Liên tục xảy ra sự cố giao thông sau mưa lũ
Theo Ban Quản lý bảo trì đường bộ tỉnh Bắc Kạn, từ đầu tháng 5 đến nay, do ảnh hưởng của mưa lũ kéo dài, các tuyến QL 3B, 3C, 279 và các đường tỉnh 254, 254B, 257B, 257C bị sạt lở nghiêm trọng. Theo tính toán, đã có hơn 1 triệu m3 đất đá sạt lở xuống lòng đường gây cản trở, ách tắc cục bộ, tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT.
Công ty CP Hồng Hà bảo đảm ATGT sau mưa lũ trên QL 3B, đoạn qua đèo Áng Tòng.
Trong đó, nặng nhất là QL 279 có khoảng 100 điểm sạt lở nghiêm trọng, kéo dài từ Km 266, đoạn qua xã Kim Hỷ, huyện Na Rì đến Km 299, đoạn qua xã Hiệp Lực, huyện Ngân Sơn.
Bên cạnh đó, từ ngày 9/5, tại Km 126+200-300, đoạn qua đèo Áng Tòng, QL 3B xảy ra sạt lở lớn khiến hàng chục nghìn m3 đất, đá tràn lấp lòng đường...
Ngay khi xảy ra các sự cố giao thông, Ban Quản lý bảo trì đường bộ Bắc Kạn đã chỉ đạo các nhà thầu triển khai phương án bảo đảm ATGT bước 1. Tham mưu UBND tỉnh Bắc Kạn và Bộ GTVT ban hành lệnh xây dựng công trình, dự án khẩn cấp khắc phục hậu quả thiên tai.
Vị trí Km 126+200, QL 3B vẫn có nguy cơ tiếp tục sạt lở làm ảnh hưởng đến ATGT đang được các đơn vị khảo sát, tham mưu biện pháp khắc phục.
Đến nay, Bộ GTVT đã ban hành 3 lệnh xây dựng công trình, dự án khẩn cấp khắc phục hậu quả thiên tai trên tại các tuyến QL trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn. Tổng kinh phí phê duyệt khoảng 37 tỷ đồng.
Ngoài ra, UBND tỉnh Bắc Kạn cũng đã ban hành nhiều lệnh xây dựng công trình, dự án khẩn cấp khắc phục hậu quả thiên tai trên các tuyến đường tỉnh. Tổng kinh phí thực hiện khoảng 7 tỷ đồng.
Hiện, Ban Quản lý bảo trì đường bộ tỉnh Bắc Kạn đang chỉ đạo các nhà thầu huy động tối đa máy móc, nhân, vật lực khắc tình trạng hư hỏng sau mưa lũ trên các tuyến đường.
Còn nhiều khó khăn
Lãnh đạo Ban quản lý bảo trì đường bộ tỉnh Bắc Kạn thông tin, hiện nay, công tác khắc phục hậu quả mưa lũ trên địa bàn tỉnh đang gặp nhiều khó khăn.
Trong đó, với địa hình núi cao, địa chất không ổn định, nhiều vị trí dù đã được khắc phục sau khi xảy ra sự cố nhưng tiếp tục có nguy cơ xảy ra sạt lở gây hậu quả nghiêm trọng. Đơn cử, tại Km 126+200, đoạn qua đèo Áng Tòng trên QL 3B, nhà thầu đã hoàn thành phương án thi công theo lệnh xây dựng công trình, dự án khẩn cấp khắc phục hậu quả thiên tai của Bộ GTVT.
Tuy nhiên sau đó điểm sạt lở đã tiếp tục lan rộng, tiến sát chân cột điện; có nguy cơ đe dọa đến an toàn đường dây điện trung thế 35 Kv Bắc Kạn – Na Rì.
Clip ghi nhận cận cảnh biện pháp xử lý sạt lở tại đèo Áng Tòng, Km 126+200, QL 3B.
Do đó, ngành điện lực đã triển khai dự án di dời khẩn cấp đường dây diện trên. “Đến nay, dự án di dời đường dây 35 Kv đã hoàn tất. Chúng tôi đang cùng đơn vị tư vấn và các nhà thầu xác định khối lượng, tham mưu Bộ GTVT tiếp tục ban hành lệnh xây dựng công trình, dự án khẩn cấp khắc phục hậu quả thiên tai để mở rộng phương án san hạ hàng chục nghìn m3 đất đá, giải quyết triệt để cung trượt trên ta luy dương, góp phần bảo đảm ATGT trong mùa mưa lũ”, ông Trần Mạnh Quyền, Phó Giám đốc Ban quản lý bảo trì đường bộ Bắc Kạn chia sẻ.
Lãnh đạo Ban quản lý bảo trì đường bộ Bắc Kạn cũng cho biết thêm: Hiện nay, công tác khắc phục hậu quả mưa lũ trên địa bàn đang gặp nhiều khó khăn. Trong đó, là tỉnh miền núi gặp nhiều khó khăn, nhà thầu tham gia bảo trì, sửa chữa đường còn gặp nhiều khó về nguồn vốn, kinh phí.
Tuy nhiên, không chỉ đơn giá thi công thấp, không có địa điểm đổ thải, chi phí nguyên liệu tăng cao... các đơn vị đều phải ứng trước hàng chục tỷ đồng để triển khai thực hiện. Trong khí đó, công tác thanh, quyết toán còn nợ đọng, kéo dài.
Cụ thể, đối với các tuyến QL, năm 2021, khối lượng thực hiện trên các tuyến QL là 29 tỷ đồng, đến nay nhà thầu mới được ngân sách T.Ư thanh toán 8 tỷ đồng, vẫn còn nợ 21 tỷ đồng. Hiện nay, nhà thầu tiếp tục phải ứng trước 37 tỷ đồng để thực hiện các lệnh sửa chữa, khắc phục đường.
Tương tự, đến nay, nhà thầu mới được Ngân sách tỉnh Bắc Kạn thanh toán 23 tỷ đồng, còn nợ 14 tỷ đồng kinh phí khắc phục hậu quả mưa bão năm 2021. Hiện, nhà thầu tiếp tục phải vay mượn, ứng trước hơn 7 tỷ đồng khắc phục hậu quả mưa lũ.
Do vậy, các đơn vị đều kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sớm xây dựng, công bố lại đơn giá thi công; kịp thời thanh, quyết toán giúp các đơn vị giảm bớt khó khăn.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận