• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái
Giao thông 24h

Ẩn họa xe đầu kéo chở container hoán cải

02/08/2022, 07:53

Những chiếc xe đầu kéo chở container hoán cải với nhiều hình thức tinh vi chở hàng quá tải không chỉ làm hư hỏng cầu đường mà còn mất an toàn...

Nở rộ xe đầu kéo chở container hoán cải

Ghi nhận của PV Báo Giao thông sáng 25/7, trên đường Trần Phú đoạn qua phường Cao Xanh và phường Hà Khánh (TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) liên tiếp xuất hiện loạt xe đầu kéo mang BKS: 14C - 199.57; 14H - 029.62; 14C - 302.17… chở container đã hoán cải bằng cách cắt nóc ì ạch di chuyển.

Một ngày sau đó, trong mỏ đá tại xã Kiện Khê, huyện Thanh Liêm (Hà Nam), hàng loạt xe đầu kéo chở container lắp thêm những trụ ben thủy lực màu đỏ BKS: 90H -016.10; 90C - 102.70; 90C - 086.14 đang nằm chờ “ăn hàng”, bên cạnh là những thùng container đã cắt nóc nằm ngổn ngang.

Xe đầu kéo chở container cắt nóc chất đầy hàng ì ạch lưu thông trên đường Trần Phú (TP Hạ Long)

Theo Cục Đăng kiểm VN, với những chiếc xe đầu kéo chở container hoán cải có ben thủy lực, cơ chế hoạt động là ống bơm dầu gắn từ đầu kéo đến trục bơm ben thủy lực sử dụng để nâng thùng container và đổ như một chiếc xe tải tự đổ. Đây là kết cấu kỹ thuật mà không một chiếc xe sơ-mi rơ-mooc chở hàng bằng container nào có.

Đối với các loại xe container bình thường, do không sử dụng trục bơm ben thủy lực nên chỉ có các dây dẫn khí nén để phục vụ cho hoạt động của hệ thống phanh xe.

Ngoài loại này, còn có loại hoán cải khác, không lắp thêm ben thủy lực mà chỉ sử dụng container đã cắt nóc để chở hàng.

Ông Đặng Trần Khanh, Phó trưởng phòng Phòng kiểm định xe cơ giới, Cục Đăng kiểm VN cho biết, những container đã bị hoán cải, sửa chữa để chở hàng, bản chất không còn đúng quy chuẩn về một chiếc container thông thường, khi đó chỉ còn là một thùng chở đồ lắp trên xe.

Tùy thuộc vào thể tích của container và hàng hóa, tải trọng sẽ vượt so với quy định từ 3 - 4 lần, làm hư hỏng kết cấu cầu đường, chưa kể, hệ thống lốp, phanh cũng không chịu nổi sức nặng, quá trình lưu thông có thể gãy khung, nổ lốp, thậm chí khi vào cua còn có thể gây lật xe, rất mất an toàn.

Theo quy định hiện hành, đối với xe đầu kéo kéo theo sơ-mi rơ-mooc chở container khi kiểm định được phép chở container không có hàng trên xe. Còn khi kiểm định sơ-mi rơ-mooc không được phép chở container trên xe.

Tuy nhiên, với những loại xe đã hoán cải chắc chắn sẽ không được đăng kiểm. Do đó, trước khi đăng kiểm, chủ xe sẽ tháo hết những phần đã lắp thêm như ben thủy lực và cũng không mang theo container đã cắt nóc đi cùng. Bởi vậy, quá trình đăng kiểm rất khó phát hiện xe đã được hoán cải.

Theo tìm hiểu của PV, chi phí để lắp hệ thống ben thủy lực trên xe đầu kéo, kéo theo sơ-mi rơ-mooc để chở container lên đến 500 triệu đồng và mỗi lần tháo ra lắp lại hệ thống này cần tới hơn 10 triệu đồng vì rất phức tạp.

Cần bổ sung chế tài xử phạt

Hàng loạt xe đầu kéo chở container cắt nóc nằm chờ "ăn hàng" trong mỏ đá ở Hà Nam

Ông Hoàng Thế Tùng, Vụ trưởng Vụ ATGT (Bộ GTVT) cho biết, xe đầu kéo chở container hoán cải bằng việc lắp thêm ben thủy lực đã vi phạm quy định tại Nghị định 123/2021, có thể bị phạt từ 6 - 8 triệu đồng đối với cá nhân, từ 12 - 16 triệu đồng đối với tổ chức là chủ xe.

Ngoài ra, nếu sử dụng loại xe này chở hàng quá tải sẽ bị xử phạt kép hai lỗi. Cụ thể, theo Nghị định 123/2021, có 3 mức xử phạt hành vi chở quá tải gồm: Từ 10 - 20%, 20 - 50% và trên 50% lần lượt tương ứng với mức phạt là 4 - 6 triệu đồng, 13 - 15 triệu đồng và 40 - 50 triệu đồng.

Chủ phương tiện có xe chở quá tải bị tăng mức phạt từ 18 - 75 triệu đồng đối với cá nhân và 36 - 150 triệu đồng đối với tổ chức, tương ứng với mức độ quá tải của xe.

Đối với những xe không lắp thêm ben thủy lực mà chỉ sử dụng container đã cắt nóc để chở hàng hóa, hiện nay chưa có chế tài xử lý vi phạm. Do đó, cần nghiên cứu để bổ sung thêm chế tài xử phạt.

Đồng quan điểm, lãnh đạo Vụ Khoa học Công nghệ (Bộ GTVT) cũng cho biết, hiện chưa có chế tài xử phạt container cắt nóc hoán cải mà chỉ có chế tài xử lý vi phạm tải trọng nếu sử dụng container này chở hàng quá tải.

Thực tế, theo lực lượng CSGT các địa phương, quá trình TTKS thường chỉ kiểm tra xe đầu kéo, sơ-mi rơ-mooc mà “bỏ quên” việc kiểm tra container vì đây không phải là phương tiện giao thông trên đường mà chỉ được coi như một loại “bao bì” để đựng hàng hóa. Trong khi đó, hiện nay chưa có chế tài xử phạt lỗi sử dụng container hoán cải.

Ông Vũ Anh, Trưởng phòng Công nghiệp, Cục Đăng kiểm VN cho biết, container chuẩn sẽ được cơ quan này cấp giấy chứng nhận theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về kiểm tra và chế tạo container vận chuyển trên các phương tiện vận tải (QCVN 38:2011/BGTVT) và tuân thủ Công ước quốc tế về an toàn container của Tổ chức hàng hải quốc tế CSC.

Biển chứng nhận an toàn CSC này được lắp trực tiếp phía sau thùng container, đồng thời, phải được kiểm tra định kỳ trong quá trình sử dụng.

Theo quy định, chu kỳ kiểm tra đầu tiên (tính từ ngày chế tạo đến ngày kiểm tra lần thứ nhất) không quá 5 năm; chu kỳ kiểm tra tiếp theo không quá 30 tháng. Ngoài ra còn có chương trình kiểm tra liên tục (ACEP) thay thế cho 2 chu kỳ trên, đây cũng là chu kỳ được hầu hết các chủ container lựa chọn để kiểm tra container hiện nay.

“Sau mỗi đợt kiểm tra, sẽ ghi trực tiếp mốc thời gian kiểm tra và lần kiểm tra kế tiếp lên biển chứng nhận an toàn CSC trên container”, ông Vũ Anh nói và cho biết thêm: Nếu container không có biển chứng nhận an toàn CSC hoặc có nhưng quá thời gian kiểm tra ACEP thì chứng tỏ container đó không được giám sát, kiểm tra, bảo dưỡng, sửa chữa định kỳ và không đủ an toàn để sử dụng chở hàng lưu thông trên đường.

Ở lĩnh vực hàng hải, trước mỗi chuyến “chất” container lên tàu, cảng vụ sẽ kiểm soát các container, đủ điều kiện mới cho xuống tàu còn không đủ điều kiện như trên sẽ yêu cầu dỡ xuống, khắc phục khiếm khuyết cho đến khi đáp ứng đúng kỹ thuật về an toàn của container mới được cấp giấy cho phép lên tàu.

Tuy nhiên, ở lĩnh vực đường bộ hiện chưa có chế tài kiểm soát này mà mới chỉ có quy định về chằng buộc không an toàn.

Theo ông Vũ Anh, để đảm bảo an toàn, hạn chế tình trạng thùng xe bị đổ ra đường trong quá trình di chuyển, mỗi container được gắn chặt trên sơ-mi rơ-mooc thông qua 4 chi tiết nối góc.

Nếu container cũ, đã bị hoán cải, không còn là container, không còn biển chứng nhận an toàn CSC hay được kiểm tra định kỳ qua chương trình ACEP, những chi tiết nối góc này cũng không được kiểm tra, bảo dưỡng thường xuyên và không đủ điều kiện an toàn để liên kết container hoán cải với sơ-mi rơ-mooc, vi phạm quy định về chằng buộc hàng hóa an toàn trên xe khi tham gia giao thông.

“Thậm chí không ít vụ tai nạn, xe đầu kéo chỉ vào cua, thùng container trên xe đã rơi xuống đường rất nguy hiểm. Những trường hợp này chắc chắn là do các chi tiết nối góc không đủ điều kiện sử dụng”, ông Vũ Anh cho hay.

Tuy nhiên, hiện nay lỗi vi phạm về chằng buộc hàng hóa không chắc chắn chỉ bị phạt tiền từ 300 - 400 nghìn đồng, mức phạt thấp và không đủ sức răn đe.

Thế nhưng, nếu container không được coi là hàng hóa mà chỉ là bao bì vận chuyển thì không thể áp dụng chế tài xử phạt này.

Một chuyên gia giao thông cho biết, ở nước ngoài, container dùng chở hàng trên biển là chính, khi di chuyển trên đường bộ chỉ là quá cảnh từ cảng này sang cảng khác, hoặc chở vào nội địa xa nhất cũng chỉ 100km để trút bỏ hàng rồi quay luôn về cảng.

Tại Việt Nam, hiện nay không ít những doanh nghiệp sử dụng container cũ không đủ tiêu chuẩn kỹ thuật, lấy mác là container để chở hàng do ít bị lực lượng chức năng kiểm tra vì chưa có chế tài cụ thể để xử phạt.

“Cần quy định rõ sử dụng container hoán cải, container không đủ điều kiện an toàn kỹ thuật theo công ước CSC, quá thời hạn kiểm tra ACEP là vi phạm pháp luật để từ đó có chế tài xử phạt, thậm chí, áp dụng hình phạt bổ sung tháo hạ container này không cho sử dụng để đảm bảo an toàn”, chuyên gia này kiến nghị.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.