Vô hiệu hóa barie, trụ bê tông hạn chế tải trọng
Người dân thôn Trản Đồng, xã Yên Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang bức xúc cho biết, từ cuối năm 2021 đến nay, từ khi Dự án xây dựng mới Trạm bơm cống Trản được khởi công, mỗi ngày đều có hàng chục lượt xe ô tô trọng tải lớn chở bê tông thương phẩm, đất đá san lấp mặt bằng đi qua đê Hữu Lục Nam.
Xe tải trọng lớn lưu thông trên đê Hữu Lục Nam, phục vụ xây dựng Trạm bơm cống Trản.
Mặc dù tuyến đê này mới được nâng cấp, cải tạo, cứng hóa bằng bê tông xi măng, được chính quyền địa phương lắp đặt trạm barie, xây trụ bê tông, cắm biển cấm tải trọng trên 12 tấn để ngăn chặn xe quá khổ, quá tải đi qua. Tuy nhiên thời gian gần đây, mỗi ngày đều có hàng chục lượt xe chở đất đá, bê tông đi qua.
“Đáng ngại nhất là các xe vận chuyển bê tông Việt Nhật của Công ty CP Đầu tư xây dựng và Thương mại Việt Nhật (có trụ sở tại xã Vũ Xá, huyện Lục Nam) có tải trọng khoảng 20 tấn nhưng vẫn cố tình đi qua tuyến đê này. Mặt đê vốn nhỏ hẹp, có hiện tượng lún, vỡ nhưng các phương tiện quá khổ, quá tải vẫn nườm nượp lưu thông khiến đê càng thêm xuống cấp, mất ATGT”, một người dân địa phương thông tin.
Biển cấm tải trọng trên 12 tấn được cắm ngay đầu đường, tuyến đê cũng có trạm barie hạn chế tải trọng nhưng đều bị vô hiệu hóa.
"Mục sở thị” tuyến đê trên trong những ngày gần đây, chúng tôi ghi nhận những phản ánh trên là có cơ sở.
Cụ thể, các xe bê tông thương phẩm mang thương hiệu Việt Nhật, xe Howo có tải trọng từ 15 đến 20 tấn, nhiều xe được cơi nới thành thùng rầm rập vận chuyển trên đê để phục vụ xây dựng Trạm bơm cống Trản.
Để thuận tiện cho đi lại, các đơn vị thi công, vận chuyển còn cử người cảnh giới, hạ, mở barie cho xe quá khổ, quá tải đi qua. Thậm chí, các đơn vị có liên quan còn đổ đất lấp mặt đường và các trụ bê tông cho xe quá khổ, quá tải đi qua.
Người dân bức xúc phản ánh tình trạng mất ATGT trên đê Hữu Lục Nam.
“Từ khi họ đổ đất lấp trụ bê tông này đã làm mất ATGT nghiêm trọng, nhất là vào ban đêm, tầm nhìn hạn chế khiến hàng chục người đi xe mô tô bị ngã dẫn đến chấn thương. Nhiều xe ô tô con đi qua đây cũng bị mắc kẹt, vỡ hết gầm xe dẫn đến thiệt hại lớn”, ông Đ.T.L, một người dân địa phương nói.
Không chỉ làm mất ATGT, tình trạng trên còn khiến nhiều đoạn đê dù mới được cải tạo, nâng cấp vài năm gần đây nhưng đã bị gãy vỡ, xuống cấp nghiêm trọng khiến người dân lo ngại mất an toàn đê điều khi mùa mưa bão đang đến gần.
Sẽ kiểm tra, xử lý nghiêm
Xác nhận tình trạng trên, ông Phạm Văn Tuân, Hạt trưởng Hạt Quản lý đê Yên Dũng, đơn vị quản lý tuyến đê trên cho biết, một số đoạn đê tại vị trí này mới chỉ được xây dựng từ năm 2020 và 2021, chưa hết thời gian bảo hành, chưa nghiệm thu, bàn giao.
Tình trạng trên khiến mặt đê Hữu Lục Nam, đoạn qua thôn Trản Đồng nứt vỡ, xuống cấp nghiêm trọng.
Tình trạng xe quá khổ, quá tải hoạt động mạnh sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng công trình. Do vậy, ngày 11/1/2022, Hạt Quản lý đê Yên Dũng đã có văn bản số 04/DQLĐ-VP đề nghị chủ đầu tư dự án trên là Ban Quản lý dự án các công trình giao thông - nông nghiệp tỉnh Bắc Giang không sử dụng xe vượt quá tải trọng cho phép đi trên đê, khôi phục các barie, trụ bê tông hạn chế tải trọng đã bị phá dỡ, vô hiệu hóa.
Trao đổi về vấn đề trên, ông Nguyễn Bình Dương, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án các công trình giao thông - nông nghiệp tỉnh Bắc Giang cho biết - Chủ đầu tư Dự án xây dựng mới trạm bơm cống Trản có tổng mức đầu tư hơn 470 tỷ đồng, do Công ty TNHH Xây dựng Tự Lập thi công. Đây là dự án trọng điểm, đang được gấp rút hoàn thành để phục vụ thu hút đầu tư các khu, cụm công nghiệp, đô thị rộng cả nghìn ha trên địa bàn.
Cận cảnh trụ bê tông hạn chế xe quá khổ, quá tải trên đê bị đất đá vùi lấp, phục vụ xe tải trọng lớn đi qua làm mất ATGT.
Theo phương án thi công được duyệt, dự án sẽ phải vận chuyển khoảng 20.000 m3 bê tông thương phẩm và hàng vạn m3 đất đắp.
Theo hồ sơ đấu thầu, ngoài Bê tông Việt Nhật vẫn còn các trạm bê tông Phú Giang, BTS, HT86 đạt tiêu chuẩn cung cấp, chủ đầu tư sẽ yêu cầu nhà thầu thi công lựa chọn nhà cung cấp phù hợp, có phương án hạn chế xe quá khổ, quá tải, bảo đảm ATGT.
Clip ghi nhận hiện trường vụ việc.
Lãnh đạo Ban Quản lý dự án các công trình giao thông - nông nghiệp tỉnh Bắc Giang cũng khẳng định: Nhiều đoạn đê đã bị nứt, vỡ từ trước. Trước khi khởi công dự án, đơn vị đã cùng chính quyền địa phương, Hạt quản lý đê và nhà thầu đến kiểm tra thực địa, lập biên bản hiện trạng. Nhà thầu cũng đã cam kết sẽ có trách nhiệm sửa chữa, hoàn trả những đoạn đê bị nứt, vỡ, ảnh hưởng trong thời gian vận chuyển, thi công dự án.
Lãnh đạo Đội CSGT Công an huyện Lục Nam khẳng định: Từ thông tin phản ánh của người dân, đơn vị đã nắm được thực trạng trên. Vị trí dẫn vào tuyến đê này là nút giao dẫn lên cầu Cẩm Lý, nơi các phương tiện đường bộ phải đi chung với đường sắt. Trong khi đó, cầu lại nhỏ, hẹp, chỉ cho phép xe 1 chiều lưu thông nên thường xuyên xảy ra xung đột giao thông, ách tắc cục bộ, mất ATGT.
Thời gian tới, Đội CSGT Công an huyện Lục Nam sẽ tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, lập lại trật tự ATGT, nói không với xe quá khổ, quá tải trên đoạn đường này.
Báo Giao thông sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận