Vi phạm tràn lan, xử lý nửa vời
Thời gian gần đây, PV Báo Giao thông liên tục nhận được thông tin phản ánh của người thị trấn Bố Hạ, huyện Yên Thế về việc nhiều hộ dân trên địa bàn tự lý lấn chiếm lòng, bờ sông Thương để xây dựng cầu cảng, bến thủy nội địa trái phép.
Đơn cử, đầu năm nay, gia đình ông Trần Văn Quý, ở tổ dân phố Xuân Lan, thị trấn Bố Hạ, huyện Yên Thế đã tự ý lấn chiếm lòng sông Thương, đoạn chảy qua trước cửa nhà mình để xây dựng cầu cảng, bến thủy nội địa không phép.
Ông Trần Văn Quý, tổ dân phố Xuân Lan, thị trấn Bố Hạ, Yên Thế, Bắc Giang bên cầu cảng, bến thủy nội địa trái phép được xây dựng trên đất của gia đình mình.
“Ngay khi phát hiện việc xây dựng trái phép trên, người dân đã trình báo chính quyền địa phương. Sau đó, đã có nhiều đoàn của huyện, xã đến kiểm tra, lập biên bản, đình chỉ xây dựng... Tuy nhiên, sau đó, cầu cảng và bến thủy nội địa không phép này vẫn được hoàn thành, đưa vào hoạt động trước sự ngỡ ngàng của người dân nơi đây”, ông N.V.T, một người dân bức xúc nói.
Cụ thể, ngày 25/2/2021, tổ công tác liên ngành gồm các ông Nguyễn Đoàn Khởi, Phó chủ tịch UBND thị trấn Bố Hạ; Hà Văn Huấn, cán bộ địa chính, giao thông, xây dựng; Bùi Quang Vinh, Công an thị trấn; Nguyễn Thị Huệ, tổ phó tổ dân phố Xuân Lan đã kiểm tra, lập biên bản hiện trường xây dựng cầu cảng trái phép của gia đình ông Quý.
Báo cáo vụ việc gia đình ông Trần Văn Quý xây dựng bến thủy nội địa trái phép của UBND thị trấn Bố Hạ, Yên Thế.
Theo đó, ông Quý không cung cấp được bất kỳ giấy tờ nào liên quan đến công trình trái phép trên nên bị yêu cầu đình chỉ thi công ngay từ ngày lập biên bản để hoàn thiện các thủ tục liên quan.
Sau đó, ngày 11/3/2021, UBND thị trấn Bố Hạ đã ban hành văn bản số 134/BC-UBND gửi đến UBND huyện Yên Thế đề nghị chỉ đạo các phòng KT&HT, TN&MT phối hợp giải quyết việc cố tình xây dựng công trình trái phép theo thẩm quyền.
Tuy nhiên, không những các cơ quan cấp huyện, thị trấn không phối hợp, vào cuộc xử lý, ông Trần Văn Quý còn tiếp tục hoàn thiện xây dựng, đưa công trình trái phép trên vào hoạt động.
Các bến thủy, cầu cảng trái phép chủ yếu phục vụ vận chuyển than, bột đá gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Giải thích việc làm này, ông Trần Văn Quý thẳng thắn chia sẻ: “Tôi chỉ đứng tên xây dựng trên đất của gia đình mình. Thực thế cầu cảng trái phép này do một số người khai thác than tại mỏ than Bố Hạ thuê đất, xây dựng. Tôi không biết họ làm thế nào nhưng họ cam kết với gia đình là công trình sẽ vẫn hoạt động bình thường, dù kiểm tra cũng sẽ không bị xử lý”.
Tương tự, từ cuối năm 2020 đến nay, Công ty TNHH Minh Khánh đã tự ý xây dựng xưởng chế biến gỗ, cầu cảng và bến thủy nội địa ngay trên bờ cạnh sông Thương, đoạn qua tổ dân phố Liên Tân, thị trấn Bố Hạ, Yên Thế.
Ông Trần Văn Tài, quản lý bến thủy này thừa nhận: Xưởng chế biến và bến cảng này chúng tôi thuê lại của Công ty TNHH Lâm sản Việt Hùng nên không quan tâm đến việc công trình có giấy phép hay không vì thủ tục pháp lý doanh nghiệp đối tác phải có trách nhiệm hoàn thiện.
