Nhiều phụ huynh vẫn phớt lờ đội mũ bảo hiểm cho con. Ảnh minh họa |
“Nhắc anh bao nhiêu lần đi đón con bảo nó đội cái mũ bảo hiểm (MBH) vào anh không nghe. Hôm nay cái đầu nó sưng vù lên thế kia đã trắng mắt ra chưa?”, chị vợ vừa nói vừa chườm đá vào vết sưng như “quả cà chua” trên trán đứa con trai.
Chị kể, buổi chiều anh đi đón con ở trường, hai bố con đầu trần đi xe máy. Đến ngã ba giao với đường Chiến Thắng (quận Hà Đông, Hà Nội) do phanh gấp, tránh chiếc xe ngược chiều đi nhanh nên bị ngã, đứa con đập trán xuống đường. Cũng may chỉ bị sưng trán, không ảnh hưởng gì đến sọ não.
“Ngồi trên xe máy, không đội MBH nguy hiểm đã đành, lo nhất là con mình không có ý thức tham gia giao thông, rồi mai mốt đi trên đường lại lạng lách, thách thức pháp luật, hậu quả lúc đó sẽ nặng nề hơn rất nhiều”, chị nói.
Việc chị bức xúc cũng là tình trạng rất phổ biến của nhiều gia đình khi tham gia giao thông. Bản thân tôi, trên quãng đường di chuyển từ cơ quan về hàng ngày, mỗi khi qua khu vực cổng trường như: Tiểu học Phan Đình Giót, Tiểu học Tân Triều, THCS Phan Chu Trinh,… vẫn luôn bắt gặp những hình ảnh phụ huynh nhồi nhét trên chiếc xe máy 4, 5 đứa trẻ, đầu không MBH, len lỏi, bấm còi inh ỏi để thoát khỏi dòng xe tắc nghẽn; Là người cha chở đứa con ngang nhiên rú ga, vượt đèn đỏ trong khi hầu hết các xe đang đứng lại,… Tất cả sự việc đó vô hình trung “gieo rắc” vào nhận thức của những đứa trẻ một kiểu giao thông “vô lối”.
Một anh bạn tôi chia sẻ, mỗi lần đưa, đón con đi học hay đi chơi không bao giờ dám đi nhanh, vượt đèn đỏ và đội MBH đâu ra đấy. Gặp tình huống cụ thể trên đường, mình lại phân tích cho tụi nhỏ biết, ví như đi làn đường nào đúng, đèn nào thì được đi, phải dừng, tại sao nhiều người không đội MBH mà mình phải đội. Chúng nó hiểu được sẽ không “a dua” theo bạn bè hay một số người ý thức chưa tốt trên đường.
“Hành động và cách thức giáo dục của bố mẹ đóng vai trò rất quan trọng trong cách nhìn nhận thế giới quan nói chung và vấn đề ATGT nói riêng của trẻ. Chấp hành các quy định về ATGT ngay từ nhỏ sẽ khiến các em hình thành thói quen và lớn lên sẽ không cố tình vi phạm như nhiều người lớn chúng ta hiện nay”, bạn tôi chia sẻ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận