Trong nỗi đau vô hạn, ở tuổi 29, người con trai cả trở thành người “bố” bất đắc dĩ chăm lo đàn em gắng gượng với cuộc sống đầy trắc trở.
Người “bố” bất đắc dĩ
Ông Lương Viết Gia, Phó chủ tịch UBND xã Ea Ktur cho biết: Gia đình ông Phúc mới chuyển về địa phương, mới làm thủ tục nhập khẩu nên chưa bình xét hộ nghèo. Cuối năm vừa qua chuẩn bị bình xét thì gia đình gặp nạn. “Khi xảy ra chuyện, chính quyền có hỗ trợ lo ma chay. Hiện, 3 đứa con ông Phúc đang đi học đã được hưởng chế độ trẻ mồ côi (405.000 đồng/cháu/tháng). Vừa qua, gia đình cũng nhận được hỗ trợ khó khăn đột xuất 5,4 triệu đồng từ UBND huyện. Thời gian tới, xã giao cho Ban tự quản thôn thường xuyên qua lại nắm bắt tâm tư nguyện vọng, hoàn cảnh để tháo gỡ, hỗ trợ kịp thời cho các cháu”, ông Gia cho hay.
Mọi sự ủng hộ cho gia đình em Nguyễn Thành Công, xin gửi về tài khoản Quỹ Chung tay vì ATGT của Báo Giao thông: 102010001764880 tại Ngân hàng TMCP Công thương VN - Chi nhánh Hà Nội (Nội dung ghi rõ: Gửi ủng hộ em Nguyễn Thành Công nuôi 6 em mồ côi).
Giữa cái nắng chang chang của mùa khô Tây Nguyên, Nguyễn Thành Công (29 tuổi) dáng người nhỏ thó, thoăn thoắt đôi tay cuốc cỏ bơ ngoài vườn. Nghe tiếng gọi, Công ngước nhìn. Cậu nghỉ tay, mời khách vào nhà.
Trong căn nhà cấp 4 tuềnh toàng nằm hiu hắt giữa rẫy cà phê, ở gian giữa có một chiếc bàn gỗ kê sát tường, nơi đặt di ảnh bố mẹ Công. Ông Nguyễn Hữu Phúc (56 tuổi) và bà Trần Thị Tuân (47 tuổi) đã về cõi vĩnh hằng sáng sớm 4/11/2018 sau khi xảy ra va chạm với chiếc xe buýt, để lại 7 người con ở cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”.
Công kéo tay áo quệt mồi hôi lã chã trên trán, kể: “Ngày nghe tin bố mẹ mất, vợ chồng em đang làm công nhân sản xuất bánh kẹo ở Bình Dương. Vợ chồng tức tốc bắt xe khách về. Trên suốt quãng đường về, hai đứa khóc đến khô nước mắt. Bước vào nhà, nhìn thấy thi thể bố mẹ, em ngã quỵ, 7 anh em ôm nhau gào khóc. Nhưng rồi cũng phải nén đau buồn cùng hàng xóm lo ma chay cho bố mẹ”.
Sau ngày bố mẹ mất, ban đầu Công và vợ bàn nhau không trở lại Bình Dương nữa mà ở nhà lo cho các em ăn học. Nhưng ở quê cuộc sống khó khăn, nhà chỉ có vỏn vẹn 3 sào đất, trồng được dăm cây sầu riêng và bơ, mỗi năm thu được khoảng 20 triệu đồng. Công đành để vợ và con trở lại Bình Dương sống với nhà ngoại, còn mình ở lại lo toan gia đình, thỉnh thoảng mới vào thăm vợ con.
“Ngoài chăm sóc mấy sào vườn, thời gian rảnh em đi hái tiêu thuê, mỗi ngày được 180.000 đồng để trang trải sinh hoạt. Công việc hái tiêu thuê cũng không thường xuyên nên em cũng phải làm thêm những việc khác. Em đã hứa với vong linh bố mẹ, sẽ cố gắng lo cho các em ăn học tới nơi tới chốn nên dù thế nào em cũng cam chịu”, Công quả quyết.
Vừa đi học về, ngồi bên anh trai, em Nguyễn Thị Diệu Trinh (học sinh lớp 11, trường THPT Việt Đức) tâm sự: “Trước đây, hàng ngày bố đi rẫy, thời gian rảnh thì đi hái cà phê thuê. Sáng sớm, bố đi mua bắp tươi về để mẹ nấu rồi chở ra chợ bán. Bố mẹ mất, nhiều lúc em cũng định nghỉ học nhưng hiểu hoàn cảnh của em nên bạn bè thầy cô cũng chia sẻ nhiều. Nhà trường còn miễn học phí, em đi học thêm thầy cô cũng không lấy tiền. Hiện em đang cố gắng để tốt nghiệp, còn sau này thế nào chưa dám nghĩ. Em sợ nếu đậu đại học không biết tiền đâu đi học”.
Mịt mù con đường phía trước
Trong 7 anh chị em, sau Công có em Nguyễn Thị Thanh Thảo (SN 1992, đã có gia đình, hiện làm công nhân trong Bình Dương); Nguyễn Thị Thanh Huyền (SN 1994, làm công nhân); Nguyễn Thị Thu Trang (SN 1996, sinh viên năm cuối của một trường cao đẳng ở Bình Dương); Nguyễn Thị Ngọc Ánh (học sinh lớp 12, trường THPT Việt Đức); Nguyễn Thị Diệu Trinh (học sinh lớp 11, trường THPT Việt Đức) và Nguyễn Thiện Đức (học sinh lớp 8).
“Vừa qua, Ngọc Ánh đạt học sinh khá, Diệu Trinh đạt học sinh giỏi. Hiện tại em còn lo được cho các em nhưng tương lai, nhất là khi các em học lên cao, vào đại học thì chưa biết sẽ thế nào. Chỉ mong ông trời thương, cho sức khỏe để lo cho các em. Vì chỉ có học mới giúp cho các em thoát được cảnh nghèo khó”, Công lo lắng.
Cô Nguyễn Thị Bích Ngọc, giáo viên chủ nhiệm lớp 11A12, trường THPT Việt Đức cho hay: “Diệu Trinh hiện là học sinh giỏi, vừa làm Bí thư, vừa là lớp phó học tập. Ngay sau ngày bố mẹ Trinh mất, trong buổi chào cờ đầu tuần và cuộc họp giao ban, nhà trường đã đưa hoàn cảnh của học sinh này ra để kêu gọi mọi người giúp đỡ. Nhưng tương lai, để Trinh được tiếp tục học tập, tôi nghĩ em ấy còn cần rất nhiều sự giúp đỡ để con đường đến trường không bị đứt gánh”, cô Ngọc nói.
Ông Nguyễn Công Hiên, Trưởng thôn 5 (xã Ea Ktur) cho hay: Gia đình ông Phúc thuộc diện hộ nghèo, không có nhiều đất sản xuất, ngày ngày chồng đi làm thuê, vợ đi bán lặt vặt ngoài chợ. “Vợ chồng ông Phúc mất, mọi việc lớn nhỏ trong gia đình và lo cho các em ăn học đều trông cậy vào cậu anh cả. Biết hoàn cảnh khó khăn, chính quyền địa phương cũng thường xuyên quan tâm, hỗ trợ trong sinh hoạt và học hành của các cháu”, ông Hiên nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận