100% trường học triển khai “Truyền thông gia đình” ATGT - Ảnh minh họa |
Sau khi triển khai tại 100% các trường phổ thông và thí điểm tại các trường THCS, tiểu học thành công, Ban ATGT Bắc Giang sẽ triển khai mô hình mô hình “Truyền thông gia đình” tuyên truyền về ATGT trong nhà trường và các hộ gia đình học sinh tới 100% các trường tiểu học, THCS vào năm học tới.
Theo chị Hoàng Thị Ngọc, cán bộ Tỉnh đoàn Bắc Giang, đơn vị cùng phối hợp với Tỉnh đoàn và Ban ATGT Bắc Giang triển khai mô hình “Truyền thông gia đình”, mỗi học sinh được phát một cuốn Nhật ký ATGT ghi lại các tình huống giao thông, kiến thức pháp luật TTATGT. Mỗi tháng, các thành viên trong gia đình sẽ cho ý kiến về tình huống giao thông trong Nhật ký ATGT, còn học sinh sẽ đưa ra các câu trả lời về tình huống giao thông liên quan. Cuối tháng, cuốn Nhật ký ATGT được nộp cho giáo viên để theo dõi, đánh giá.
“Với cuốn Nhật ký ATGT này, hàng ngày học sinh có tài liệu để tuyên truyền về các quy định, quy tắc tham gia giao thông an toàn, đúng luật, tình hình TNGT, nguyên nhân và các giải pháp phòng ngừa... Các thành viên trong gia đình đều có thể đưa ra ý kiến ghi chép của mình, do đó mọi thành viên trong gia đình đều được lôi kéo vào hoạt động tuyên truyền ATGT, nên hiệu quả rất cao”, chị Ngọc nhìn nhận.
Theo ông Đào Nguyên Quý, Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh Bắc Giang, mô hình “Truyền thông gia đình” được tổ chức tại Bắc Giang từ cuối tháng 12/2015 với sự hỗ trợ của Tổ chức Handicap International, được thực hiện bởi Ban ATGT tỉnh, Sở GD&ĐT tỉnh, Tỉnh đoàn.
Ông Quý cho biết, ban đầu, mô hình được triển khai ở một số trường THCS. Sau khi mô hình triển khai thực tế cho hiệu quả cao, đến tháng 9/2015, mô hình được triển khai tại 100% trường THCS trên địa bàn. Cuối năm 2015, mô hình tiếp tục được thí điểm tại 40 trường THCS và tiểu học trên địa bàn, mỗi huyện, thị đều có hai trường THCS và hai trường tiểu học tham gia mô hình.
Theo kế hoạch, tháng 5, Ban ATGT tỉnh sẽ tổng kết chương trình thí điểm mô hình tại 40 trường tiểu học và sau đó nhân rộng ra 100% trường học cấp THCS, THPT và tiểu học trên địa bàn vào năm học tới.“Bắc Giang có trên 400 nghìn học sinh các cấp học, nên khi mỗi em học sinh trở thành tuyên truyền viên ATGT, sẽ đưa kiến thức pháp luật TTATGT về với người thân trong gia đình mình, thì con số người được phổ biến thêm kiến thức pháp luật TTATGT là rất lớn
. Tiếng nói của các em, những người con, em trong gia đình nhiều khi có tác động hiệu quả hơn các biện pháp tuyên truyền khác; Các em lại có cơ hội tuyên truyền hàng ngày, nên hiệu quả chắc chắn sẽ cao”, ông Quý nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận