trị, ông Bằng kể, khoảng 8h tối một ngày tháng 4/2014, ông nhận thông báo từ ga có tàu Uông Bí sắp về, nên đóng chắn barie. Khi đoàn tàu đang lao tới, ông giật mình nhìn thấy một chiếc ô tô con vẫn tiến thẳng tới barie, nên gào lên ra hiệu cho tài xế dừng lại. Nhưng dường như tài xế không nghe thấy cho đến khi mũi xe ô tô chạm “khực” vào barie chắn tàu, tài xế mới giật mình đạp ga phanh gấp, cùng lúc đoàn tàu vun vút lao qua.

“Tài xế mặt tái mét bước vội xuống xe, hóa ra anh ấy là Chu Quốc Đông, giảng viên trường Chính trị. Anh Đông bảo, chỉ một phút lơ đễnh không tập trung mà tý nữa lao vào đoàn tàu, may có chốt gác, có barie cứu sống”, ông Bằng nhớ lại.

Ngồi bán nước ngay dưới chân dốc trường Chính trị, anh Phương cho hay đã có lần anh bị ốm, băng qua đường ray thì mệt quá khụy xuống. May mắn, lúc đó ông Bằng ra đóng chắn barie đón tàu sắp qua nhìn thấy, vội bế vào trong chốt gác sơ cứu. “Từ khi có chốt gác, người tham gia giao thông cũng như người dân nơi đây yên tâm hẳn”, anh Phương cho hay.

Xem thêm video:

Khi đường bộ gác đường sắt

Bắc Ninh có 20,096 km đường sắt chạy qua, giao cắt với đường bộ tại hơn 50 điểm, đi qua nhiều khu dân cư, trường học, cơ quan… vốn được coi là một cung đường sắt phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ TNGT cao. Năm 2011, Bắc Ninh xảy ra 4 vụ TNGT đường sắt, làm 2 người chết và 2 người bị thương, tăng gấp đôi so với năm 2010.

Trước thực trạng đó, các ban ngành Bắc Ninh đã họp, rà soát và UBND tỉnh quyết định chi ngân sách cho công tác gác chắn tại 7 điểm đường ngang nguy cơ xảy ra TNGT cao trên địa bàn tỉnh, gồm cả đường dân sinh và đường ngang có biển báo (đường ngang hợp pháp nhưng chưa đủ điều kiện là đường ngang cảnh báo tự động hoặc đường ngang có gác theo luật định). 

“Đây là 7 điểm giao cắt phức tạp nhất, năm nào cũng xảy ra tai nạn, có vụ chết người. Ban đầu, tỉnh dự kiến giao cho chính quyền địa phương cấp huyện quản lý, vận hành công tác gác chắn, sau đó phương án giao đơn vị quản lý giao thông tối ưu và hiệu quả hơn. Và Công ty CP Quản lý đường bộ Bắc Ninh được giao tổ chức thực hiện nhiệm vụ này dưới dạng hợp đồng dịch vụ công ích bảo đảm ATGT đường sắt”, ông Nguyễn Ngọc Thái, Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh Bắc Ninh cho biết.

Theo ông Nghiêm Đinh Đức, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Quản lý đường bộ Bắc Ninh, ngay sau khi được tỉnh phân công nhiệm vụ, công ty đã phối hợp với Công ty Đường sắt Hà Lạng, Trường trung cấp nghề Đường sắt tổ chức tập huấn, đào tạo cấp chứng chỉ gác đường ngang cho 100% cán bộ, nhân viên làm việc tại các chốt trực cảnh giới. Thời điểm này chưa có chốt gác, anh em phải ngồi nhờ nhà dân, ven rạp che quán nước, hoặc mang cái ô ra gần đường tàu ngồi, bất chấp nắng mưa, đêm đông rét buốt.

Vượt qua khó khăn ban đầu, các chốt gác đường ngang lập tức phát huy hiệu quả, TNGT không còn xảy ra, ý thức người tham gia giao thông được nâng cao. Do đó, tháng 3/2015, Ban ATGT tỉnh Bắc Ninh tiếp tục rà soát và đề nghị UBND tỉnh bổ sung, lập chốt trực thêm 4 đường ngang nữa. Cuối năm 2015, UBND tỉnh lại duyệt chi kinh phí xây chốt gác cố định cho 11 điểm đường ngang này, tạo điều kiện tốt nhất cho anh em làm nhiệm vụ. Hiện, toàn bộ 11 chốt đều có nhà trực, trong đó 6 điểm trang bị hệ thống xà chắn, 5 điểm trang bị hệ thống cần chắn đạt tiêu chuẩn.

“Công ty thành lập riêng một Đội Xe máy và an toàn đường sắt để giám sát, đôn đốc hoạt động đảm bảo ATGT đường sắt tại các đường ngang; Đồng thời ban lãnh đạo công ty, cán bộ kỹ thuật công ty cũng thường xuyên giám sát, kiểm tra hoạt động tại các điểm chốt này”, ông Đức nói.

Ông Ngọ Văn Thức, Đội Xe máy và an toàn đường sắt cho biết: “Công ty ban hành nội quy về gác chắn đồng thời nhờ đơn vị quản lý đường sắt trên tuyến và ga hỗ trợ nghiệp vụ. Các đơn vị quản lý tuyến cũng phối hợp với công ty đánh giá về mức độ hoàn thành công việc của mỗi gác chắn. Chỉ cần có một nhân viên bỏ gác hoặc thao tác không đúng quy trình, chúng tôi sẽ biết ngay”. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.