Trong khi đó, ông Hà Văn Tốn, Giám đốc Công ty TNHH Lâm sản Việt Hùng cho biết: Nguồn gốc đất xây dựng các công trình trên là do công ty ông thầu khoán đất công ích ven sông của Chi hội người cao tuổi tổ dân phố Liên Tân nên không thể xin cấp phép xây dựng. Chính quyền địa phương có nhiều lần kiểm tra nhưng sau đó các doanh nghiệp vẫn được tạo điều kiện để hoạt động.
Không thể cấp phép vì các bến thủy đều chiếm lòng sông
Thống kê của UBND thị trấn Bố Hạ cho thấy: Trên địa bàn hiện đang có 12 cầu cảng, bến thủy nội địa không phép đang hoạt động. Bên cạnh đó, nhiều trường hợp xây dựng mới, đang tiếp tục hoàn thiện công trình vi phạm. Tình trạng này đã được UBND thị trấn tổng hợp, báo cáo UBND huyện Yên Thế chỉ đạo xử lý theo thẩm quyền.
Tình trạng trên đã gây ra nhiều hệ lụy về môi trường, dẫn đến sạt lở bờ sông, ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống người dân.
Tất cả cầu cảng, bến thủy nội địa không phép tại huyện Yên Thế đều lấn chiếm lòng sông và hành lang bảo vệ luồng, hành lang thoát lũ trên sông Thương nên không được cấp phép xây dựng.
Trong đó, do dòng chảy bị các cầu cảng ngăn chặn, cản trở khiến dòng chảy trên sông thay đổi làm bờ sông đối diện thuộc địa phận huyện Lạng Giang, Bắc Giang đang bị sạt lở nghiêm trọng. Đã có hàng nghìn mét vuông đất canh tác bị sạt lở khiến người dân bức xúc.
Ngoài tra, đây là khu vực đầu nguồn sông Thương, là đầu mối giao thông quan trọng, mỗi ngày đều có hàng chục tàu, thuyền, sà lan trọng tải lớn lưu thông, vận chuyển than, bột đá, gỗ trên địa bàn huyện Yên Thế và các tỉnh Lạng Sơn, Thái Nguyên bằng đường thủy đi qua. Việc 12 cầu cảng cùng lấn sông, dừng đỗ tàu, thuyền không đúng nơi quy định làm tăng nguy cơ làm mất ATGT, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra TNGT đáng tiếc.
Bên cạnh đó, quá trình vận chuyển, tập kết, bốc xếp, rót than, bột đá xuống thuyền đã làm phát sinh bụi bẩn, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống người dân.
Việc hàng chục cầu cảng, bến thủy trái phép lấn sông Thương làm tăng nguy cơ mất ATGT trên địa bàn.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chủ tịch UBND huyện Yên Thế khẳng định: UBND huyện đã nắm được tình trạng vi phạm nêu trên. Chúng tôi đang giao các phòng KT&HT, TN&MT rà soát lại thủ tục liên quan, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân hoàn thiện thủ tục đề nghị Sở GTVT cấp phép hoạt động bến thủy nội địa theo quy định.
Chủ tịch UBND huyện Yên Thế quả quyết: Các trường hợp không đủ điều kiện, không được cấp phép hoạt động sẽ bị UBND huyện kiên quyết xử lý, cưỡng chế dỡ bỏ theo quy định.
Đại diện Sở GTVT tỉnh Bắc Giang khẳng định: Sở đã nhiều lần kiểm tra thực tế tình trạng hoạt động, rà soát quy định liên quan để cấp phép bến thủy nội địa cho các đơn vị liên quan. Tuy nhiên, theo quy định hiện hành, tất cả các bến thủy trên đều không đủ điều kiện cấp phép hoạt động vì lấn chiếm lòng sông và hành lang thoát lũ, bảo vệ luồng thủy. Theo quy định, các cầu cảng, bến thủy nội địa trái phép này sẽ phải phá dỡ.
Báo Giao thông sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận